Sốc: Vay trả góp 28 triệu mua Airblade phải trả lãi 25 triệu đồng

Mua xe Airblade 36 triệu đồng, khách hàng phải trả gần 65 triệu do lãi suất trả góp là gần 65%/năm.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho biết tình trạng khiếu nại liên quan đến Hợp đồng mẫu và Điều kiện giao dịch chung ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nở rộ nhất trong hoạt động kinh doanh cho thuê tài chính qua hình thức cho vay tiêu dùng, mua hàng trả góp. Nguyên nhân là khi thực hiện giao dịch bằng Hợp đồng mẫu, người tiêu dùng không được giải thích rõ.

Một khách hàng vừa khiếu nại đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng câu chuyện mình mua chiếc xe máy Airblade với giá 36.000.000 đồng nhưng tổng số tiền phải trả lên đến 64.907.000 đồng, do mua xe trả góp vay vốn qua công ty tài chính.

Sốc: Vay trả góp 28 triệu mua Airblade phải trả lãi 25 triệu
 

Theo giải thích của người vay và công ty tài chính PPF (đơn vị cho vay), với số tiền mua xe 36.000.000 đồng, khách hàng phải trả trước cho cửa hàng bán xe 10.980.000 đồng, số tiền còn lại là 25.080.000 đồng vay qua công ty tài chính PPF và trả góp hàng tháng. Nhưng do phải mua bảo hiểm cho khoản vay này 2.615.000 đồng nữa nên tổng số tiền vay là 28.235.000 đồng.

Thời hạn vay trong 24 tháng, mỗi tháng trả góp 2.138.000 đồng, do lãi suất được tính tới 5,4%/tháng, tương đương 64,8%/năm; chưa kể bị phạt 150.000 đồng mỗi tháng nếu đóng tiền trễ 4 ngày trở lên. Tính ra tổng số tiền vay cả vốn lẫn lãi để mua xe Airblade trong 24 tháng lên tới 64.907.000 đồng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người tiêu dùng khiếu nại công ty tài chính liên quan đến việc vay vốn mua hàng trả góp phải trả lãi cao. Bà Việt Thu cho rằng, việc vay tiền là do người tiêu dùng và công ty tài chính thỏa thuận. Vấn đề là người tiêu dùng không được giải thích, không hiểu về những điều kiện giao dịch do công ty tài chính đưa ra mà chỉ biết đặt bút ký tên vào Hợp đồng mẫu.

Tại buổi tổng kết 2 năm thực thi Luật bảo vệ người tiêu dùng ngày 11/7, Ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục quản lý cạnh tranh- Bộ Công thương), cho biết trong 2 năm luật đi vào cuộc sống (2011-2012), mỗi năm cả nước có khoảng 550 vụ khiếu nại liên quan đến tiêu dùng gửi đến các Sở Công thương cùng khoảng 60 vụ gửi thẳng đến Cục quản lý cạnh tranh. Nhóm ngành bị khiếu nại nhiều nhất (qua thống kê của hệ thống tiếp nhận phản ánh bằng điện thoại) là hàng hóa, dịch vụ hàng ngày, nhiều nhất là sữa, bánh kẹo… chiếm 30%, tiếp đến là đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng chiếm 24%. Nhóm ngành bất động sản, trong đó kiện cáo về mua bán căn hộ chung cư đang có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ lệ 13%.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại