Mỗi người Việt Nam dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù đồng bằng hay vùng đồi núi, cao nguyên vẫn có mối quan hệ thân thiết "người trong một nước". Không chỉ cá nhân mà toàn dân, cả nước đều hướng về bất kỳ một người, một nhóm người trong thực tiễn cuộc sống khi họ gặp khó khăn. Nhưng cũng từ đây, nhiều vấn đề phát sinh làm cho việc từ thiện hay các hành động nhân ái bị phủ lên nhiều màu sắc khác nhau, trong đó có cả điều đáng trách.
Dễ phát sinh nhiều hệ lụy
Nếu chúng ta nhìn nhận hành động thiện nguyện như một tấm lòng, như những rung cảm tận sâu thẳm tâm hồn thì sao lại so sánh ít nhiều, hơn kém? Từ đây, tâm lý ăn thua bắt đầu xuất hiện.
Đành rằng bản thể ban đầu, có thể nhiều người đều làm từ thiện từ tâm ý nhưng diễn tiến tâm lý thì khó lường vô kể. Người ta làm được sao mình không làm được? Và thế là màu sắc của động cơ xuất hiện. Sự khác nhau giữa một hành vi thiện nguyện bị thôi thúc phải làm, cần làm ngay với hành vi làm cho có hay làm giống cái chung, làm vì mưu cầu và động cơ cá nhân sẽ dần xuất hiện... Trên bình diện này, có thể đó là chút tô màu để hình ảnh lung linh hơn, đó là chút đường nét để thể hiện sức mạnh của Facebook cá nhân hay fanpage nổi tiếng, đó còn là kiểu khẳng định rằng ta có tầm ảnh hưởng rất lớn với người khác.
Thực ra, nghe đến động cơ tưởng rằng xấu, nhưng vốn dĩ động cơ là yếu tố thúc đẩy. Song, chính lòng tham và những toan tính cá nhân lệch khỏi điểm tựa ban đầu mới là vấn đề cần xem xét. Cũng từ đây, nhiều hệ lụy xuất hiện nếu chúng ta không kiên định, không bảo đảm nguồn lực và không quyết tâm để thể hiện lòng nhân ái mà vốn dĩ ban đầu ta cho rằng nó là lý tưởng. Thế nên, mới có chuyện một vài người xắn quần vào vùng lũ hay đi thuyền lòng vòng để tìm được bóng người và ném đồ từ thiện. Hay việc một số cá nhân không giữ lời hứa với kế hoạch đến với người cần giúp đỡ, một số biểu hiện thiếu minh bạch khi báo cáo, giải ngân đã phát sinh...
Hệ lụy còn nhiều hơn nếu chúng ta khái quát vấn đề trên góc độ tầm nhìn xã hội. Quyên góp nhưng trao bằng cách không phù hợp và vi phạm yêu cầu "của cho không bằng cách cho"; chuyển đến người không cần hay bị lôi kéo và trục lợi bởi người khác; không trực tiếp hành động từ thiện như lời cam kết ban đầu mà nhờ người làm thay, khiến giảm sút niềm tin của nhiều người; tạo ra sự suy luận hay những cơ hội suy diễn để tôn vinh và hạ bệ không đáng có trong cuộc sống.
Nhiều ý kiến đề xuất công tác từ thiện nên thông qua các đơn vị của nhà nước, những hội đoàn chuyên nghiệp hay những cá nhân minh bạch, công khai, có kỹ năng, có tầm nhìn. Trong ảnh: Lãnh đạo xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trao quà của Báo Người Lao Động cho bà con bị ảnh hưởng bão lũ vào cuối năm 2020Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Cần phải chuyên nghiệp
Chuyện người nổi tiếng hay người có ảnh hưởng xã hội tham gia các hoạt động từ thiện là hành động đẹp, ý nghĩa, thể hiện sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng, rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong hoạt động từ thiện tự phát của một số nghệ sĩ suốt thời gian qua.
