Làm cách nào Nga có thể thay thế máy bay A-50U và Il-20 khan hiếm?

Sao Đỏ |

Việc sử dụng những máy bay to lớn và cồng kềnh như A-50U hay Il-20 trong nhiệm vụ trinh sát dẫn tới đòi hỏi phải có sự cải tiến.

Sự gia tăng nhanh chóng mức độ phổ biến của các máy bay không người lái trinh sát và tấn công Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, cũng như thất bại của chúng đã đặt ra câu hỏi liệu những loại phi cơ di chuyển tương đối chậm, kích thước khá lớn, vốn là mục tiêu đơn giản, có còn cần thiết trong chiến tranh hiện đại.

Những chiếc UAV nói trên tuần tra ở khoảng cách an toàn và theo dõi tình hình trên chiến trường cũng như hậu phương của Nga, mang lại cho Lực lượng vũ trang Ukraine nhiều lợi ích hơn, với dữ liệu tình báo và hỗ trợ chỉ định mục tiêu cho pháo binh tầm xa. Bên cạnh đó, chúng còn tấn công thiết giáp Nga bằng tên lửa chống tăng tầm xa hơn 8 km.

Ở khía cạnh này, khối NATO có lợi thế kỹ thuật đáng kể. Trong đó Mỹ đảm nhiệm vai trò tiên phong, tiến hành trinh sát trên không dọc biên giới Nga, sử dụng các máy bay không người lái chiến lược có độ cao lớn và thời gian hoạt động dài, nổi bật trong số đó chính là RQ-4 Global Hawk cùng với phiên bản hải quân MQ-4C Triton.

Độ cao bay tối đa của Global Hawk là khoảng 20 km, tốc độ 644 km/h, thời gian hoạt động 36 giờ. Chiếc UAV được trang bị một trạm định vị quang học với kênh hình ảnh ngày, đêm và nhiệt.

Radar của nó cho phép thu được dữ liệu từ khoảng cách 200 km với độ phân giải 1 m2 ở chế độ phổ rộng, mỗi chuyến bay trinh sát được 138 nghìn km2. Nếu cần, có thể nhận hình ảnh có độ phân giải 0,3 m2 ở chế độ điểm.

Các chuyên gia tin rằng Global Hawk khi tuần tra dọc biên giới Nga có khả năng nhìn ở cự ly lên tới 200 - 300 km, thậm chí có những phỏng đoán dường như đáng tin cậy rằng tầm hoạt động thực sự của radar đạt tới 400 - 500 km.

Phiên bản hải quân MQ-4C Triton, có khả năng tuần tra ở độ cao 17 km với tốc độ 610 km/h trong 30 giờ. Radar với ăng ten mảng pha quét chủ động (AESA) cho phép quét 5.200 km2 lãnh thổ mỗi chuyến bay.

Ngoài ra nó còn được trang bị hệ thống trinh sát điện tử (EW), giúp tránh bị radar đối phương phát hiện.

Những UAv nói trên có nhược điểm là giá thành cao. Tuy nhiên với số tiền này, Lầu Năm Góc nhận được “con mắt cảnh giới” đặt trên “cánh tay vươn xa”.

RQ-4 Global Hawk đã nhiều lần được Mỹ sử dụng để trinh sát và cung cấp dữ liệu mục tiêu cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Ưu điểm lớn nhất của UAV là việc sử dụng chúng không gây nguy hiểm đến tính mạng của phi công, như trường hợp của AWACS A-50.

Làm cách nào Nga có thể thay thế máy bay A-50U và Il-20 khan hiếm?- Ảnh 1.

Nga chưa có máy bay không người lái trinh sát với tính năng cao cấp tương tự RQ-4 Global Hawk của Mỹ.

Như đã lưu ý ở trên, về năng lực trinh sát trên không, Nga còn chưa bằng với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của các hoạt động chiến đấu ở Ukraine.

Nga đang phải dùng máy bay cảnh báo sớm trên không trong vai trò trinh sát, đó là những chiếc A-50/A-50U có từ thời Liên Xô và chiếc A-100 Premier đầy hứa hẹn.

Vấn đề là loại AWACS mới vẫn chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt và khó có thể thực sự phổ biến do chi phí cao và độ phức tạp của nó.

Moskva còn có máy bay trinh sát Il-20, được chế tạo trên cơ sở Il-18 dân sự và được trang bị radar. Vấn đề giống như A-50, đó là số lượng có hạn và độ tuổi đã cao của chúng.

Để thay thế Il-20 đã cũ, một loại máy bay hoàn toàn mới dành cho trinh sát điện tử và quang điện - Tu-214R đã được phát triển, trong đó 2 chiếc đã hoàn thiện và hợp đồng chế tạo chiếc tiếp theo đã được ký.

Phi đội Il-20 của Nga cũng không còn nhiều, một chiếc đã bị mất vào năm 2018 ở Syria do phòng không Syria bắn nhầm. Vào ngày 24 tháng 6 năm 2023, một chiếc khác đã bị bắn nhầm bởi lính đánh thuê Wagner.

Đây là những gì hiện có mà Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga có thể trông cậy một cách thực tế khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Rõ ràng số ít máy bay trinh sát Nga đang là mục tiêu ưu tiên của đối phương.

Do kích thước lớn và tốc độ tương đối thấp, A-50/A-50U cũng như Il-20 sẽ là mục tiêu thuận tiện cho tiêm kích sử dụng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, và thậm chí cả các hệ thống phòng không tầm xa có khả năng phục kích, chỉ được kích hoạt vào giây phút cuối cùng nhằm sử dụng dữ liệu chỉ định mục tiêu từ bên ngoài.

Giải pháp một phần cho vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng máy bay trinh sát chuyên dụng là lắp đặt các pod radar treo ngoài loại Sych trên máy bay ném bom và tiêm kích hiện đại, cũng như tích cực sử dụng UAV trinh sát tầm cao và tầm trung.

Nhưng việc sản xuất những khí tài và phương tiện như vậy gặp khó khăn nghiêm trọng khi Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, bởi vậy họ rất khó thay thế vai trò của A-50 cũng như Il-20 trong tương lai gần.

Theo Reporter

Nga chưa có được phương tiện trinh sát tương đương UAV RQ-4 Global Hawk của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại