Quân đội Syria tấn công Idlib trở lại
Bất chấp việc một thỏa thuận ngừng bắn mới được ký vào tuần trước tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan, giao tranh ở các điểm nóng tại Syria vẫn chưa dừng lại. Các lực lượng của quân đội Syria vừa nối lại hoạt động bắn phá các địa điểm ở Idlib, với cáo buộc các phe phái ở đây không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, theo Haaretz.
Idlib là mục tiêu cuối cùng để giúp Tổng thống Syria Bashar Assad giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước của mình. Các nhóm cực đoan vẫn hiện diện tại đây như một cái gai trong mắt chính quyền Damascus, trong khi khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt đầu trở lại bằng các đợt tấn công tự sát cuồng bạo.
Các nhóm phiến quân, IS, các nhóm cực đoan, các thế lực nước ngoài, quân đội Syria vẫn đang nỗ lực giành lấy mục tiêu của mình ở chiến trường nóng nhất Trung Đông hiện tại.
Idlib giờ đây giống như một quả bom hẹn giờ ngoại giao đang làm căng thẳng mối quan hệ giữa Ankara và Washington; giữa Syria và Nga - cây bút bình luận Zvi Bar'el viết trên Haaretz.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sự kiên nhẫn của họ với Mỹ đang cạn kiệt khi vấn đề người Kurd là mối lo ngại của nước này không được giải quyết. Trong khi Syria cũng sử dụng những từ ngữ tương tự để thể hiện sự thiếu kiên nhẫn của mình đối với hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ khi không đảm bảo được thỏa thuận Sochi.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mở chiến dịch tấn công mới ở Syria, điều mà chính quyền Assad sẽ không mong muốn.
Khoảng một năm trước, một thỏa thuận đã được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo các nhóm cực đoan ở Idlib sẽ từ bỏ vũ khí hạng nặng để đổi lại lực lượng Syria sẽ không mở chiến dịch quân sự chiếm thành phố.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được lời hứa của mình, bất chấp áp lực nặng nề mà Nga đưa ra.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa sẽ tiến hành một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm chiếm lãnh thổ Syria ở khu vực giữa miền Đông Syria và sông Euphrates, xóa sạch sự hiện diện của người Kurd, mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Đây chính xác là điều mà Mỹ - quốc gia coi người Kurd là đồng minh trong cuộc chiến chống IS – cảm thấy lo ngại. Các cuộc đàm phán đã được tiến hành giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày qua, nhưng không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu một khu vực an ninh được tạo ra dài từ 35 đến 40 km và rộng khoảng 20 km, đồng thời là người tiếp quản duy nhất. Trong khi Mỹ chỉ đồng ý một khu vực ngắn hơn, rộng từ 5 đến 14 km, thuộc trách nhiệm chung giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Những bế tắc này đã đặt Mỹ vào tình trạng khó xử, cũng giống như việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây mua hệ thống S-400 gây tranh cãi của Nga.
Mỹ sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ tham vọng lãnh thổ của mình ở Syria, hay sẽ nhượng bộ để thực hiện các cam kết rút lực lượng như tuyên bố của ông Trump năm ngoái?
Nga làm gì tiếp theo?
Nga có thể khó ngăn cản bước tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria do vướng mắc hợp đồng S-400.
Nga cũng đang nôn nóng chờ đợi cuộc tranh cãi giữa Mỹ-Thổ sớm kết thúc, vì Moscow muốn tìm cách kết thúc nhanh chóng vấn đề Idlib để tiến tới một giải pháp ngoại giao và chấm dứt chiến tranh.
Nga có tình huống khó xử riêng. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mở chiến dịch tấn công mới, Nga sẽ phải đứng về phía Syria và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các khu vực mà họ sẽ chiếm đóng.
Không phải vì Nga có nghĩa vụ với người Kurd, mà là giúp Tổng thống Assad một lần nữa thoát khỏi nguy cơ đến từ các lực lượng nước ngoài xâm chiếm đất nước.
Bước đi như vậy của Nga cũng có thể phục vụ lợi ích của Mỹ và Israel, hai quốc gia đang tìm cách loại Iran khỏi lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, mong muốn đó sẽ đòi hỏi một cái gật đầu từ Tổng thống Assad, người đã mời Iran đến đất nước của mình.
Tuy nhiên, sự chiều lòng của Nga đối với chính quyền Assad trong việc loại bỏ các lực lượng nước ngoài lúc này lại rơi vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ vừa mua S-400 và chống lại người Mỹ.
Ở khía cạnh lạc quan hơn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tin rằng họ sẽ được miễn trừ khỏi áp lực của Nga để có thể bắt tay vào một chiến dịch tấn công mới để kiểm soát toàn bộ khu vực người Kurd ở Syria - nhờ vào hợp đồng S-400.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, dù điều này có xảy ra, không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các phần lãnh thổ của Syria lâu dài, đặc biệt là khi Moscow muốn người Kurd tham gia vào tiến trình ngoại giao tổng thể.
Cho đến chừng nào Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ còn chưa giải quyết được những tranh cãi giằng xé ở Idlib, khi đó cuộc chiến ở Syria sẽ vẫn còn tiếp tục.