Kinh nghiệm xương máu ở Syria giúp Nga hồi sinh vũ khí tấn công mới: Đối thủ hãy chờ xem!

Trung Phạm |

Từ kinh nghiệm thực chiến ở Syria, Quân đội Nga đã thay đổi tư duy, không còn hoài nghi nữa và rất chú trọng đầu tư phát triển các máy bay không người lái tấn công.

Được Tổng thống Vladimir Putin chính thức ký ban hành vào tháng 1 vừa qua, Chương trình Mua sắm Vũ trang Nhà nước giai đoạn 2018-2027 của Nga đã đặt ra yêu cầu phải chú trọng đầu tư trang bị các máy bay chiến đấu không người lái (UCAV).

Không giống như nhiều cường quốc phương Tây khác, Quân đội Nga từ lâu vẫn bày tỏ sự hoài nghi về khả năng của UAV tấn công mà chỉ tập trung ưu tiên cho các máy bay chiến đấu có người lái.

Tính tới thời điểm hiện tại, chẳng chiếc nào trong số 2.000 UAV đang biên chế cho các lực lượng vũ trang Nga có khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công, dù một vài chiếc đã từng được triển khai thực hiện nhiệm vụ phối thuộc với các hệ thống "do thám - tấn công" hay "trinh sát - và điều khiến bắn" khác.

Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã nghiên cứu và phát triển UCAV từ nhiều thập kỷ nay, một số chương trình thậm chí đạt đến giai đoạn thử nghiệm nhưng đến tận thời điểm hiện tại, khách hàng chính - Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đặt mua chúng.

Kinh nghiệm xương máu ở Syria giúp Nga hồi sinh vũ khí tấn công mới: Đối thủ hãy chờ xem! - Ảnh 1.

Kho vũ khí của Quân đội Nga hiện có khoảng 2.000 chiếc UAV

Kinh nghiệm Syria đánh thức tiềm năng UCAV

Điều khiến Quân đội Nga thay đổi tư duy chính là cuộc chiến tại Syria. Kể từ khi Nga can dự vào Syria tháng 10/2015, tần suất các chuyến bay UAV ở quốc gia Trung Đông này đã tăng tới 250%, từ 400 lên tới 1.000 phi vụ/tháng. Tại chiến trường Syria, Nga đã triển khai 80 đơn vị UAV, tất cả đều là các máy bay hạng nhẹ có tổng trọng lượng dưới 500 kg.

Khi Moscow tuyên bố đánh bại các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) vào tháng 12/2017, tổng số chuyến bay UAV đã đạt 16.000 lượt với tổng thời gian bay lên tới 96.000 giờ. Con số này hiện đã vượt mốc 100.000 giờ.

"Với sự trợ giúp của các phương tiện bay không người lái, chúng tôi đang theo dõi tình hình trên toàn lãnh thổ Syria 24/24 giờ", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.

Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, Trung tướng Sergei Rudskoi cũng tiết lộ, mỗi ngày trung bình đều có từ 60 - 70 chiếc UAV của Nga thực hiện các chuyến bay do thám, trinh sát và tác chiến điện tử trên bầu trời Syria.

"Trong 5 năm qua, chúng tôi đã đạt được bước tiến lớn. Hiện nay, thật khó tưởng tưởng trong sự thành công của các chiến dịch tác chiến lại không có sự tham gia của máy bay không người lái", Tướng Sergei Rudskoi nói.

Kinh nghiệm xương máu ở Syria giúp Nga hồi sinh vũ khí tấn công mới: Đối thủ hãy chờ xem! - Ảnh 2.

Phi công Nga tại Căn cứ không quân Khmeimim ở Syria

4 hệ thống UCAV chủ chốt

Moscow dự kiến sẽ đưa UCAV vào hoạt động thực chiến sau tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu rằng việc chuyển giao sẽ sớm diễn ra và thực tế Syria đã trở thành môi trường kiểm định lý tưởng cho các vũ khí hiện đại mới của Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách mua sắm, Tướng Yuri Borisov cho biết, 4 hệ thống UCAV có khả năng giải quyết các nhiệm vụ với "chiều sâu chiến thuật thuật, chiến dịch và chiến lược" đang tiếp tục được phát triển sau khi Quân đội Nga cho ngưng hoạt động một vài dự án khác.

Những hệ thống đề cập trên gồm có UCAV SCAT do Tập đoàn chế tạo máy bay MiG sản xuất, công bố năm 2009 và phiên bản không người lái của máy bay huấn luyện vũ trang Yakovlev Yak-130 của hãng Irkut.

Cùng với đó là phiên bản không người lái của tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57. Hợp đồng này đã được ký năm 2011 và các chuyến bay thử nghiệm dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành năm 2018.

Tiếp đến là Tupolev Tu-300 Korshun, tuy vẫn còn gây tranh cãi nhưng xét về mặt lịch sử đây là mẫu thiết kế UCAV đầu tiên của Nga đạt tới giai đoạn thử nghiệm chiến đấu.

Một nguyên mẫu Tu-300 Korshun với thiết kế cánh delta và mang theo bom chùm KMGU trên giá treo vũ khí dưới thân đã được trưng bày tại Triển lãm Hàng không MAKS năm 1993 và 1995.

Bay bằng một động cơ turbojet, Tu-300 Korshun với trọng lượng 3 tấn này sẽ có tầm hoạt động từ 200-300 km ở vận tốc 950 km/h và trần bay 6.000 m. Ở chế độ bay bám địa hình, Tu-300 có thể thực hiện các sứ mệnh xâm nhập tầm thấp, chỉ 50 m.

Mặc dù từng xuất hiện nhiều thông tin hệ thống này sẽ không được tiếp tục phát triển nữa nhưng một số dấu hiệu gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Nhà sản xuất dường như đã lắp đặt một số mẫu hoạt động và trình lên Bộ Quốc phòng Nga để đánh giả, kiểm định.

UAV trinh sát của Nga tham gia giám sát lệnh ngừng bắn ở Aleppo, Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại