Thượng úy Thông (thứ nhất trái sang) chỉ huy tổ trực hạ neo chuẩn bị vào đảo
Uớc mơ
Qua hai ngày đêm, tàu 571 rẽ sóng vươn khơi, hành trình tới quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đang gần lại. Đoàn công tác số 4 chúng tôi dần quen với tiếng sóng vỗ, tiếng gió thổi rì rào và cả âm thanh của đàn hải âu gọi bầy.
Thậm chí tiếng chuông reo thông báo của chỉ huy tàu, giờ giấc sinh hoạt cũng thành quán tính. Đêm qua, ngày đến, bình yên giữa biển cả quê hương.
Đứng ở buồng lái, chúng tôi gặp những con người gần gũi. Họ là những thủy thủ, cán bộ, chiến sĩ của tàu 571 đảm bảo an toàn thông suốt của chuyến đi. Khuôn mặt các anh sạm đen rắn rỏi, toát lên phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tàu 571 hành trình ra khơi tới quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1
Theo anh Sỹ, sau khi huấn luyện tân binh xong, tháng 6/1997, anh có chuyến đi đầu tiên ra quần đảo Trường Sa.
“Tôi đến tất cả các điểm đảo, có những ngày tháng sinh hoạt và làm nhiệm vụ trên đảo. Thời điểm đó, cuộc sống của bộ đội còn khó khăn, vất vả, có cả những hy sinh mất mát.
Chuyến đi ấy đã quyết định cuộc đời tôi. Kết thúc thời gian nghĩa vụ, với tình yêu, niềm tin của người lính, tôi vùi đầu ôn luyện để thi vào trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân. Ra trường, tôi được phân công về tàu 936 thuộc Hải đội 411.
Qua nhiều tàu khác nhau, tôi tiếp tục theo học tại Học viện Hải quân và hoàn thành xuất sắc khóa học. Học xong, tôi được cấp trên điều động về làm Chính trị viên tàu 936, rồi tàu Trường Sa 22. Đến tháng 11/2018, tôi được bổ nhiệm Chính trị viên tàu 571”, Đại úy Nguyễn Văn Sỹ cho biết.
Hoàn thành ca trực, thấy chúng tôi tò mò, Đại úy Nguyễn Văn Sỹ - Chính trị viên và Thượng úy Lê Tiến Thông - Thủy thủ trưởng tàu 571 - Hải đội 411, Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân) mỉm cười chào.
Nắm tay vào mạn tàu nhìn ra biển lớn, Đại úy Nguyễn Văn Sỹ cho biết, anh quê ở tỉnh Ninh Bình, làm lính biển, đến nay đã 24 năm trong quân ngũ. Còn Thượng úy Thông kế cận, cũng có 22 năm theo cuộc đời binh nghiệp.
“Chú Thông quê ở tỉnh Thanh Hóa, mỗi người một quê nhưng chúng tôi như anh em ruột, còn tàu 571 chính là ngôi nhà, biển là quê hương. Chúng tôi còn có điểm chung là ấp ủ ước mơ được khoác màu áo lính hải quân thuở học sinh”, Chính trị viên tàu 571 chia sẻ.
Thượng úy Lê Tiến Thông cũng dành tình yêu đặc biệt với màu áo lính hải quân. Sau một năm nhập ngũ, anh có cơ hội lần đầu tiên được lái tàu.
“Cảm xúc được lái tàu lúc còn là chiến sĩ khó diễn tả thành lời. Đó là điều thiêng liêng, hãnh diện và tự hào. Mình không chỉ được khoác màu áo cả tuổi thơ ước mơ mà còn được đứng ở buồng chỉ huy một con tàu rẽ sóng vươn khơi.
Tôi hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và được đơn vị cử đi học Trắc thủ Ra đa. Trước khi về tàu 571, tôi trải qua 4 tàu, trong đó có 3 năm lái tàu chiến đấu, 2 năm lái tàu vận tải chốt đảo”, Thượng úy Thông tâm sự.
