Láng giềng Việt Nam có “siêu công trình” 7 tỷ USD, Trung Quốc áp đảo 1 lĩnh vực quan trọng ở Đông Nam Á

Minh Hằng |

“Siêu công trình” trị giá 7,3 tỷ USD được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia láng giềng của Việt Nam phát triển kinh tế và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ khánh thành tuyến tàu cao tốc Jakarta - Bandung mang tên Whoosh ở ga Halim, thủ đô Jakarta ngày 2/10/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ khánh thành tuyến tàu cao tốc Jakarta - Bandung mang tên Whoosh ở ga Halim, thủ đô Jakarta ngày 2/10/2023. Ảnh: Reuters

Đó là tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung ở Indonesia. Với tốc độ lên tới 350 km/h, đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Indonesia và Đông Nam Á. Tuyến đường này chính thức vận hành ở Indonesia từ đầu tháng 10/2023 và bắt đầu bán vé từ ngày 17/10/2023.

Theo The Jakarta Post, dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia trị giá 7,3 tỷ USD. Dự án là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và phần lớn được các công ty của quốc gia này tài trợ.

Láng giềng Việt Nam có “siêu công trình” 7 tỷ USD, Trung Quốc áp đảo 1 lĩnh vực quan trọng ở Đông Nam Á- Ảnh 1.

Ảnh AI minh họa con tàu chạy qua tuyến đường cao tốc Jakarta - Bandung. Ảnh: AI

Tuyến đường này sẽ nối liền thủ đô Jakarta và Bandung tại tỉnh Tây Java, thành phố lớn thứ hai ở Indonesia, đồng thời là một trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn. Tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km, có tên là WHOOSH, viết tắt của câu "tiết kiệm thời gian, vận hành tối ưu, hệ thống đáng tin cậy" trong tiếng Indonesia. Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung có 13 đường hầm và 4 nhà ga là Halim, Karawang, Padalarang và Tegalluar. Trong 4 ga tàu trên tuyến đường này, ga Halim tại Jakarta có quy mô lớn nhất, với diện tích 26.000 m2, đủ cho 2.500 người ngồi đợi tàu.

Theo CNN, giới chức Indonesia cho hay, chuyến tàu di chuyển với tốc độ lên tới 350 km/h chạy bằng điện và không phát thải carbon trực tiếp. Với tốc độ của chuyến tàu, thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ 3 tiếng nay chỉ còn dưới 1 tiếng. Ngoài ra, chuyến tàu cao tốc này còn được điều chỉnh nhằm phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Indonesia. Đặc biệt, nó còn được trang bị hệ thống an toàn để có thể ứng phó với lũ lụt, động đất và những tình trạng khẩn cấp khác. Cụ thể, đường ray còn được trang bị cảm biến thông minh, hệ thống giám sát động đất và cảnh báo sớm.

Láng giềng Việt Nam có “siêu công trình” 7 tỷ USD, Trung Quốc áp đảo 1 lĩnh vực quan trọng ở Đông Nam Á- Ảnh 3.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung dài 142 km. Ảnh: CNA

Dự án tuyến đường sắt Jakarta - Bandung được liên doanh nhà nước PT Kereta Cepat Indonesia Trung Quốc (PT KCIC), bao gồm 4 công ty nhà nước Indonesia kết hợp với Công ty Đường sắt Quốc tế Trung Quốc xây dựng.

Đại diện PT KCIC công bố, tàu cao tốc viên đạn chạy trên tuyến đường này có 8 toa và tất cả đều có trang bị cổng sạc Wi-Fi, USB và có sức chứa là 601 hành khách. Trên tàu cũng có ba hạng ghế, bao gồm hạng nhất, hạng hai và VIP. Để cải thiện về khả năng kết nối, tuyến đường này cũng sẽ được kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác.

Tuyến đường mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế ở Indonesia

Láng giềng Việt Nam có “siêu công trình” 7 tỷ USD, Trung Quốc áp đảo 1 lĩnh vực quan trọng ở Đông Nam Á- Ảnh 5.

Một nữ nhân viên chụp ảnh cạnh đoàn tàu cao tốc sau lễ khánh ở ga Halim tại Jakarta. Ảnh: AFP

Ông Dwiyana Slamet Riyadi, Giám đốc PT KCIC nhận định, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung sẽ không chỉ cải thiện về cơ sở hạ tầng của Indonesia mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt cũng như sản xuất của quốc gia này.

