Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố việc mua bán vũ khí cho Iran vẫn là vi phạm các nghị quyết của LHQ và sẽ phải nhận sự trừng phạt.
“Hoa Kỳ đã chuẩn bị các chế tài nội địa để trừng phạt bất kỳ cá nhân hay thực thể nào cung cấp, mua bán hay vận chuyển vũ khí đến và đi khỏi Iran…
Các quốc gia muốn tìm kiếm hòa bình và ổn định ở Trung Đông cũng như ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố cần phải tránh xa bất kỳ giao dịch vũ khí nào với Iran”, thông cáo của ông Pompeo nêu rõ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm: “Trong 10 năm qua, các quốc gia đã kiềm chế việc mua bán vũ khí với Iran nhờ nhiều biện pháp khác nhau của LHQ. Bất kỳ quốc gia nào muốn thách thức lệnh cấm này rõ ràng là chọn châm ngòi cho xung đột và căng thẳng thay vì hòa bình và an ninh”.
Trước đó, đúng vào lúc 0h ngày 18/10 (theo giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Iran ra tuyên bố:
“Cho đến hôm nay, tất cả các hạn chế đối với việc chuyển giao vũ khí, các hoạt động liên quan và dịch vụ tài chính đến và đi từ Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng như tất cả các lệnh cấm liên quan đến việc nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ của các nước thành viên LHQ từng được áp đặt trước đây đối với một số công dân và quan chức quân đội Iran đều tự động chấm dứt”.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng gọi đây là “một ngày quan trọng đối với cộng đồng quốc tế” vì đã bảo vệ được nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) và thỏa thuận hạt nhân quốc tế có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã ký giữa Iran và các cường quốc vào năm 2015.
Theo thỏa thuận JCPOA, lệnh cấm vận vũ khí của LHQ chống Iran chính thức hết hạn vào ngày 18/10, phù hợp với nghị quyết 2231 của HĐBA.
Mỹ đã cố gắng ngăn chặn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận do HĐBA áp đặt với quốc gia Hồi giáo từ năm 2007 này, trích dẫn điều khoản tái trừng phạt trong thỏa thuận JCPOA.
Song, các nỗ lực này không được HĐBA tán thành. Ngay cả các đồng minh châu Âu của Washington cũng tuyên bố Mỹ không có quyền kích hoạt cơ chế trừng phạt sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận JCPOA năm 2018.