Ngôi làng nhỏ này từng là "đại bản doanh" tập kết chó từ phía Nam và một số nước trong khu vực, sau đó xuất bán ra phía Bắc và sang cả Trung Quốc. Nghề buôn bán chó chẳng giống ai từng phát triển rầm rộ nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn.
Cách Quốc lộ 1 khoảng 2 km, Sơn Đông là làng có nhiều ngôi nhà khang trang, sang trọng hơn hẳn những vùng quê khác ở xã Thành Lộc. Đó là thành quả sau những năm tháng buôn bán chó của dân làng Sơn Đông.
Về làng này, nhắc đến "ông tổ" của nghề, người dân lập tức nêu tên ông Lê Văn Tiến. Ông Tiến là người đầu tiên làm công việc buôn bán chó ở làng, kéo theo hàng chục hộ dân tham gia, biến vùng quê này trở thành "thủ phủ cầy tơ" một thời.
Theo người dân Sơn Đông, đầu năm 2000, ông Tiến bắt đầu vào Nam mua chó mang về quê rồi bán ra Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… Thấy lãi nhiều, ông đầu tư mạnh hơn rồi nhanh chóng trở thành "đại gia" buôn chó.
Thấy ông Tiến hái ra tiền từ việc buôn bán chó, nhiều người dân Sơn Đông cũng đổ xô theo ông. Sau vài năm theo "ông tổ", nhiều người dần tích cóp vốn liếng lẫn mánh khóe trong nghề rồi tách ra lập trại tập kết chó riêng. Làng buôn chó xuyên quốc gia có thêm nhiều "đại gia" nổi lên như các ông Nguyễn Văn Bảy, Lê Văn Tơ, Đỗ Văn Lạc…
Ông Bảy cho biết những ngày đầu mới bước vào nghề, ông theo ông Tiến vào "săn" chó khắp các tỉnh, thành phía Nam. "Lúc đó, người Nam ít ăn thịt chó nên giá rất rẻ, mua mang ra phía Bắc bán lại giá rất cao, có khi gấp 5-7 lần. Có thời điểm, gần như cả làng Sơn Đông đều đi buôn chó" - ông Bảy kể.
Theo ông Bảy, khi nghề buôn chó ở Sơn Đông đang ăn nên làm ra thì nguồn cung cấp ở phía Nam dần khan hiếm. Để có đủ chó đáp ứng nhu cầu thị trường, những tay buôn có tiếng ở Sơn Đông đã bắt đầu vươn sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào…
Họ lại thắng lớn vì nguồn cung bên các nước này dồi dào, giá rất rẻ do dân bản địa không ăn thịt chó.
"Lúc đó, mỗi ngày tôi thu gom đưa qua cửa khẩu hàng chục tấn chó. Có người còn xây cả chuồng trại bên Thái Lan, mua ô tô và thuê hàng chục người đi thu gom chó" - ông Bảy nhớ lại.
Ngày ấy, để thuận tiện cho người dân buôn bán và bảo đảm môi trường, chính quyền xã Thành Lộc còn quy hoạch hẳn một khu vực làm chuồng trại nuôi nhốt chó.
Hàng chục khu chuồng trại đã mọc lên, có người gọi đùa đây là "khu công nghiệp chó". Tối đến, cả khu này đèn điện sáng rực, xe cộ ra vào tấp nập, tiếng người trao đổi giá cả, tiếng chó sủa râm ran suốt đêm…
Đang phát triển rầm rộ, nghề buôn chó ở Sơn Đông bỗng rẽ sang hướng khác. Nhiều hộ buôn chó lao đao, có người sập tiệm, nợ nần chồng chất phải bỏ nghề, chuyển sang kiếm sống bằng công việc khác.
Về lại Sơn Đông vào những ngày cuối năm 2017, chúng tôi không thể nhận ra "khu công nghiệp chó" nhộn nhịp thuở nào. Những chiếc lồng sắt nhốt chó xếp từng đống hay vứt chõng chơ khắp nơi. Khoảng 30 chuồng trại bị bỏ hoang, khóa trái cửa. Đầu đường, chỉ chừng 5-7 chuồng trại còn mở cửa.
Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết nghề này bắt đầu hết thời từ năm 2012, khi Thái Lan cấm xuất bán chó. "Nguồn cung ở nước ngoài không còn, trong nước thì khan hiếm nên việc buôn bán chó bắt đầu đi xuống do thường xuyên thua lỗ. Nhiều hộ đầu tư tiền tỉ làm chuồng trại bên Thái Lan cũng mất trắng" - ông nhớ lại.
Theo những người còn buôn bán chó như ông Trương Văn Long, hiện mỗi tuần, 5-7 hộ gom lại mới đủ được 1 xe vài tấn. "Lời lãi chẳng bao nhiêu, do không còn việc gì làm nên chúng tôi cố cầm cự thôi" - ông rầu rĩ.
Ông Phạm Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc, cho biết nghề buôn chó đã mang lại nhiều đổi thay cho người dân địa phương, giúp nhiều gia đình nghèo khó trở nên giàu có. Tuy nhiên, cái nghề chẳng giống ai này cũng để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhất là ô nhiễm môi trường.
Dễ dàng làm ra tiền, cả trăm người lao vào chơi ma túy và trở nên nghiện ngập. "Thời hoàng kim, Sơn Đông có khoảng 40 gia đình buôn bán chó nhưng giờ đây, làng chỉ còn 5-7 hộ theo nghề này" - ông Tấn băn khoăn.