Ảnh minh họa: AFP
Đơn vị hoạt động bí mật của Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các kỹ thuật tổng hợp hình ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo "deep fake" mới để sử dụng trong chiến tranh thông tin và tấn công các sản phẩm kết nối Internet (IoT). Tổ chức báo chí tự do The Intercept đã đưa tin về động thái trên vào ngày 7/3.
Theo tài liệu mà The Intercept nắm được, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự bí mật của Mỹ trên khắp thế giới - đã đề xuất một danh sách các công nghệ thế hệ tiếp theo.
Danh sách này được xuất bản lần đầu năm 2020 và được cập nhật lần cuối vào tháng 10/2022, trong đó bổ sung các công cụ có thể làm giả mạo hình ảnh và giọng nói của các nhân vật có tầm ảnh hưởng, tương tự như "deep fake".
Công nghệ "deep fake" sử dụng hình ảnh công khai có sẵn để tạo ra các sản phẩm giả mạo khác về một người, sau đó có thể dùng phiên bản giả để dựng cảnh quay theo ý muốn. Hiện công nghệ này chủ yếu phục vụ mục đích giải trí.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng các đối thủ nước ngoài có thể triển khai chiến thuật "deep fake" trong các chiến dịch thông tin sai lệch. Giới chức quản lý tại Mỹ đang phát triển một số công cụ để phát hiện các video bị làm giả như vậy, mục đích là để người dùng có thể tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công trên mạng Internet.