Sau khi tạm nghỉ một ngày, sáng 18/5, TAND TP HCM tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo liên quan tới vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" tại ngân hàng Đại Tín - TrustBank do Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm thực hiện.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX thông báo luật sư có quyền cung cấp chứng cứ theo quy định của luật Tố tụng. Trường hợp luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa bà Phấn) cung cấp 1 USB và bản dịch 48 trang, HĐXX cho biết sẽ xem xét, đánh giá sau. Theo đó, những chứng từ này HĐXX đã chuyển cho Viện KSND TP HCM để đưa lên Viện KSND Tối cao đánh giá rồi chuyển lại cho TAND TP HCM.
Trong phần chất vấn sáng nay, luật sư Trương Thị Minh Thơ đưa ra các chứng cứ mới là những bức ảnh chụp lãnh đạo công ty Phương Trang, bà Phấn và lãnh đạo ngân hàng TrustBank đi du lịch chung tại Hàn Quốc.
Chứng cứ mà các luật sư cung cấp sẽ được HĐXX xem xét và đánh giá toàn diện.
Luật sư Thơ xét hỏi một số bị cáo nguyên là thành viên HĐQT của TrustBank: "Ngoài việc vay nợ giữa nhóm Phương Trang và ngân hàng Đại Tín thì có có mối quan hệ gắn bó thân thiết nào nữa không?"
Lúc này bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên Phó chủ tịch HĐQT TrustBank) cho biết không rõ chuyện này. Tuy nhiên, khi luật sư hỏi: "Có lần nào mời đi nước ngoài?" thì ông Mậu thừa nhận: "Có đi Hàn Quốc! Tôi và cả HĐQT gồm bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam… Trong đó có ông Quan lãnh đạo của Công ty Phương Trang".
Cũng tại tòa, bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc TrustBank) cho rằng không được nhóm Phương Trang mời đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi luật sư Thơ trưng ra nhiều hình ảnh, ông Nam mới lý giải do bà Phấn tổ chức đi Hàn Quốc chứ không nói ai mời, không biết đi với ai: "Tôi có đi Hàn Quốc nhưng do cô Sáu (bà Phấn - PV) mời".
Bên cạnh đó, bị cáo Ngô Kim Huệ (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank) cũng thừa nhận rằng phía Phương Trang có mời bà Phấn đi du lịch Hàn Quốc. Sau đó, bà Phấn mời những người trong lãnh đạo ngân hàng TrustBank cùng đi.
Bị cáo Huệ cũng cho biết người của Công ty Phương Trang thường xuyên tới nơi làm việc của bà Phấn, trong đó có nhiều lần gửi quà cho bà này.
Tuy nhiên, phía đại diện theo uỷ quyền của ông Phạm Đăng Quan (hiện nay đã là Tổng giám đốc công ty Phương Trang) không xác nhận điều này. Người đại diện này không trả lời chất vấn, cho rằng vụ việc nói trên không liên quan tới vụ án: "Tự thân bức ảnh không có giá trị liên quan tới chứng cứ. Chúng tôi thấy rằng nó không phù hợp với giai đoạn này".
Cũng tại phiên toà ông Ngô Trí Đức (nguyên giám đốc chi nhánh Sài Gòn của TrustBank, hiện tại là người liên quan trong vụ án và người làm chứng) cũng một mực khẳng định không có chuyện nhận quà các từ phía Phương Trang. Khi luật sư Thơ công bố chứng cứ trong sổ quỹ mà Công ty Phương Trang nêu có mang điện thoại của ông Đức đi sửa và trả tiền, ông Đức phân trần: "Lúc đó tôi có nhờ người quen đi sửa dùm".
Từ năm 2013 bà Phấn có nhiều đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang) bất tín trong việc trao đổi tài sản là chiếc ôtô Maybach.
Bà cho biết quen hai lãnh đạo của Công ty Phương Trang vào năm 2009, sau này thân tình hơn khi hợp tác làm ăn. Lúc bà Phấn phải đi lại bằng xe lăn, ông Luận tặng cho bà ôtô Maybach để thuận tiện.
Đổi lại, bà sang tên cho ông Luận căn hộ penthouse tại Tòa tháp Topaz 1, Sài Gòn Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) có giá trị cao hơn chiếc xe. Nhưng đến nay ông Luận vẫn không sang tên chiếc xe cho bà.
Theo cơ quan điều tra, chiếc Maybach vẫn mang tên sở hữu Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thiên Tân (công ty quan hệ hợp tác với Phương Trang).
Hồi tháng 4 năm ngoái, cơ quan điều tra ra lệnh kê biên tạm thời, giao cho công ty này quản lý đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đối với căn hộ tại tòa nhà Topaz 1, Sài Gòn Pearl, Công ty Phương Trang hiện đứng tên sở hữu hợp pháp.