Nói về kinh nghiệm lái tàu, Thượng úy Thông cho hay: “Lái tàu cũng có khó, có dễ. Lúc đầu phải học hỏi kinh nghiệm, sóng to gió lớn phải nương theo con sóng, phải biết cách cắt sóng, gối sóng, hạn chế độ lắc cho con tàu”.
"Tôi thì cưới vợ năm 2006, đã có hai con, dù phải xa nhà thường xuyên nhưng các con cũng đã hiểu biết về công việc của bố. Từ lúc còn yêu nhau, vợ tôi đã luôn động viên, cổ vũ cho đến khi cưới thì tư tưởng vững vàng lắm"
Thượng úy Lê Tiến Thông
Kỷ niệm hải trình và chuyện hậu phương
Hàng chục năm chinh chiến với sóng to, bão tố, vượt qua hàng chục ngàn hải lý, Đại úy Nguyễn Văn Sỹ bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm. Theo anh Sỹ: “Mỗi một chuyến ra khơi là một cảm giác riêng biệt nhưng dịp Tết là sâu đậm nhất.
Thời điểm đi phải chuẩn bị từ cái nhỏ đến cái lớn, nhu yếu phẩm phục vụ ngày Tết, trong đất liền có gì thì ngoài đảo phải có cái đó. Làm sao để bảo quản lương thực, thực phẩm trong chuyến hải trình không bị hư hỏng, đảm bảo cho đồng đội một cái Tết trọn vẹn.
Tới đảo, phải đưa người, hàng hóa lên xuống xuồng một cách an toàn tuyệt đối. Đã nhiều lần ăn Tết xa nhà, xa vợ con nên tôi rất hiểu cảm giác của đồng đội. Nhìn người dân đón nhận món quà từ đất liền thật xúc động, xem đồng đội gói bánh chưng thấy rưng rưng”.
“Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả hàng hóa, nhu yếu phẩm và cả con người, khi lên thuyền phải cách ly và kiểm tra chặt chẽ. Cũng như đoàn khách, cán bộ, chiến sĩ của tàu phải cách ly nghiêm ngặt, đúng quy định của Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Hải quân.
Có những thời điểm cách ly đúng thời gian quy định nhưng thời tiết xấu, sóng to nên cách ly tiếp. Tuyệt đối dù nhà gần, nhà xa, nhà có sát cổng đơn vị cũng không được về”, Chính trị viên tàu 571 nói.
Hướng mắt nhìn về những tàu cá đang khai thác hải sản, ngọn cờ Tổ quốc phấp phới trên nóc tàu, Thượng úy Lê Tiến Thông tiếp lời: “Ngư dân mình can trường lắm, nguy hiểm rình rập bủa vây nhưng cờ Tổ quốc lúc nào cũng bay trên biển quê hương.
Tôi nhớ vào năm 2002, khi đang lái tàu cập bờ thì nhận được tin báo từ Sở Chỉ huy, tàu cá của ngư dân Quảng Nam gặp nạn. Ngay lập tức, chúng tôi quay tàu chạy hết tốc lực và cứu sống tất cả 15 người.
Trên đường về, bão đuổi đến, sóng gió cấp 8, cơm không nấu được, cả hải quân lẫn ngư dân chia nhau miếng lương khô, gói mì tôm và cả quần áo sưởi ấm, sống qua ngày. Giờ gặp lại nhau, chúng tôi vẫn ôn lại kỷ niệm ấy. Có chuyến hải trình dài nhất kéo dài khoảng 22 ngày”.
Đời binh nghiệp của người lính hải quân là thế, nhưng đằng sau họ là hậu phương luôn hiểu và cảm thông. Đại úy Sỹ lấy vợ năm 2012, lúc vợ hạ sinh anh còn lênh đênh trên biển.
Cuộc gọi “vớt sóng điện thoại” vội vã, anh nhận được tin vui. Hôm đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu liên hoan mừng Chính trị viên lên chức bố.
Nhớ nhung vợ con trong ấm áp của tình đồng đội. Giờ khoảng cách đã được nới lại gần hơn khi vợ cùng con trai 8 tuổi được chuyển vào thành phố Nha Trang sinh sống... (Còn nữa)