"Lấy mỡ nó rán nó", QĐ Syria tung cựu phiến quân vào Idlib: Hậu quả thảm khốc?

Hoài Giang |

Việc Quân đội Arab Syria (SAA) tung các đơn vị với đa phần là cựu phiến quân đối đầu với hỏa lực của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) ở Idlib đã gây thương vong lớn cho các tay súng này.

Hôm 11/3, tờ al-Monitor xuất bản bài phân tích "Some Syrian regime fighters defecting when forced to front lines" (tạm dịch: Giải thích lý do một số binh lính Syria đào ngũ khi bị ép ra mặt trận) của tác giả Nawwar Horani.

Nhằm đem lại cái nhìn đa chiều trong bối cảnh một đợt tấn công mới của Quân đội Arab Syria (SAA) vào đông nam Idlib nhiều khả năng sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2020, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Tại sao súng vẫn nổ dù miền nam Syria đã được giải phóng?

Tháng 2/2020, cùng với chiến sự nóng bỏng tại tây bắc Syria, giao tranh ở quy mô nhỏ nổ ra giữa lực lượng chính phủ Syria (chủ yếu là dân quân tình nguyện) và các tay súng đối lập ở tỉnh Daraa miền nam Syria.

Quân cảnh Nga đã phải nhanh chóng can thiệp và trung gian cho một thỏa thuận, theo đó các tay súng đối lập sẽ giao nộp vũ khí và dân quân thân chính phủ sẽ rút quân.

Các tay súng không chấp nhận hạ vũ khí đã được "hộ tống" bởi quân cảnh Nga và tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tới Idlib vào ngày 5/3 và gia nhập các nhóm phiến quân tại đó.

Thỏa thuận này tương tự như thỏa thuận (cũng được trung gian bởi Nga) vào tháng 7/2018 ở miền nam Syria.

Sau thỏa thuận năm 2018, chính phủ Damascus đã công bố các lệnh ân xá (các tay súng đối lập lựa chọn ở lại hoặc thanh niên trốn nhập ngũ nếu gia nhập lực lượng chính phủ sẽ không bị truy tố).

Tuy nhiên, cùng với chiến sự leo thang tại Idlib, việc SAA không giới hạn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ ở miền nam và đưa binh lính trong khu vực này tới tham chiến ở tây bắc Syria là lý do cho cuộc "nổi dậy" nói trên.

Lấy mỡ nó rán nó, QĐ Syria tung cựu phiến quân vào Idlib: Hậu quả thảm khốc? - Ảnh 1.

Một loạt cuộc tấn công đã diễn ra ở Daraa vào cuối tháng 2/2020 đã dẫn tới một hoạt động truy quét của quân chính phủ.

Trước thương vong ở Idlib, QĐ Syria dùng "kỷ luật sắt" với binh lính là cựu phiến quân?

Sami al-Ahmad, người lính SAA bị thương trong giao tranh tại mặt trận Saraqeb, Idlib nói với Al-Monitor:

"Tôi đã bị lực lượng an ninh bắt 2 tháng trước với cáo buộc trốn tránh nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Vào cuối tháng 2/2020, tôi đã cùng với hàng trăm người đồng cảnh ngộ đã bị tung vào khu vực phía đông tỉnh Idlib dù chưa từng trải qua huấn luyện quân sự.

Một vài ngày trước, tôi bị trúng đạn pháo của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sau khi các sĩ quan quyết định tung các tân binh như tôi và các cựu phiến quân từ Daraa, Quneitra và vùng nông thôn Damascus.

Việc đưa những người thiếu kinh nghiệm như chúng tôi lên chiến tuyến không khác gì dâng "con mồi" cho các tay súng đối lập ở Idlib".

Ahmad nói tiếp: "Đứng trước con số thương vong đáng sợ (ở Idlib), hàng nghìn binh lính SAA vẫn chưa tham chiến đã tỏ ra nản lòng. Do đó, hàng trăm người mới nhập ngũ đang cố gắng đào ngũ vì họ sợ bị chuyển tới chiến trường".

