Đời buồn của gã độc thân cướp mạng “tình địch”

Gã đàn ông ngồi trước vành móng ngựa đã trạc tuổi ngũ tuần, mái tóc đã lấm chấm bạc, mặt đã nổi nhiều vết đồi mồi, nhưng vẫn chưa có vợ con. Tại phiên tòa phúc thẩm, gã đã cúi đầu khai nhận mọi hành vi tội lỗi của mình và thiết tha “xin gia đình bị hại thứ lỗi”.

Ghen tuông vô cớ 

Nhắc đến thành phần bất hảo ở khu vực quận 10, Thành Phố Hồ Chí Minh thì Trần Văn Phước được xem như “có số” bởi lẽ cuộc đời gã đã có quá nhiều tiền án, tiền sự. Tính gã ngang tàng, nhưng lại bất chấp tất cả để phục vụ cái sự ngông nghênh của mình.

Quá nửa đời rồi, nhưng gã vẫn chứng nào tật ấy, không chịu đến với người đàn bà nào một cách thật lòng. Ai về ở chung được dăm bữa nửa tháng thì họ cũng phải dứt áo ra đi vì Phước rất hung hãn khiến họ khiếp sợ. Cách ngày diễn ra vụ án không lâu, hắn về sống chung với một người đàn bà bán bún ở khu vực đường 3/2, quận 10. Phần vì quá lứa lỡ thì, phần khao khát tình cảm nên người phụ nữ đó cũng nhắm mắt làm liều để… rước lão về sống cùng.


Đời buồn của gã độc thân cướp mạng “tình địch”
Chỉ vì ghen tức mà Phước đã cướp mạng “tình địch”

Không biết vì phải mang ơn hay do tính cách người phụ nữ đó mà  thời gian đầu Phước gần như đã tốt tính lên nhiều. Lão chăm chỉ, chí thú làm ăn hơn. Hàng ngày lão vẫn giúp “vợ” dọn hàng ra buổi sáng và phụ vợ bán bún. Tối đến, Phước lại ra dọn dẹp giúp “vợ” để cùng về nhà sống trong hạnh phúc.

Thế nhưng chỉ được một thời gian thì lão bắt đầu nghi ngờ “vợ” mình có tính lăng nhăng với những người đàn ông khác. Uất ức nhưng không dám nói ra vì phần đang phải ở nhờ “vợ”, phần vì chưa “bắt tận tay day tận mặt” nên Phước đành câm nín âm thầm theo dõi.

Cơn ghen tức trong người của Phước bùng lên cao độ khi vào khoảng 22h ngày 3/01/2011, lúc đó Phước ra nơi “vợ” bán để giúp “vợ” dọn hàng về nghỉ , nhưng khi tới nơi, Phước thấy vợ mình đang uống bia với một người đàn ông khác nhà gần đó nên ghen tức bừng bừng.

Phước yêu cầu người đàn ông đừng rủ vợ mình uống bia nữa, nhưng người đàn ông đó vẫn không chịu về mà tiếp tục ngồi uống bia và nói chuyện với vợ Phước, đồng thời tỏ ra coi thường Phước. Hai bên xảy ra cãi vã rồi đánh lộn gây thương tích cho nhau. Phước bị người đàn ông đó đấm rách mí mắt chảy máu, ngược lại Phước cũng làm cho tình địch phải rách trán.

Được mọi người can ngăn nên sau đó ai về nhà nấy. Người đàn ông đó về nhà mình, còn Phước gọi cho người cháu đến đưa đi bệnh viện khâu vết thương. Đến khoảng 0h20 ngày 4/01/2013, cháu của Phước đến chở Phước đi , nhưng vì còn ấm ức trong người nên Phước nghĩ phải cho “ tình địch” một bài học.

Một phút "anh hùng", cả đời “bóc lịch” trong trại giam     

Phước nói người cháu chở mình vào nhà của người đàn ông đó để tính sổ, nhưng do thấy cửa đóng, tắt đèn nên Phước lại đi ra. Tuy nhiên khi ra ngoài ngõ, Phước lại càng tức tối hơn nên đã tự đi bộ vào nhà người đàn ông này một lần nữa. Trên đường vào, Phước nhặt một vỏ chai nước ngọt bằng thủy tinh cầm trên tay. Khi vào tới nơi, Phước dùng chai gõ vào cổng căn nhà đồng thời gọi tên người đàn ông đó “T ơi, mày quá đáng lắm nghe mày”.

Người đàn ông tên T cũng không phải vừa nên khi nghe tình địch gọi đã  dậy bật điện, lấy thanh gỗ vuông và dài lăm lăm trên tay đi ra mở cửa để… nghênh đón “tình địch”. Vừa thấy Phước, T đã dùng gậy gỗ cầm hai tay và phang thẳng từ trên xuống đầu Phước. Nhanh tay, Phước đã đưa chai lên đỡ khiến chai bể làm đôi và gậy đi chệch hướng. Lúc này cơn ghen tức trong người Phước dâng cao tột độ,  Phước xông vào dùng phần vỏ chai vừa bể đâm thẳng vào mặt của T.

Cú đâm chí mạng đó đã trúng vào chỗ hiểm là vùng gáy, xuyên luôn qua hàm khiến T gục ngã và chết ngay sau đó do mất máu cấp.  Về phần mình, Phước vẫn bình thản đi khâu vết thường rồi sau đó đến công an đầu thú.

Với hành vi phạm tội nêu trên, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử Phước mức án từ 18 đến 20 năm về tội giết người. Tuy nhiên xét tính chất nguy hiểm của vụ án và Phước có nhân thân xấu nên HĐXX đã tuyên phạt Phước mức án chung thân, đồng thời tuyên buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 116 triệu đồng và phụ cấp nuôi dưỡng cho hai con (T không đăng ký kết hôn, nhưng có hai con với một người phụ nữ) đến tuổi trưởng thành. Sau đó Phước kháng cáo bản án xin giảm nhẹ hình phạt. Vừa qua, TANDTC đã tuyên bác kháng cáo và giữ y án sơ thẩm với bị cáo Phước.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Phước đã cúi đầu khai nhận mọi hành vi tội lỗi của mình, đồng thời lão cũng thốt lên được câu cửa miệng “Bị cáo biết lỗi rồi, xin gia đình bị hại thứ lỗi cho bị cáo”.

Giờ nghị án, lão vẫn bình thản nhìn quanh khán phòng, nhưng không phải lão ngóng đợi người thân như nhiều bị cáo khác, bởi lẽ lão đâu có người nào thân thích vì cái tính của lão khiến người ta phải tránh xa lão. Thế rồi lão bắt đầu quay qua để trò chuyện rôm rả với một bị cáo khác ngồi gần cạnh. .

Kết thúc phiên tòa, mặt lão bắt đầu đổi sắc và toát lên một nỗi buồn mơ hồ nào đó. Có lẽ lão đang chạnh lòng cho cái số kiếp của mình, cái số kiếp lận đận đã gần tuổi ngũ tuần mà vẫn cô đơn không vợ không con. Và cái cô đơn đáng sợ hơn chính là cả cuộc đời lão giờ đây lại phải ngồi trong nhà đá…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại