Tại báo cáo gửi Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã chỉ ra một số bất cập về tình hình thực hiện quy định về tiền lương trong giai đoạn 2011-2015.
Cụ thể, tại một số công ty có cổ phần chi phối của Nhà nước do chưa có quy định riêng về tiền lương dẫn đến việc chỉ đạo (thông qua người đại diện vốn) của cơ quan đại diện chủ sỡ hữu vốn nhà nước rất khác nhau.
Theo đó, một số đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ đạo áp dụng quy định như doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, dẫn đến cứng nhắc; một số lại giao toàn quyền cho người đại diện vốn tham gia với doanh nghiệp nên có xu hướng đẩy tiền lương của “sếp” lên cao.
Thậm chí có nhiều trường hợp làm ăn thu lỗ, hiệu quả thấp nhưng vẫn hưởng lương 70 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng. Trong khi đó, tiền lương của người lao động không tăng, thậm chí còn giảm.
Từ bất cập trên, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong công ty cổ phần, vón góp chi phối của Nhà nước.
Theo đó, từ 2016, Nhà nước quy định những nguyên tắc để người đại diện vốn của nhà nước tham gia, biểu quyết trong hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông về quản lý lao động, tiền lương, thù lao trong công ty.
Nghị định cũng mở rộng hơn mức lương tối đa đối với quản lý là 126 triệu/tháng. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, lợi nhuận vượt kế hoạch, Nghị định cho bổ sung thêm tiền lương tăng theo lợi nhuận với mức tối đa không quá 151,2 triệu/tháng.
Tiền lương người lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước ra sao?
Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, theo số liệu tổng hợp báo cáo (không đầy đủ) của một số bộ ngành tiền lương bình quân của người lao động giai đoạn 2013-2015 tăng 7-8%/năm.
Nguồn: Bộ Lao động, thương binh và xã hội
Trong khi đó, viên chức quản lý bình quân nhận khoảng 40-45 triệu đồng/tháng. Còn ở những doanh nghiệp có nhiều lợi thế thì khoảng 70-80 triệu/tháng.
Ngoài ra, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng cho biết kết quả thực hiện chính sách lao động dôi dư giai đoạn 2011-2015. Theo đó, 147 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại với số lao động đủ tuổi nghỉ hưu và không bố trí được việc làm sau khi sắp xếp là 6.695 gười.
Trong số này, số lao động được giải quyết theo chính sách dôi dư là 2.274 người với 125,8 tỷ (bình quân 55,3 triệu/người). Số lao động giải quyết trợ cấp mất việc là 3.605 người với 136,5 tỷ đồng (bình quân 37,86 triệu/người).