Theo các chuyên gia, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên được vận hành sẽ giúp mở ra một số khu kinh tế mới dộc theo hành lang di chuyển từ Jakarta tới Bandung và cũng thúc đẩy sự phát triển của những khu dân cư, trung tâm đô thị khác.

Trên thực tế, thỏa thuận về phát triển tuyến đường sắt cao tốc của Indonesia bắt đầu được ký kết vào năm 2015 và tiến hành xây dựng vào cuối năm đó. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2019, với tổng chi phí ước tính là 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chi phí tăng vọt khiến dự án này phải đối mặt với nhiều lần đình trệ.

Láng giềng Việt Nam có “siêu công trình” 7 tỷ USD, Trung Quốc áp đảo 1 lĩnh vực quan trọng ở Đông Nam Á- Ảnh 6.

Nhờ có tàu cao tốc với tốc độ 350 km/h, thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ 3 tiếng nay chỉ còn dưới 1 tiếng. Ảnh: AFP

Theo Xinhua, tính đến ngày 3/3/2024, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung đã vận chuyển tổng cộng hơn 2 triệu hành khách. Hiện nay, số chuyến tàu hàng ngày chạy trên tuyến đường sắt cao tốc này đã tăng từ 14 lên 40 chuyến. Số lượng hành khách vận chuyển cao nhất trong một ngày lên tới 21.537 người, trong khi tỷ lệ lấp đầy ghế hàng ngày cao nhất được ghi nhận là 99,6%. 

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách, chính sách vé linh hoạt cũng được đưa ra nhằm tăng giá vé trong giờ cao điểm và giảm trong giờ thấp điểm, đồng thời lịch trình hoạt động cũng được tối ưu hóa khi có nhiều chuyến tàu được bổ sung vào các ngày nghỉ lễ.

Giá vé đi tàu cao tốc Jakarta – Bandung có thể dao động từ 150 – 350 nghìn IDR/chiều (tương đương với khoảng 235 – 550 nghìn đồng).

Láng giềng Việt Nam có “siêu công trình” 7 tỷ USD, Trung Quốc áp đảo 1 lĩnh vực quan trọng ở Đông Nam Á- Ảnh 7.

Tuyến đường sắt Jakarta – Bandung mang lại nhiều lợi ích về giao thông, kinh tế cho người dân Indonesia. Ảnh: AFP

Không chỉ cải thiện về tình hình giao thông ở hai thành phố lớn của Indonesia, tuyến đường sắt Jakarta – Bandung còn tạo ra khoảng 51.000 việc làm cho người dân địa phương. Hơn nữa, tuyến đường này giúp tổng kim ngạch mua các vật liệu của địa phương đạt 5,1 tỷ USD và đào tạo kỹ thuật cho 45.000 công nhân Indonesia, với tiềm năng tạo ra đầu tư mới, sản xuất và phát triển thương mại dọc theo tuyến đường và xung quanh các ga trọng điểm.

Trước công trình ở Indonesia, một dự án mang tính bước ngoặt trong BRI chính là tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào được vận hành vào năm 2021. Đây là tuyến đường sắt trị giá gần 6 tỷ USD, dài khoảng 1.035 km nối thủ đô Vientiane của Lào với Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc.

Theo SCMP, Trung Quốc đã thảo luận với Indonesia về việc mở rộng tuyến đường sắt Jakarta – Bandung tới thành phố cảng Surabaya của tỉnh Tây Java. Ngoài ra, trong thời gian tới, Trung Quốc cũng đã trao đổi với Nepal về sự án đường sắt xuyên biên giới nhằm kết nối Shigatse tại Tây Tạng với thủ đô Kathmandu.

Có thể thấy, từ khu vực Đông Nam Á tới Trung Âu và châu Phi, ngoại giao đường sắt được coi là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc.

Bài viết tham khảo nguồn: The Jakarta Post, CNN, Xinhua, Nikkei

Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013, gồm 2 trụ cột là vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Sáng kiến này nhằm xây dựng mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi và xa hơn.

Theo sách trắng được Trung Quốc công bố, trong hơn một thập kỷ qua, BRI đã thu hút hơn 150 quốc gia trên thế giới và hơn 30 tổ chức quốc tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm, Trung Quốc đã tiến hành ký kết trên 3.000 dự án hợp tác với các nước, trong đó đa phần là các công trình xây dựng hạ tầng và đầu tư thương mại. Các lĩnh vực hợp tác trải dài từ cơ sở hạ tầng, công nghệ, hàng hải… Trong hơn 10 năm qua, những cây cầu kết nối, cảng thịnh vượng và con đường hạnh phúc được xây dựng ở nhiều quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại