Suốt bao nhiêu năm qua đã có vô số những bằng chứng chứng minh sự thiếu tinh tế của Steve Jobs với đồng nghiệp, đối tác thậm chí là gia đình và bạn bè.
Nổi tiếng nhất là loạt tự truyện "Small Fry" được thuật lại bởi chính cô con gái Lisa Brennan Jobs. Trong cuốn tự truyện này, Steve Jobs hiện lên không chỉ là một người ích kỉ, xấu tính mà còn được miêu tả là một người vô cùng tồi tệ.
Steve Jobs và cô con gái Lisa Brenna-Jobs.
Ai cũng biết rằng ban đầu, Steve Jobs không nhận mình là cha và chẳng chi trả đồng nào cho cô con gái Lisa Brennan. Mãi cho đến khi kết quả xét nghiệm DNA được công bố và toà tuyên ông phải có trách nhiệm nuôi nấng Lisa.
Ông cũng không công nhận việc đặt tên công ty máy tính theo tên con gái ông - Lisa. Mãi sau này, Steve Jobs mới hoàn thiện phần nào nghĩa vụ làm cha của mình.
Suốt thời thơ ấu của con gái mình, Steve Jobs ít khi gặp con mình, ngay cả sau khi nhận con, ông dường như cũng không thừa nhận cô theo góc nhìn của người làm cha. Mẹ con Lisa sống độc lập kinh tế với ông chủ của Apple.
Một cách độc đoán, nhưng thông minh, đến tận khi thua kiện và buộc phải trả tiền nuôi con, Steve Jobs vẫn "xoay" mọi cách để vụ việc của ông được hoàn tất trước ngày Apple niêm yết cổ phiếu và ông trở thành siêu tỉ phú.
Kể cả sau khi Steve Jobs quan tâm nhiều hơn đến con, mẹ của Lisa, bà Chrisann Brennan vẫn cảm thấy không an toàn khi giao con mình cho ông sau một lần tình cờ nghe thấy Steve Jobs hỏi cô con gái mới-chín-tuổi-đầu về xu hướng tính dục.
Lisa Brennan-Jobs khi đã trưởng thành.
Sau đó, khi Lisa được chuyển đến sống cùng bố suốt những năm tháng tuổi teen, Steve Jobs cũng không cho phép hai mẹ con gặp nhau trong 6 tháng.
Cô bé Lisa sống với bố và mẹ kế nhưng vẫn cảm thấy cô độc và chỉ xin hai người nói "chúc ngủ ngon" vào mỗi tối.
Thay vì thấu hiểu cho cảm giác của con gái và đáp lại một yêu cầu chẳng có gì to tát, theo lời kể từ cuốn sách, bà mẹ kế Powell-Jobs đáp lại rằng: "Ta và bố con đều là những người lạnh lùng".
Steve Jobs cũng liên tục "nhắc nhở thân thiện" với Lisa bé về việc sau này bé đừng mong xin được một đồng nào từ khối tài sản kếch xù của bố. Theo lời kể của Lisa, căn phòng của cô còn không được lắp đặt máy sưởi.
Steve Jobs và người vợ kế Powell-Jobs
Khi Lisa bắt đầu hoà nhập và năng động hơn ở trường cấp ba, tham gia câu lạc bộ, tranh cử ban chấp hành học sinh trường, Jobs dường như cũng không chịu thừa nhận khả năng của con gái.
Theo lời Lisa, Jobs đã từng nói rằng "Cô sẽ không bao giờ thành công với tư cách một người trong nhà này!"
Cũng theo lời kể của Lisa, đã có lúc, hàng xóm láng giềng lo lắng cho cô đến mức họ còn cho cô sang ở tạm nhà họ và giúp cô trả học phí Đại học.
Việc "bốc phốt" cha đẻ được Lisa cho là nhằm "tha thứ và tiếp tục sống". Đó là sự lựa chọn của cô, quyền của cô, tuy nhiên, một vài nhà phê bình đã chỉ ra những gì cô kể có thể được coi là bạo hành trẻ em với dấy lên nhiều phẫn nộ trong lòng người đọc.
Trong khi đó, vợ và các con của Steve Jobs hiện cũng đã lên tiếng phản bác những gì được viết trong sách của Lisa.
Trong một động thái cố gắng "tha thứ" cho cha mình, Lisa đã tìm đến một danh sách dài những người mà cô cho rằng cũng bị bố ghét chẳng kém gì mình.
Suy cho cùng, cách tốt nhất để chống lại một kẻ bắt nạt là đứng lên chống lại hắn và thuyết phục những người khác cũng làm như vậy. Trong trường hợp của Steve Jobs, có quá ít người dám phản kháng.
Được lòng thiên hạ, mất lòng nhân viên.
Nói về thái độ của Steve Jobs đối với con gái, vợ ông, bà Powell-Jobskhông đưa ra chi tiết gì cụ thể. Còn nếu bàn về cách cư xử của ông với đồng nghiệp và đối tác làm ăn, các nhân viên của ông cũng không đưa ra ý kiến gì.
Không ai phủ nhận rằng Steve Jobs có rất nhiều công lao trong lĩnh vực công nghệ, nhưng sự độc ác của ông thì cũng "không phải dạng vừa đâu". Steve Jobs xứng đáng được ngợi ca với việc thành lập và phục sinh Apple.
Khi ông lên nắm quyền, công ty đang trên bờ vực phá sản. Khi ông rời Apple để dưỡng bệnh và không lâu sau đó qua đời, nó đã là một trong những đế chế công nghệ hàng đầu thế giới.
Nhìn lại những thành tích nghèo nàn mà các đời quản lí trước để lại, có lẽ lúc đó, đúng thật là chỉ có Steve Jobs mới cứu được Apple và đưa công ty này tiến vào con đường như ngày nay.
Và đó đâu phải là thành tựu nhỏ, nó đã vực dậy cả một tập đoàn. Steve Jobs cứu hàng nghìn người khỏi cảnh thất nghiệp và còn tạo ra hàng nghìn việc làm nữa. Ông còn giúp nhiều người trong và ngoài doanh nghiệp trở nên giàu có.
Di sản của Steve Jobs thì phải kể đến những sản phẩm thay đổi thế giới như iPhone, máy tính Mac, iPad, iPod và máy tính Apple.
Cũng có nhiều sản phẩm tương tự ra đời sau khi ông mất, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Steve Jobs là người đi đầu trong việc định hình cách thế giới tiếp cận với công nghệ mới.
Chúng ta quá mải mê với việc tôn vinh những lãnh đạo tài ba mà cố tình lờ đi những mặt sai trái của họ.
Dĩ nhiên là những thành tựu lớn được tạo thành từ những thành công nhỏ, ví dụ như việc Steve Jobs sớm phát hiện ra rằng Apple cần chuyển giao bớt các công đoạn lắp ráp và chế tạo sang các quốc gia có giá lao động thấp hơn để tiết kiệm chi phí.
Ông đồng thời cũng chèo lái công ty và tự làm giàu cho mình trên thị trường chứng khoán bằng cách phát hành quyền chọn cổ phiếu và khiến cổ phần công ty ngày một có giá hơn.
Tuy nhiên khi việc làm ăn thuận lợi thì ai cũng vui vẻ, còn khi giá cổ phiếu giảm thì Jobs lại có xu hướng quy trách nhiệm cho người khác. Đó là một trong những điểm mà nhiều người đánh giá không cao về Jobs.
Rốt cuộc thì, những thành tựu chói loà có đủ sức che mờ mặt tiêu cực của Steve Jobs, không ai biết được.
Theo Yahoo Finance