Việc huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội là điểm sáng khi có những cá nhân nghệ sĩ quyên góp được cả chục, cả trăm tỉ đồng nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ lại thiếu hẳn độ sâu, độ bền... Thậm chí, có những chuyến đi, có những hành trình còn gây phản cảm, làm xói mòn lòng tin của công chúng và tạo ra những rối loạn không đáng có.
Những ngày gần đây cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ, băn khoăn về khả năng một cá nhân có thể điều hành, xử lý một khối lượng quá lớn tiền từ thiện. Thậm chí, có cả ý kiến bất bình khi cho rằng việc phân chia quà từ thiện của một số nhóm đã có biểu hiện cảm tính. Điều này phản ánh sự thiếu tầm hay thiếu chuyên nghiệp của người tổ chức. Thực tế cho thấy không phải ngẫu nhiên mà ngành công tác xã hội trở thành một khoa học, hay không phải vô tình mà các tổ chức cứu trợ trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia.
Người tổ chức từ thiện phải có khả năng quản lý tài chính, quản lý thời gian và quản trị cả dự án. Vậy nên, có nhiều ý kiến đề xuất rằng công tác từ thiện nên thông qua các đơn vị của nhà nước, những hội đoàn chuyên nghiệp và những cá nhân minh bạch, công khai, có kỹ năng, có tầm nhìn.
Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức xã hội đã thành công với các mô hình thiện nguyện thì công tác từ thiện, cứu trợ ở nước ta mới có thể chuyên nghiệp hơn. Đây cũng là động thái để bảo đảm công tác từ thiện được thực hiện minh bạch, vừa bảo đảm những đồng tiền từ thiện được sử dụng đúng mục đích vừa bảo vệ chính những người tổ chức làm từ thiện.
PGS-TS Bùi Anh Thủy, Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Văn Lang:
Quy định đã rõ ràng
Những ngày gần đây, dư luận có nhiều bức xúc về một số cá nhân còn giữ các khoản tiền cứu trợ hàng chục tỉ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ vào cuối năm 2020. Nhận định về hành vi này, có nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia pháp luật nhưng có thể khẳng định pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể về việc tổ chức cứu trợ.
Điều 2 Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã quy định về nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện: ... Chỉ thực hiện khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân. Phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, bảo đảm tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai. Nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.
Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về các tổ chức, đơn vị được vận động, tiếp nhận: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Điều 21 Nghị định 64/2008/NĐ-CP cũng quy định: Tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...
Quy định đã rất rõ ràng, vấn đề còn lại là cần các cơ quan chức năng xử lý nghiêm túc để không còn xảy ra những dư luận không tốt về công tác từ thiện và những đồng tiền tương thân tương ái đến được đúng nơi, đúng người.
Diễn viên Chi Bảo:
Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp
Tổ chức làm những việc từ thiện ở Việt Nam hay ở đâu trên thế giới cũng có nhiều chuyện để bàn luận. Tuy nhiên, điều mà ta thấy hoặc nghe chỉ là điều rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra, mà chỉ cần dành chút thời gian là có thể khám phá được. Trong thực tế, chúng ta làm được nhiều điều to lớn lắm, đáng hãnh diện lắm. Vậy xin hãy bớt thất vọng, mất niềm tin với những gì diễn ra chưa như ý, chúng có đáng gì đâu so với những điều chúng ta đã cống hiến, giúp đỡ nhau trong quá khứ?
Đương nhiên, chúng ta có quyền phản ứng, lên án hoặc bày tỏ ý kiến về những điều chưa phù hợp. Đó là quyền chính đáng. Nhưng tận đáy lòng, nhiều người đều mong muốn mọi thứ tốt đẹp hơn ở tương lai. Vậy thì điều tốt đẹp ấy phải bắt đầu từ cách chúng ta đối xử với nhau ở hiện tại.
Sự kết nối giữa chúng ta là một nguồn lực vô cùng to lớn, tạo nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống. Bởi lẽ, nhiều người trong chúng ta đều có lòng nhân ái, muốn giúp người bất hạnh. Song, đôi khi trên hành trình nhân ái ấy, có thể chúng ta cũng là người không may mắn vì những bất cập, chưa hợp lý của chính chúng ta...
Hồ Phi - Thùy Trang ghi