Đường thủy có trạm BOT đầu tiên

THÀNH ĐỒNG |

Cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) là dự án đường thủy đầu tiên của cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT.

Ngày 20-3, tại cuộc trao đổi thông tin với báo chí, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đã có những phát ngôn chính thức liên quan đến thông tin TP HCM sẽ là địa phương có BOT đường thủy đầu tiên trong cả nước.

Cụ thể là dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn và xây mới cầu sắt Bình Lợi dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án này khi đưa vào sử dụng, Bộ GTVT đồng ý cho Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi (chủ đầu tư dự án) thu phí để hoàn vốn.

Cam kết từ chủ đầu tư

Có mặt tại buổi trao đổi thông tin, ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư dự án, nói việc thu phí không hề "cào" hết các phương tiện qua dạ cầu Bình Lợi mà chỉ những phương tiện có tải trọng 300 tấn trở lên mới phải đóng phí.

Như vậy, sẽ không ảnh hưởng đến người dân sử dụng phương tiện nhỏ vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn mỗi khi qua cầu Bình Lợi. Giá thu dự kiến khoảng 70 đồng/tấn/km; thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng với hơn 1.100 tỉ đồng.

Cũng theo ông Cúc, thời gian thu và giá thu nói trên dựa trên thời gian hoàn vốn của dự án và đã có so sánh với các loại hình vận tải khác của TP HCM, tỉnh Bình Dương. "Mức phí này rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ bởi hiện nay, giá phí đường bộ tính bình quân khoảng 240 đồng/tấn/km" - ông Cúc khẳng định.

Trả lời câu hỏi ai đưa ra mức giá trên, chủ đầu tư dự án thông tin đây là dự án do Bộ GTVT lập, sau đó đấu thầu giữa các nhà đầu tư chứ không phải do công ty xây dựng và đưa ra giá.

Một lần nữa, chủ đầu tư nhấn mạnh việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn và xây mới cầu sắt Bình Lợi theo hình thức BOT sẽ tạo điều kiện cho giao thông thủy của TP HCM kết nối với tỉnh Bình Dương phát triển mạnh. Bởi hiện nay, đường bộ kết nối 2 địa phường thường xuyên bị tắc nghẽn, ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa.

Đại diện chủ đầu tư tiếp tục dẫn chứng: "Một xe đầu kéo chỉ chở được một container 40 feet, trong khi mỗi tàu hàng loại 300 tấn có thể chở được 20 container loại 20-40 feet. Điều này sẽ kéo giảm chi phí vận tải rất lớn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc phát triển loại hình vận tải thủy.

Ủng hộ nhưng phải minh bạch

Trước mức giá thu mà chủ đầu tư nêu, Sở GTVT TP HCM đề nghị chủ đầu tư phải đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để UBND TP phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện.

Lý do là trước đó, Bộ Tài chính có thông tư cho phép Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi thu phí với giá 70 đồng/tấn/km nhưng nay, Luật Phí và Lệ phí ra đời nên phải điều chỉnh cho hợp lý.

Ông Bùi Xuân Cường khẳng định quan điểm của sở là tập trung tinh thần để xã hội hóa hoặc thu hút được nguồn vốn ngoài nhà nước đối với các công trình giao thông thủy vì ngân sách TP đang thiếu.

"Vấn đề là làm sao để thu hút được nhà đầu tư cho giao thông thủy.

Hiện nay, đứng trên góc độ của giao thông đường bộ thì hệ thống pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh, còn đường thủy thì đây là dự án đầu tiên được đầu tư theo hình thức BOT nên hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện.

Do đó, tiếp tục ủng hộ nhà đầu tư vì họ đã tập trung triển khai rất nhiệt tình, tâm huyết" - ông Cường chia sẻ và nhận định việc xây mới cầu sắt Bình Lợi, cải tạo lòng sông Sài Gòn sẽ tạo sự cân đối trong lưu thông hàng hóa giữa các hướng trên sông Sài Gòn với nhau.

Sở GTVT cho biết nếu thí điểm dự án trên thành công sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia việc hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy theo hình thức BOT cũng như các hình thức xã hội hóa khác. Tuy nhiên, tất cả các bài toán đều đứng trên chi phí và lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp.

Tuy đồng quan điểm với Sở GTVT TP về tính cần thiết của dự án cũng như kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư giao thông thủy nhưng chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng cần có các cơ quan nhà nước vào cuộc để giám sát, tránh những sai lầm như BOT đường bộ, gây bất bình cho người dân.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ để tránh phí chồng phí.

"Trước đây, kinh phí việc nạo vét luồng lạch đã được lấy từ ngân sách TP để thực hiện, nay lại thu thêm một khoản mới nữa thì phải cân nhắc và tính toán sao cho hợp lý" - ông Sanh khuyến cáo.

Theo Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, đơn vị này sẽ đặt các camera giám sát lưu lượng, loại tàu thuyền qua lại; còn việc thu tiền sẽ được thực hiện ngay ở chân các cầu cảng nằm từ phía thượng lưu cầu Bình Lợi.

Tổng đầu tư 1.300 tỉ đồng

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) được động thổ tháng 4-2015, đến năm 2016 mới thực sự triển khai thi công. Đây là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỉ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5 m lên 7 m. Cầu đường sắt Bình Lợi mới có đường dẫn và phần cầu chính dài hơn 1,3 km, nằm cách cầu cũ hơn 100 năm tuổi 12 m về phía hạ lưu.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Sở GTVT TP HCM), cho biết khi cầu đường sắt Bình Lợi mới chuẩn bị xong và tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ thì cầu Phú Long 1 (cầu cũ), nối phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM với Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương sẽ được tháo dỡ ngay để thông luồng suốt tuyến sông Sài Gòn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại