Avia.pro: Armenia bắn tên lửa Iskander, TT Azerbaijan ngay lập tức yêu cầu đàm phán?

Trà Khánh |

Theo truyền thông Nga, việc Armenia sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công nhiều mục tiêu chiến lược của Azerbaijan đang đặt Baku vào tình thế nguy hiểm.

Một loạt thành phố của Azerbaijan bị tấn công tên lửa

Trong bài viết có tựa đề "Армения ударила двумя ракетами "Искандер" - президент Азербайджана сразу же потребовал переговоров" tạm dịch "Armenia bắn hai tên lửa Iskander, Tổng thống Azerbaijan ngay lập tức yêu cầu đàm phán", tờ Avia.Pro của Nga cho biết Baku sẽ hướng chịu hậu quả thảm khốc nếu Armenia tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa như hiện tại.

Cũng theo tờ báo Nga, ngày 4/10, lực lượng Armenia ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh đã phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn vào một loạt mục tiêu chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ Azerbaijan.

Avia.pro: Armenia bắn tên lửa Iskander, TT Azerbaijan ngay lập tức yêu cầu đàm phán? - Ảnh 1.

Đuôi đạn rocket BM-30 rơi xuống một khu định cư ở thành phố Ganja, Azerbaijan, sau cuộc tấn công của lực lượng Armenia. Ảnh: RIA.

Theo nguồn tin của Avia.Pro, lực lượng Armenia đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E để tấn công các mục tiêu chiến lược của Azerbaijan. Thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.

Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Armenia, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã bất ngờ phát đi thông điệp cho thấy Baku sẵn sàng đối thoại với Yerevan về một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Nagorno-Karabakh.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan sau đó cũng lên tiếng xác nhận thông tin lực lượng Armenia đã sử dụng tên lửa chiến thuật tấn công vào các thành phố Ganja và Mingachevir, vốn cách xa vùng chiến sự Nagorno-Karabakh.

Phía Azerbaijan cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy Armenia đã triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka và pháo phản lực tầm xa BM-30 Smerch cho cuộc tấn công trên.

Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Hikmet Hajiyev, trợ lý Tổng thống Aliyev đã cáo buộc Armenia thực hiện các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào dân thường trong các cuộc giao tranh vào ngày 4/10:

- Hơn 4 quả đạn rocket BM-30 mang theo đạn chùm đã được bắn vào Ganja, thành phố lớn thứ 2 của Azerbaijan

- Vùng Khizi và Absheron bị tấn công bởi các tên lửa đạn đạo có tầm bắn xấp xỉ 300km.

- Một số hồ chứa nước và nhà máy điện ở thành phố Mingachevir cũng trở thành mục tiêu của BM-30 Armenia.

Azerbaijan lo sợ tên lửa Iskander-E của Armenia?

Theo các chuyên gia quân sự của Avia.Pro nhận định, việc Armenia có thể tấn công đến tận vùng Khizi và Absheron cho thấy Yerevan nhiều khả năng đã sử dụng tên lửa Iskander-E trong cuộc tấn công vừa qua, bởi Absheron cách vùng chiến sự Nagorno-Karabakh tới hơn 260km. Trong kho vũ khí của Quân đội Armenia hiện tại chỉ có Iskander-E là đảm nhận được nhiệm vụ này.

Rõ ràng, cuộc tấn công tên lửa của Armenia đã tác động lớn đến Baku, trước đó vài ngày Tổng thống Aliyev từng tuyên bố sẽ không tham gia bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào với Yerevan nếu Nagorno-Karabakh chưa được giải phóng.

Avia.pro: Armenia bắn tên lửa Iskander, TT Azerbaijan ngay lập tức yêu cầu đàm phán? - Ảnh 2.

Việc Armenia đưa tên lửa Iskander-E tham chiến có thể làm thay đổi cục diện chiến trường Nagorno-Karabakh hiện tại. Ảnh: SouthFront.

Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, ngày 4/10, Tổng thống Aliyev cho biết Baku chỉ chấp nhận tham gia thỏa thuận ngừng bắn khi lực lượng Armenia rời khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp, không chỉ bằng lời mà trên thực tế, đồng thời đưa ra một thời gian biểu cho việc rút quân hoàn toàn cũng như thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan.

Tổng thống Aliyev cũng thừa nhận rằng sẽ rất khó để làm được điều này trong bối cảnh chiến sự ở Nagorno-Karabakh vẫn diễn ra ác liệt.

Armenia hiện là quốc gia duy nhất ngoài Nga đang sở hữu các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander, đây là được xem là thứ vũ khí giúp Yerevan có thể "đè bẹp" lực lượng phòng không của Azerbaijan nếu xung đột giữa hai nước leo thang thành một chiến tranh tổng lực.

Theo như quảng cáo của Nga, tên lửa Iskander gần như không thể bị đánh chặn và nó thừa khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tối tân của NATO ở châu Âu. Bởi trong giai đoạn cuối của hành trình bay tên lửa có thể đạt đến vận tốc Mach 6 (hơn 7.000/km/h), điều này khiến việc đánh chặn nó trở nên bất khả thi.

Tuy nhiên, biến thể Iskander-E của Armenia có tầm bắn hạn chế hơn so với bản gốc Iskander của Nga, khoảng 280km và chỉ được trang bị đầu đạn nổ cực mạnh 480kg.

Để khắc phục hạn chế về tầm bắn, Armenia hoàn toàn có thể triển khai các hệ thống Iskander-E của họ đến sát vùng ranh giới tạm thời ở Nagorno-Karabakh từ đó phát động tấn công vào các mục tiêu chiến lược nằm sâu bên trong lãnh thổ Azerbaijan như cuộc tấn công vào vùng Absheron vừa qua.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và pháo phản lực BM-30 Smerch của Quân đội Nga trong một cuộc tập trận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại