Nguồn tin trên cho biết, ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ hiện nay là phát triển thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới lớp Columbia thay thế cho các tàu ngầm lớp Ohio.
Đây được coi là yếu tố quan trọng trong bộ ba răn đe hạt nhân tương lai của Mỹ. Nếu không nhận được chấp thuận cung cấp tài chính từ Quốc hội Mỹ, chương trình nâng cấp trên có nguy cơ đình trệ và ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược hạt nhân của Lầu Năm góc tới năm 2030.
Trong năm tài khóa 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ chi 773 triệu USD cho chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia. Tuy nhiên, để có hiệu lực, quyết định trên cần phải nhận được sự phê chuẩn từ Quốc hội.
"Chúng tôi không còn nhiều thời gian", Phó Đô đốc Joseph Mulloy tuyên bố với trang tin Breaking Defense. Hiện tại, ngân sách dành cho chương trình phát triển tàu ngầm thế hệ mới của Mỹ chỉ còn đủ tới ngày 9-12 tới.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang trong giai đoạn cắt giảm chi tiêu và chắc chắn sẽ không tìm được nguồn tài chính bổ sung cho chương trình. Nhiều chuyên gia đánh giá, Hải quân Mỹ có thể cắt nhỏ chương trình thành các gói thầu độc lập để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc này sẽ đặt ra vấn đề về khả năng đồng bộ hóa hệ thống trên các tàu ngầm hạt nhân tương lai.
Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Michael Jabaley cho biết, chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia có thể được chia thành các phần riêng biệt với nguồn tài chính độc lập.
"Chúng tôi đang xây dựng từng phần của con tàu", ông M. Jabaley nói.
Theo các thông tin công khai, tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia mới thay thế lớp Ohio được thiết kế để tuần tra biển cũng như răn đe hạt nhân chiến lược. Hai đặc điểm đổi mới ở chiếc tàu ngầm thế hệ mới là kết cấu đuôi hình chữ X và động cơ điều khiển bằng điện giúp tối ưu hóa hoạt động và giảm phát ồn.
Hải quân Mỹ dự kiến đóng mới 12 tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia với chi phí khoảng 5 tỷ USD từ năm 2021. Các tàu ngầm mới sẽ phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 2030 (tàu ngầm lớp Ohio sẽ bị loại thải dần từ năm 2031) tới những năm 2080.