Một đại diện tổ chức phi chính phủ Văn phòng Tài liệu Liệt sĩ Daraa, ông Omar al-Hariri đã có một buổi phỏng vấn với al-Monitor về các sự kiện tại miền nam Syria đưa ra bình luận:

"Chúng tôi có bằng chứng cho thấy hàng trăm người có xuất thân từ khu vực Daraa tham chiến ở cả hai phía tại tây bắc Syria.

Ít nhất là 10 phiến quân và 30 binh sĩ SAA người Daraa đã thiệt mạng ở các tỉnh Aleppo và Idlib vào tháng 2/2020. Đối với những người lính SAA, một số thi thể đã được trao trả cho gia đình và họ đã được chôn cất ở Daraa.

Số phận của những người Daraa khác tham chiến ở Idlib vẫn chưa được biết tới. Nhiều nguồn tin cho rằng các chỉ huy SAA đã xử tử các cựu phiến quân đã từ chối tham gia chiến".

Các đơn vị SAA được tung vào tây bắc Syria sau khi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tiến hành hoạt động quân sự (28/2) và trước khi Saraqeb được tái chiếm (1/3) chủ yếu được trang bị nhẹ và hứng chịu thương vong lớn do không kích.

Tình trạng hỗn loạn và thiếu lòng tin của "vùng giải phóng" Daraa

Ông Abu Mahmoud al-Hourani thành viên của Liên đoàn Tự do Horan, một tổ chức truyền thông địa phương chuyên theo dõi các vi phạm ngưng bắn ở miền nam Syria xác nhận với al-Monitor rằng trong tháng 2/2020, tình hình ở Daraa vẫn đang "hỗn loạn".

Chỉ trong một tháng đã có ít nhất 37 vụ ám sát diễn ra khiến 26 người thiệt mạng, 12 người khác bị thương.

Adham Akrad, thành viên của ủy ban đàm phán (đối lập) bình luận với al-Monitor:

"Việc thiếu các giải pháp dài hạn để đảm bảo việc thực thi hòa giải khiến mọi người mất niềm tin vào chính phủ (Damascus). Do đó, người dân và những người đứng đầu (đối lập) ở các đô thị trong khu vực Daraa đã tổ chức hàng chục cuộc biểu tình tố cáo các vi phạm của chính phủ.

Sự hỗn loạn hiện tại diễn ra trong bối cảnh thanh niên địa phương có thể bị bắt giữ nếu không nhập ngũ và hàng nghìn sinh viên đã bị tước mất cơ hội học tập.

Sau khi xung đột gia tăng ở miền bắc Syria, những lời hứa (của Nga) là không đủ để ngăn hàng trăm tân binh đến từ các khu vực thỏa thuận hòa giải đào ngũ và hàng nghìn người khác đã rời khỏi địa phương mặc dù lựa chọn đó đầy nguy hiểm".

Khi được hỏi về các yếu tố đẩy thanh niên lựa chọn rời khỏi địa phương, ông Abdel Hakim al-Masri, Bộ trưởng kinh tế của Chính phủ lâm thời Syria (phe đối lập lưu vong) bình luận với al-Monitor:

"Tình trạng thất nghiệp đang lan rộng trong giới trẻ vì chế độ (chính phủ Syria) từ chối cấp phép lao động cho những người mới tốt nghiệp (liên quan tới việc chưa nhập ngũ). Ngoài ra, viện trợ nhân đạo trong khu vực đã bị cắt.

Khi tình hình kinh tế trong khu vực xấu đi, hoạt động quân sự gia tăng ở miền bắc và những người đào ngũ trở về địa phương tăng lên, giao tranh chắc chán sẽ bùng nổ do sự thiếu tin tưởng (thỏa thuận sẽ được thực thi) từ cả hai phía".

Giao tranh dữ dội trong đêm tại mặt trận Saraqeb, Idlib trước ngưng bắn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại