Thức ăn nhanh: Cuộc đua khốc liệt

Thị trường thức ăn nhanh đang tăng trưởng nhảy vọt tại Việt Nam. Sự góp mặt của thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s càng khiến cuộc cạnh tranh thêm căng thẳng.

McDonald’s vừa công bố chính thức vào thị trường Việt Nam thông qua đối tác nhượng quyền thương mại là ông Henry Nguyễn, nhà sáng lập thương hiệu Good Day Hospitality. 

Cửa hàng McDonald’s đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam đầu năm 2014. Sự kiện này được coi là một trong những bước ngoặt đối với thị trường thức ăn nhanh (fast food) tại Việt Nam. Cuộc chiến giành thị phần trên thị trường này dự kiến sẽ khốc liệt hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt chen chân càng bị thu hẹp.

Gà đẻ trứng vàng

Vài năm gần đây, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam đặc biệt sôi động với sự bành trướng của các thương hiệu nhiều năm “chinh chiến” như KFC, Lotteria và sự đổ bộ của hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới. Nhiều DN đang chạy nước rút để chuẩn bị cho cuộc đua dự kiến sắp diễn ra khi “người khổng lồ” McDonald’s xuất hiện.

Subway đã công bố kế hoạch mở rộng thị phần hồi cuối năm 2012. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1996, thương hiệu Jollibee (Philippines) có khoảng 30 cửa hàng. Lotteria có 162 cửa hàng, KFC theo sau với hơn 130 cửa hàng. Gần đây, Jollibee đã mua lại cụm Phở 24 và Highlands Coffee.

Mới có mặt tại Việt Nam từ 2 năm nay nhưng Burger King cũng đã có 18 cửa hàng và đặt mục tiêu mở rộng hệ thống với trung bình 3-4 cửa hàng/tháng. Ngoài ra, còn phải kể đến những thương hiệu bắt đầu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như Pizza Hut, Pizza Inn, Popeyes, Domino’s Pizza, Texa Chicken…

Thị trường thức ăn nhanh đang tăng nóng dù Việt Nam mới thật sự làm quen với nó từ năm 1997. Việc McDonald’s chọn Việt Nam đã khẳng định tiềm năng và sức hút của thị trường nước ta.

Thức ăn nhanh: Cuộc đua khốc liệt
Xu hướng tiêu dùng thức ăn nhanh được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng thời gian tới, nhất là trong giới trẻ. Ảnh: HỒNG THÚY

Theo khảo sát của Vinaresearch, với dân số trên 90 triệu người, trong đó trên 65% dưới 35 tuổi, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các cửa hàng thức ăn nhanh phát triển. Những năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tăng trưởng nhiều lĩnh vực sụt giảm nhưng thị trường thức ăn nhanh vẫn tăng trưởng 26%/năm.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng của 3 thương hiệu thức ăn nhanh lớn ở Việt Nam là KFC, Lotteria, Jollibee luôn trên 30%. Công ty Đo lường Kinh doanh quốc tế BMI xếp Việt Nam hạng 8 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về môi trường kinh doanh thực phẩm và nước giải khát.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Lotteria Việt Nam, cho biết có mặt tại Việt Nam từ năm 1998 đến nay, Lotteria đi qua 3 giai đoạn: Năm 1998-2005 gầy dựng thương hiệu và kinh doanh bấp bênh, 2005-2010 tăng trưởng trung bình 10%-20%/năm, 2010-2013 tăng trưởng nóng, riêng năm nay dự kiến tăng trưởng trên 40%.

Ông Kao Siêu Lực, Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu (ABC), cho biết đang làm việc với đối tác nhận nhượng quyền McDonald’s tại Việt Nam để cung cấp bánh mì cho hãng này tại TP HCM và Hà Nội. “ABC đang cung cấp bánh mì cho các thương hiệu lớn như KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King… Cách đây 8 năm, doanh số từ cung cấp bánh mì cho các thương hiệu thức ăn nhanh chỉ chiếm 2% tổng doanh thu ACB, năm 2012 tăng lên 28% và dự đoán năm nay là 32%. Kinh doanh thức ăn nhanh đang là “con gà đẻ trứng vàng” - ông Kao Siêu Lực nhận xét.

Sẽ phân chia lại thị trường

Loại hình thức ăn nhanh có rất nhiều ưu điểm như tiện lợi, sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ về không gian thân thiện, trẻ trung... Ông Kao Siêu Lực cho biết so với một số thị trường như Singapore, Hồng Kông..., tỉ lệ tiêu thụ bánh làm từ bột mì của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 2-3 kg/người/năm (các thị trường trên tiêu thụ 20-30 kg/người/năm). Các thương hiệu thức ăn nhanh đã dần đẩy mạnh tỉ lệ tiêu thụ bánh làm từ bột mì. Theo đà phát triển chung, xu hướng tiêu dùng thức ăn nhanh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, nhất là ở giới trẻ.

Chuyên gia marketing Hoàng Tùng cho rằng ngành thức ăn nhanh Việt Nam có 2 cột mốc đáng chú ý. Đầu tiên là cột mốc KFC xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm trước - khi người Việt hầu như chưa có khái niệm gì về fast food. Cột mốc đáng chú ý tiếp theo chính là sự kiện McDonald’s vào Việt Nam.

Theo các DN, McDonald’s xuất hiện sẽ làm thay đổi nhận thức của mọi người về đồ ăn nhanh và có khả năng đưa fast food nhanh chóng trở thành một phần trong thói quen ẩm thực của người Việt. Đồng thời, sự xuất hiện của “ông lớn” này sẽ phân chia lại thị trường và có thể thay đổi vị thế của các “đại gia” thức ăn nhanh tại Việt Nam nhưng thay đổi thế nào và đến đâu thì chưa thể nói trước.

Tại Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng là cả một chặng đường dài. Starbucks đã làm nên hiện tượng chưa từng có tại Việt Nam khi cửa hàng đầu tiên khai trương ở TP HCM trong hơn 1 tháng đầu, khách nườm nượp xếp hàng để được thưởng thức cà phê kiểu Mỹ. Thế nhưng, khi sự tò mò được thỏa mãn, sự mới lạ lắng dịu thì khách hàng dần trở nên thờ ơ. Ngay trong ngày khai trương cửa hàng thứ hai của Starbucks, khách khá thưa vắng.

“McDonald’s vào khi người Việt đã quen thuộc với thức ăn nhanh, đây là một lợi thế nhưng cũng đầy khó khăn bởi các DN đi trước đã chiếm đến 90% thị phần, các vị trí mặt bằng đẹp cũng đã có chủ” - ông Nguyễn Thanh Tâm nhận xét.

Khách hàng là giới trẻ

Theo kết quả khảo sát thị trường thức ăn nhanh tại các thành phố lớn do Công ty Nghiên cứu thị trường trực tuyến W&S công bố cuối năm 2012, các thương hiệu thức ăn nhanh KFC, Lotteria, Pizza Hut được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Kết quả khảo sát 272 người từ 16 tuổi trở lên cho thấy các đối tượng được nghiên cứu đến cửa hàng thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong 3 tháng. Trong đó, nhóm khách hàng 24-29 tuổi có tỉ lệ sử dụng thức ăn nhanh cao nhất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại