"Xử" ngân hàng "dặt dẹo" bằng cách đổ thêm tiền?

Có muốn cứu một số ngân hàng yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không nên bỏ tiền ra mua cổ phần của số nhà băng này.

Chuyên gia tài chính Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm trước thông tin từ ngày 20/9 NHNN sẽ được phép góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt.

NHNN không nên "gánh" nhiều vai

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 48 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của NH bị kiểm soát đặc biệt. Theo đó, từ ngày 20/9 Thống đốc NHNN sẽ quyết định việc chỉ định tổ chức tín dụng tham gia góp vốn, mua cổ phần. Không chỉ vậy, cơ quan này có thể trực tiếp tham gia mua hoặc góp vốn nếu các tổ chức tín dụng khác không đáp ứng được điều kiện tham gia.

NHNN sẽ chỉ định góp vốn, mua cổ phần tại những nhà băng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

Không lo sẽ khó lựa chọn được NH để cơ quan điều hành bỏ tiền ra mua vì chắc chắn danh sách số nhà băng này NHNN đã "nằm lòng", nhưng chuyên gia tài chính Trương Thanh Đức đến từ NHTMCP Hàng Hải (MaritimeBank) nhấn mạnh, cơ quan điều hành có lý khi lựa chọn giải pháp tình thế này, nhưng NHNN không nên dùng tiền để mua cổ phần NH yếu.

"NHNN không nên đặt vấn đề can thiệp quá sâu vào hoạt động của các NH. Cơ quan điều hành có nhiều công cụ chính sách để xử lý can thiệp thị trường lạnh mạnh, sòng phẳng, không nhất thiết phải bỏ tiền công (ngân sách) để mua lại số NH "dật dẹo" này"- ông nói.

Quan điểm của vị chuyên gia này, là với một số NH quá yếu, hoạt động "dật dẹo" từ trước đó nhưng không nỗ lực tự tái cơ cấu mà NHNN can thiệp vào để "cứu" sống số này,  thì dù "có cứu thế cứu nữa, muôn đời NH đó vẫn sẽ "sống" theo kiểu lay lắt".

"Bản chất là các chủ NH này đã không coi trọng những quy tắc quản trị rủi ro, giá trị thực sự của DN mình nắm giữ nên vô hình tự mình đã đẩy NH lao vào cuộc chạy đua lãi suất, "đánh bóng" hình ảnh bên ngoài bằng cách "ỉm" con số nợ xấu thực, trong khi số liệu công bố ra ngoài luôn trong ngưỡng an toàn... Xử lý nhanh chóng nhất là để số nhà băng này tự giải quyết theo cơ chế giải thể, phá sản" – ông Đức nêu quan điểm.

"Xử" không khéo, càng thêm "rối"

Theo Quyết định 48, khi NH yếu kém đã hoạt động bình thường trở lại nhờ góp vốn, mua cổ phần thì có thể tiến hành thoái vốn.

Khi đó, số vốn của các nhà băng này sẽ có thể "bán" lại cho nhà đầu tư mua lại hoặc sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác sau khi được NHNN chấp thuận...

Điều này sẽ khiến tình trạng sở hữu chéo vốn đã "chằng chịt" trong hệ thống NH, nay sẽ càng trở nên "rối" thêm.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình chính sách công – Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright TP. Hồ Chí Minh, sự chấp nhận các nhà đầu tư kiểu này vô tình lại khiến tình trạng sở hữu chéo ở hình thức nhà đầu tư lớn nắm DN, ngân hàng gia tăng. "Như vậy, vô tình lại dùng sở hữu chéo để xử lý ngân hàng yếu kém, mà đây là mảng tối mà quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua vấp phải" – ông Thành bày tỏ.

Dẫn chứng, vị chuyên gia này lấy ví dụ từ trường hợp tái cơ cấu TienPhong Bank hay TrustBank... gần đây với sự tham gia của những nhà đầu tư mới như Tập đoàn Doji và Thiên Thanh. Thực tế, để tìm được những nhà đầu tư mới như Doji hay Thiên Thanh... cáng đáng các ngân hàng yếu kém không phải nhiệm vụ đơn giản.

"Nếu DN "ôm" NH thì không hẳn là sở hữu chéo nếu tiền anh đổ vào đầu tư có phải là vốn sạch hay không? Nếu là tiền sạch thì nhà đầu tư "được thì ăn, mất thì chịu". Nhưng thực tế, hầu hết các "đại gia" khi sở hữu NH đều đang lách luật, sở hữu tới 40-50% vốn NH trong khi luật cho phép tối đa 5% với cá nhân và 15% với tổ chức... Nguy hiểm cho hệ thống và loạn là ở chỗ này" – ông Đức phân tích thêm.

Không những thế, nếu sở hữu chéo gia tăng sẽ gián tiếp gây ra nợ xấu. Nghiêm trọng hơn là sự lũng loạn, thâu tóm hệ thống tài chính để trục lợi.

Chuyên gia Trương Thanh Đức cho rằng, không phải có gì cũng đưa Nhà nước vào "quản" đã là tốt cả. Trong trường hợp xử các NH yếu, tiền chung của ngân sách sẽ không thể bằng tiền cá nhân, doanh nghiệp cụ thể đầu tư vào để vực dậy số ngân hàng yếu, nên việc để các nhà đầu tư với nguồn tiền mới tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng là lựa chọn hợp lý.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng cần phải cân nhắc và tính toán kỹ việc thoái vốn khi TCTD nằm trong diện kiểm soát đặc biệt trở lại hoạt động bình thường. "Đúng là có tiền thực để xử lý ngân hàng yếu rất khó, nhưng nếu chấp nhận hình thức này thì vô hình chung mọi cố gắng tái cơ cấu ngân hàng đều như muối đổ xuống sông cả" – TS. Thành lên tiếng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại