Là giáo sư kinh tế học, tôi vẫn suýt mất tiền oan vì một chiêu trò không ngờ tới: Hóa ra lừa đảo bây giờ cũng giỏi kinh tế lượng và thao túng tâm lý đến vậy!

Linh Hân |

Bị lừa đảo qua ứng dụng trên điện thoại, Lý Tỉnh Khuê - giáo sư, tiến sĩ kinh tế học tại ĐH Chiết Giang (Trung Quốc), nghiên cứu sinh sau đại học tại ĐH Harvard (Mỹ) - chỉ biết cười trừ. Bởi lẽ, những kẻ lừa đảo đã khiến anh sập bẫy chỉ bằng những kiến thức vô cùng đơn giản về kinh tế học và tâm lý học, mà đáng nhẽ anh phải nhận ra sớm hơn.

Sau khi trở về từ Mỹ, tôi nhận ra các ứng dụng mua bán thực phẩm đã mọc lên như nấm tại Trung Quốc trong lúc mình vắng mặt. Không muốn bị tụt hậu, tôi đã tải xuống một vài ứng dụng để sử dụng. Có nằm mơ tôi cũng chẳng ngờ được người dạy cho tôi bài học đầu tiên lại là bọn lừa đảo.

Vận may bất ngờ từ ứng dụng mua hàng

Khi bấm vào ứng dụng, một cửa sổ pop-up hiện lên, thông báo rằng tôi đã trúng giải thưởng. Điều này hoàn toàn lạ lẫm với tôi. Tôi nghĩ mình đã may mắn và trúng thưởng vì là khách hàng mới.

Tôi thử bấm vào cửa sổ đó và được cho biết mình có 3 cơ hội để nhận giải thưởng. Sau 2 lần thất bại, tôi đã thành công ở lượt bấm thứ 3, trúng thưởng 6 chai đồ uống của hãng Mao Đài. Đồng thời, vì là 1 trong số 100 người may mắn chiến thắng, tôi còn được tặng thêm một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ.

Kinh tế học hành vi dạy chúng ta rằng con người chẳng bao giờ cưỡng lại được những thứ miễn phí.

Bởi lẽ, hầu hết những nguồn tài nguyên trên thế giới đều khan hiếm, nghĩa là không đủ những thứ hữu ích chúng ta cần. Để tồn tại, con người đã được trang bị các kỹ năng để lấy được các nguồn tài nguyên khan hiếm với chi phí thấp.

Dù là giáo sư kinh tế học, tôi trước tiên cũng chỉ là một con người bình thường. Thấy mình trúng thưởng, lòng tôi tràn ngập vui sướng.

Là giáo sư kinh tế học, tôi vẫn suýt mất tiền oan vì một chiêu trò không ngờ tới: Hóa ra lừa đảo bây giờ cũng giỏi kinh tế lượng và thao túng tâm lý đến vậy! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, tôi cũng chẳng phải một đứa trẻ ngây ngô. Tôi bán tín bán nghi: "Mình may mắn thế sao? Liệu đây có phải lừa đảo không?". May mắn thay, tôi có một người vợ vô cùng thông minh đang theo ngành tâm lý học. Khó có thứ gì lừa được cô ấy.

Tuy nhiên, vợ tôi đã về nhà mẹ đẻ và đi ngủ. Trong khi đó, "giải thưởng" mà tôi nhận được sẽ hết hạn trong 2 tiếng nữa. "Ôi dào, sợ gì cơ chứ. Nó miễn phí mà, có gì đáng để lừa đâu", tôi nghĩ thầm.

Cứ như vậy, tôi điền địa chỉ nhà và số điện thoại liên hệ rồi gửi đơn nhận quà đi. Tôi đi ngủ với một nụ cười trên môi, không ngờ mình lại may mắn thế.

Cuộc điện thoại đầy thuyết phục từ "nhà sản xuất"

Khoảng 10h sáng hôm sau, tôi bỗng nhận được cuộc gọi từ một số máy ở tỉnh Sơn Đông.

"Có phải anh Lý không ạ? Chúng tôi gọi từ nhà máy đồ uống Mao Đài. Chúc mừng! Anh đã trúng một giải thưởng lớn", người đàn ông ở đầu dây bên kia nói.

Sau đó, người này giới thiệu qua về sản phẩm, sử dụng một loạt thuật ngữ mà chỉ nhà sản xuất mới hiểu.

Miệng thì cảm ơn nhưng trong lòng tôi tràn ngập nghi vấn. Tôi hỏi: "Anh nói nhà máy nằm ở thị trấn Mao Đài, nhưng sao số máy này lại từ Sơn Đông?".

"Chúng tôi ở trên núi nên phải dùng điện thoại internet. Nó hiển thị số ngẫu nhiên đấy", anh ta đáp. "Nhà máy chúng tôi đã đạt vô số giải thưởng".

Sau đó, anh ta lại tiếp tục thao thao bất tuyệt về sản phẩm. Cuối cùng, anh ta mới bảo: "Vì ở vùng núi, chúng tôi chỉ có thể chuyển phần quà bằng SF Express. Anh sẽ phải trả phí vận chuyển và bảo hiểm trước. Tổng cộng là 198 NDT (740.000 VNĐ) cho 6 chai này".

Là giáo sư kinh tế học, tôi vẫn suýt mất tiền oan vì một chiêu trò không ngờ tới: Hóa ra lừa đảo bây giờ cũng giỏi kinh tế lượng và thao túng tâm lý đến vậy! - Ảnh 2.

Vì mọi thứ nghe quá thật nên tôi cũng khá tin. Bởi lẽ, sản phẩm mà tôi trúng thưởng có mức giá rất cao, có tiền cũng chưa chắc đã mua được hàng chính hãng, lại được lấy trực tiếp từ nhà máy như thế này. Nếu so sánh với phí vận chuyển, đây hoàn toàn là một món hời.

"Nếu anh không còn câu hỏi nào nữa, chúng tôi xin phép được lên đơn để vận chuyển", người đàn ông nói. Tôi nhanh chóng đồng ý.

Sau khi gác máy, tôi gọi cho vợ và kể lại toàn bộ sự việc. Cô ấy không thể ngừng cười: "Anh ngây thơ quá! Lần sau muốn mua gì cứ để em".

Vợ tôi cho biết, bọn lừa đảo sử dụng rất nhiều thủ đoạn để thao túng tâm lý con người. Đến lúc này, tôi mới nhận ra bọn chúng còn sử dụng một số kiến thức về kinh tế học mà tôi không ngờ tới.

Mấu chốt nằm ở kiến thức kinh tế học đơn giản

Đầu tiên, anh ta đã lợi dụng một thứ mà tôi đã nhắc ở trên - lòng tham của con người với những thứ miễn phí. Đánh vào tâm lý này, bọn lừa đảo biết rằng mọi người sẽ bấm vào những quảng cáo trúng thưởng.

Thứ hai, anh ta đã lợi dụng một loạt nguyên lý về kinh tế học hành vi, cho rằng con người thường đánh giá quá cao khả năng xảy ra những sự kiện tích cực và đánh giá quá thấp khả năng xảy ra những sự kiện tiêu cực.

Nếu trúng giải thưởng lớn ngay trong lần thử đầu tiên, tôi sẽ hoài nghi ngay lập tức. Vì thế, chúng sắp đặt để tôi trúng giải vào lần thử thứ ba. Tôi cứ nghĩ mình chỉ có 1/3 cơ hội trúng giải, còn trên thực tế đó là 100%.

Thứ ba, bọn lừa đảo sử dụng lý thuyết nâng cao về thông tin bất cân xứng nằm trong lý thuyết trò chơi. Sau khi trúng giải, chúng sẽ gọi điện để xác định xem tôi có thuộc nhóm người ngây thơ hay không, từ đó biết được khả năng thành công và giảm thiểu chi phí.

Là giáo sư kinh tế học, tôi vẫn suýt mất tiền oan vì một chiêu trò không ngờ tới: Hóa ra lừa đảo bây giờ cũng giỏi kinh tế lượng và thao túng tâm lý đến vậy! - Ảnh 3.

