Theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), thời gian qua xảy ra nhiều vụ xã lũ, gây thiệt hại về kinh tế và tính mạng con người. Tuy nhiên, khi giải trình về việc xả nước, các cơ quan, đơn vị luôn nói là "đúng quy trình".
"Làm gì có quy trình nào đúng nhưng lại gây chết người. Nếu nó đã gây ra chết người thì chắc chắn phải có sai ở điểm gì đó.
Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, không thể để mãi như thế được. Dứt khoát không thể để như thế", ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, việc Dự thảo Luật Thủy lợi giao cho các chủ đầu tư xác lập các quy trình, quy định vận hành hồ chứa là không phù hợp mà phải giao cho cơ quan quản lý nhà nước xác lập và phê duyệt.
"Cứ để chủ đầu tư xác lập quy trình thì chắc chắn họ sẽ xây dựng theo hướng bảo vệ tốt nhất công trình của họ. Và khi xảy ra hậu quả gì đó thì câu chuyện đúng quy trình vẫn cứ diễn ra. Thế là không được", ông Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho hay, khi vào vùng lũ lụt ở Hà Tĩnh, người dân đều nói rằng lũ lụt là do xả lũ mà ra.
Xả lũ không có kế hoạch, không thông báo trước, không lường trước được hậu quả. Vì thế, bà Thịnh đề nghị xây dựng quy định vận hành của các hồ thủy lợi trong dự thảo luật sao cho chặt chẽ, phù hợp.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì chỉ ra thực trạng, có rất nhiều loại hồ, thuộc nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Như hiện nay ở Tây Nguyên có hàng nghìn hồ, vậy nhưng mùa hạn vẫn cứ hạn, còn mưa lũ thì vẫn ngập lụt.
"Khi xây dựng Dự thảo Luật Thủy lợi thì phải tính đến sự liên hệ, liên kết giữa các hồ để làm sao để mùa lụt thì không ngập lụt; mùa hạn không thể để hạn, đấy mới là giá trị lớn", ông Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, các hồ thủy lợi liên quan rất nhiều đến công trình trọng điểm an ninh quốc gia.
Bởi hồ thủy điện, thủy lợi nếu không đảm bảo tốt, không đưa vào diện công trình đặc biệt về an ninh thì khi xảy ra nguy cơ vỡ hồ thì hậu quả không thể lường hết được.