Tên khủng bố ở New York
Những chuyến công du nước ngoài thường xuyên của ông Mikhail Gorbachev đã khiến nhiều người dân Liên Xô khó chịu. "Ngoại giao lưu động" của cha đẻ "perestroika" thực sự không mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Nhưng ít ai biết rằng ở nước ngoài, nhà lãnh đạo Liên Xô đã suýt mất mạng. Sau khi ông Gorbachev từ chức Tổng thống Liên Xô, người ta mới được biết, trong một chuyến đi, ông đã suýt mất mạng. Tại New York, ông Gorbachev từng bị một kẻ cuồng tín khủng bố Hồi giáo mưu sát.
Kẻ mưu toan giết Gorbachev không liên quan gì đến Nga hay các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. El-Said Nosair (biến thể chính tả của họ Nussar, Noser) sinh năm 1955 ở Ai Cập. Năm 1981, y chuyển đến định cư tại Thành phố Jersey và nhập quốc tịch Mỹ.
Làm công việc dọn vệ sinh, về bề ngoài, người Arab nhập cư này có lối sống tuân thủ luật pháp. Nhưng thực tế, y vẫn duy trì mối quan hệ với tổ chức "Anh em Hồi giáo" và chịu ảnh hưởng của một nhà thuyết giáo nổi tiếng - "trưởng lão mù" Omar Abdel Rahman.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev (trái) trong một chuyến thăm Mỹ. Nguồn: russian7.ru
Ngày 5/11/1990, bước vào khách sạn Marriott ở New York, Nosair bắn Giáo sĩ Meir Kahane, lãnh đạo của Liên đoàn bảo vệ người Do Thái, bằng một khẩu súng lục.
Bản thân Nosair cũng bị thương, nhưng thoát chết. Do thiếu bằng chứng, tháng 12/1991, một bồi thẩm đoàn đã tuyên trắng án cho Nosair về tội danh chính. Tuy nhiên, y bị kết án 22 năm tù cho các tội danh khác, đặc biệt trong đó là tội tàng trữ trái phép vũ khí.
Ngày 26/2/1993, một vụ nổ đã xảy ra ở Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. Trong vụ này, 5 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Hóa ra khi ở trong nhà tù Attica (bang New York), Nosair vẫn giữ liên lạc với thủ phạm vụ khủng bố là Mohammed Salame và Ibrahim Elgabraune.
Năm 1995, trong quá trình điều tra, một người khác có liên quan đến vụ án này là Mahmoud Abu Halima, người Ai Cập, đã đưa ra lời khai bất ngờ chống lại El-Said Nosair. Theo lời kể của đồng phạm, vài năm trước đó, Nosair đã ra tay định sát hại Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Ngày diễn ra sự kiện
Việc tiết lộ sự thật về âm mưu ám sát ông Gorbachev vẫn không được báo chí Nga chú ý do cựu Tổng thống Liên Xô vào thời điểm đó không còn là nhân vật chính trị được nhiều người biết đến. Có rất nhiều nguồn không chính xác trong việc mô tả tình tiết này.
Trước hết, liên quan đến thời điểm chính xác sự kiện diễn ra. Tờ báo của người nhập cư Novoye Russkoe Slovo đưa tin rằng, Nosair đã tìm cách ám sát ông Gorbachev vào tháng 5/1990 tại New York.
Nhà lãnh đạo Liên Xô thực sự đã thăm Mỹ từ ngày 30/5 đến ngày 4/6/1990. Tuy nhiên, theo hồi ký của Gorbachev, sau đó ông chỉ đến thăm Washington và Trại David - nơi ở của Tổng thống Mỹ gần thủ đô.
Hiệp định về Vũ khí Hóa học đã được ký kết vào những ngày này. Trong công trình nghiên cứu nguồn gốc của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, nhà sử học John Miller và các đồng tác giả đưa ra một ngày khác cho vụ ám sát Gorbachev - ngày 8/12/1989. Nhà xuất bản Gerald Posner cũng có thông tin tương tự, tuy nhiên, năm 1989 Gorbachev đã không đến thăm Mỹ.
Như vậy, ngày có khả năng xảy ra vụ ám sát nhất là ngày 8/12/1988. Ông Mikhail Gorbachev đến New York để phát biểu tại phiên họp thứ 43 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông đã ở New York từ ngày 6 đến ngày 8/12/1988. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) đã cắt ngắn chuyến đi sau khi biết thông tin về trận động đất thảm khốc ở Armenia.
Tuy nhiên, trước khi về nước, ông đã kịp nói ra những lời có cánh dành cho cư dân của thành phố lớn nhất nước Mỹ: "Tôi sẽ cảm thấy áy náy nếu tôi rời đi và không bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới người dân New York về sự hiếu khách mà họ đã thể hiện và tình bạn được bày tỏ với chúng tôi", nhà lãnh đạo Liên Xô nói (trích từ cuốn "MS Gorbachev ở New York"). Vì một số lý do, Gorbachev thậm chí còn không biết về nỗ lực ám sát ông năm 1988.
Lon nước ngọt "rỗng"
Phần tử Hồi giáo cực đoan El-Said Nosair có lý do để ghét nhà lãnh đạo Liên Xô vì cuộc chiến ở Afghanistan (mặc dù chính ông Gorbachev đã ra lệnh rút quân khỏi đất nước này). Năm 1988, khi Nosair đến thăm trung tâm tị nạn Al-Kifa Afghanistan ở Brooklyn, y đã gặp nhà từ thiện Hồi giáo Mustafa Shalabi. Shalabi đã đưa cho người Ai Cập một lon nước uống Pepsi bằng kim loại chứa đầy chất nổ.
Khi xe của Gorbachev chạy qua Thượng Manhattan, nhiều người đã xếp hàng dài trên đường. Lẫn vào đám đông, Nosair đợi cho đến khi chiếc xe chở Gorbachov đến gần, ngay lập tức, y ném lon Pepsi vào chiếc limousine.
Trong trường hợp một vụ nổ xảy ra, không chỉ Gorbachev mà nhiều người khác cũng có thể bị thiệt mạng. May mắn thay, quả bom tự chế đã không phát nổ. Tất cả diễn ra trước mắt một cảnh sát New York, người đã bắt giữ, nhưng đã thả Nosair gần như ngay lập tức.
"Viên cảnh sát quyết định rằng Nosair chỉ là một người biểu tình tức giận đã ném một lon nước ngọt rỗng, vì vậy Nosair chỉ nhận được một cái tát cảnh cáo vào mặt", John Miller viết.
Sau đó, Nosair đổ lỗi cho Mustafa Shalabi về thất bại của vụ tấn công khủng bố. Y tin rằng Shalabi đã cố tình đưa cho y một quả bom không hoạt động. Về sau, nhà từ thiện Hồi giáo Shalabi gặp rắc rối trong quan hệ với các phần tử Hồi giáo Ai Cập khác. Ngày 25/2/1991, Shalabi bị sát hại nhưng người ta không thể biết chính xác ai là người đã kết liễu tên này.
Mikhail Gorbachev không biết về vụ việc ở New York cho đến năm 1995. Cựu Tổng thống Liên Xô không bao giờ bình luận về sự kiện này. Về phần El-Said Nosair, kẻ khủng bố cuồng tín người Hồi này bị tái kết tội vì vụ tấn công khủng bố tại WTC, và hiện đang thụ án chung thân trong nhà tù bang Kentucky./.