Thông tin bất cân xứng diễn ra khi một trong hai bên không có đầy đủ thông tin chính xác về đối phương để đưa ra quyết định đúng đắn. Bọn lừa đảo không thể đoán được tôi là loại người nào: dễ bị dụ dỗ hay sẵn sàng từ bỏ một món hời. Tuy nhiên, nhờ cuộc gọi trên, chúng đã có câu trả lời rõ ràng.

Vợ tôi dễ dàng nhìn thấu trò lừa đảo này, trong khi tôi hoàn toàn tin vào nó. Trên thực tế, mọi người sẽ mất rất nhiều thời gian suy nghĩ nếu ở trong hoàn cảnh đó: ai cũng bị cám dỗ bởi những thứ miễn phí hoặc có giá trị cao.

Dù là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản, tôi vẫn không thể đánh giá sự việc một cách tỉnh táo như đã được dạy trên trường.

Sáng hôm sau, giải thưởng được đưa tới nhà tôi. Người giao hàng gọi điện: "Anh Lý, 6 chai Mao Đài của ông đã đến. Tổng cộng hết 198 NDT".

Tôi đáp: "Tôi muốn trả lại gói hàng này. Tôi không muốn bị vợ trách là quá ngây thơ".

Người giao hàng cười khúc khích: "Dù sao thì anh cũng chỉ phải trả tiền khi giao hàng. Anh có thể chọn không trả".

Nghe câu trả lời, tôi biết ngay anh ta đã quá quen với cảnh này. "Tốt quá, cảm ơn anh", tôi nói.

Kẻ lừa đảo nhận thức rõ về khả năng thành công

Sáng ngày thứ ba, tôi nhận được một cuộc gọi từ máy bàn ở Bắc Kinh. Đó là tên lừa đảo hôm nọ.

"Anh Lý, sao anh lại từ chối trả tiền cho giải thưởng mà anh nhờ chúng tôi vận chuyển vậy?", đầu dây bên kia hỏi.

"Này anh bạn", tôi trả lời. "Vợ tôi bảo mấy người toàn bọn lừa đảo. Tết sắp đến rồi và tôi biết mấy người cũng khó khăn. Tôi biết mấy người bận lắm, nhưng tôi vẫn muốn nói vài lời. Trò lừa đảo của mấy người có một lỗ hổng".

Tôi nghe thấy tiếng anh ta bụm miệng cười nhẹ, đầy xảo trá.

"Lỗ hổng? Lỗ hổng gì cơ?", anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên.

Là giáo sư kinh tế học, tôi vẫn suýt mất tiền oan vì một chiêu trò không ngờ tới: Hóa ra lừa đảo bây giờ cũng giỏi kinh tế lượng và thao túng tâm lý đến vậy! - Ảnh 4.

"Mấy người không nên cho những kẻ ngốc nghếch chúng tôi thời gian để tĩnh tâm. Anh thấy đấy, từ lúc anh gọi điện chốt đơn cho đến khi hàng được giao là 1 ngày. Trong khoảng thời gian này, ngay cả những kẻ ngốc nhất cũng nhận ra mình bị lừa.

Ngoài ra, vợ tôi còn học tâm lý. Khoảng thời gian này đủ để gia đình và bạn bè tư vấn, nên trò lừa đảo của mấy người sẽ lộ thôi", tôi kiên nhẫn giải thích.

"Điều đó sẽ không xảy ra đâu, anh Lý. Theo phân tích của chúng tôi, hầu hết mọi người đều chấp nhận trả tiền giao hàng trước", anh ta trả lời, giọng không thể giấu nổi sự thất vọng. "Tuy nhiên, vợ anh lại là một nhà tâm lý học. Điều này chúng tôi thực sự không ngờ tới…".

Giờ đến lượt tôi cười thầm. Bọn lừa đảo giờ đây thậm chí đã học kinh tế lượng và biết phân tích dữ liệu! Anh hiểu rằng tôi từ chối trả tiền vì có vợ là một nhà tâm lý học giỏi. Anh ta biết tôi là ngoại lệ, hay còn gọi là "giá trị ngoại lai" theo thuật ngữ kinh tế.

Điều này khiến tôi cảm thấy hổ thẹn vì còn chẳng chăm học bằng bọn lừa đảo. Ngay lập tức, tôi tìm cuốn sách về kinh tế lượng nâng cao và bắt đầu đọc lại lần nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại