“Làng” biệt thự triệu đô ngập nước, chất lượng nhà sẽ ra sao?

Duy Phạm - Đinh Tuấn |

Về nguyên tắc công trình xây dựng như nhà cửa nếu bị ngâm, bị ngập lâu trong nước, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, dễ ẩm mốc, thậm chí có thể bị sụt lún.

Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, nhà cửa bị ngập lâu trong nước đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, dễ gây ẩm mốc, làm ảnh hưởng đến chất lượng khai thác sử dụng.

Biệt thự ngập trong nước, chất lượng sẽ ra sao?

Như đã phản ánh, trong mấy ngày qua mưa lớn kéo dài đã khiến cho hàng loạt khu nhà phố liền kề và biệt thự triệu đô nằm ven các tuyến đường đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài… ở khu vực phía Tây và Tây Bắc (Hà Nội) đã bị ngập sâu trong nước sau.

Tại khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco; Khu Thiên Đường Bảo Sơn; Khu Nam An Khánh...., nước ngập tứ bề. Thậm chí tại khu A của khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco nước tràn vào nhà, ngập hết hầm gửi xe ở các dãy nhà liền kề, nhà biệt thự.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Chủng- nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nhà cửa bị ngập lâu trong nước đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, dễ gây ẩm mốc, làm ảnh hưởng đến chất lượng khai thác sử dụng.

"Về nguyên tắc công trình xây dựng như nhà cửa nếu bị ngâm, bị ngập trong nước lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng. Đơn giản nếu ngập trong nước công trình sẽ dễ bị ẩm mốc, thậm chí có thể bị sụt lún. Nó sẽ ảnh hưởng các vật liệu như gỗ, sắt bị mục, rỉ... làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng", ông Chủng phân tích.

Đề cập về trách nhiệm công trình xây dựng xuống cấp, ảnh hưởng do ngập ước, theo ông Trần Chủng phải xem xét nguyên do nhà ngập nước so đâu.

"Nếu ngập nước do thiên tai thì bất khả kháng, nhưng nguyên nhân ngập do thiếu hạ tầng thoát nước, do khâu thiết kế thi công thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm với người mua nhà", ông Chủng cho hay.

Theo các chuyên gia về vật liệu xây dựng, các công trình nhà cửa ngập trong nước lâu, các vật liệu dễ thấm nước sẽ khiến cho công trình nhanh xuống cấp, hoen gỉ, nứt vỡ,... nhanh mọc nấm mốc ở những chỗ ẩm gây thiệt hại nặng về kinh tế và là mối nguy hiểm cho sức khỏe.

"Nếu như nhà biệt thự nằm trong vùng “cứ mưa là ngập”, thì nên bảo vệ bằng cách lắp đặt cho ngôi nhà bằng các vật liệu xây dựng chống nước, vật liệu chịu nước như đá, gạch, bê tông chống thấm, vách thạch cao chống nước.

Thêm nữa có thể sử dụng đinh và chốt mạ kẽm hay bằng thép không gỉ, lót thảm trong nhà, ngoài trời cho tầng hầm, sử dụng keo chống nước…", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.

“Làng” biệt thự triệu đô ngập nước, chất lượng nhà sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Lắp đặt cho ngôi nhà bằng các vật liệu chống nước. Ảnh: wikiHow.

Xử lý nhà bị ngập nước

Theo các chuyên gia về vật liệu xây dựng, đối với các công trình xây dựng bị ngập nước, bị ngâm trong nước lâu ngày thì việc đầu tiên cần loại bỏ nước ra khỏi nhà.

Đối với nhà có tầng hầm nên sớm bịt lối chống nước tràn vào hầm, dùng máy bơm hoặc gọi cho công ty thoát nước để đưa nước ra ngoài. Bởi đưa nước ra ngoài sớm sẽ tránh ẩm mốc, hư hại cho công trình, vật tư…

“Làng” biệt thự triệu đô ngập nước, chất lượng nhà sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Cảnh mưa ngập tại khu nhà liền thuộc khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco gây chỉ gây khó khăn việc đi lại mà còn gây hư hỏng nhà cửa của người dân. Ảnh do cư dân chụp.

“Làng” biệt thự triệu đô ngập nước, chất lượng nhà sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Bơm nước ra khỏi hầm để xe tránh tình trạng công trình ngập lâu trong nước dẫn đến nấm mốc, hư hỏng. Ảnh chụp tại tầng hầm của khu nhà biệt thự thuộc khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco. Ảnh Duy Phạm.

Với một số đồ nội thất bằng gỗ như: bàn, kệ, tủ… có thể dùng các loại dung dịch chuyên dụng để tẩy rửa và vệ sinh chúng. Sau đó, tiến hành làm khô bằng cách cho nước bay hơi rồi đánh lại vecni để chống ẩm và mối mọt, mục ruỗng sau khi bị ngâm nước.

Còn với đồ nội thất làm từ các vật liệu dễ thấm hút và tích trữ nước như nệm, xốp, thảm… thì cần phải hút sạch hết nước, hút kỹ cho đến khi kiệt nước, rồi sau đó giặt sạch bằng dung dịch giặt và khử mùi chuyên dụng.

Khi nước rút, điều đáng lo ngại nhất là nấm mốc. Nấm mốc có thể thấy được nhưng cũng có thể phát triển trong ống dẫn không khí, không gian nhỏ, và giữa các vách ngăn. Nếu không thấy nấm mốc nhưng ngửi thấy mùi ẩm thấp thì rất có khả năng nấm mốc đã phát triển.

"Nên lau khô khu vực có nấm mốc hay ướt càng nhanh càng tốt để ngăn nấm mốc lan rộng, thời gian ẩm ướt càng lâu thì khu vực đó càng dễ phát triển nấm mốc.

Mở cửa sổ nếu độ ẩm ngoài trời thấp hơn trong nhà và chỉ sử dụng quạt loại bỏ hơi ẩm nếu nấm mốc chưa bắt đầu phát triển, quạt có thể khiến bào tử nấm lây lan sang các khu vực khác", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Nếu vách tường đã bị nước lũ làm hỏng thì phải loại bỏ tất cả vật liệu bị ướt, bao gồm vật liệu cách âm, sản phẩm từ gỗ và bất kì thứ gì có độ xốp. Vách thạch cao rất xốp, cần thay thế ngay khi có dấu hiệu hư hỏng do nước và nên thay phần vách từ mặt sàn đến qua mực nước ngập khoảng 30cm.

Các vật liệu như kim loại, gỗ đặc, nhựa và thủy tinh nên được rửa trước bằng xà phòng không chứa amoniac và nước nóng.

Sử dụng bàn chải lông cứng trên các bề mặt gồ ghề như bê tông, sử dụng máy hút bụi khô-ướt để loại bỏ nước đọng. Tiệt trùng tất cả các bề mặt sau khi vệ sinh bằng thuốc tẩy 10%, để thuốc tẩy trên bề mặt trong tối thiểu 10 phút trước khi xối nước rửa hoặc lau khô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại