‘Vợ kêu con khóc’, nợ đầm đìa vì dự án nghìn tỷ

Nhà máy thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) bị đình trệ gần 3 năm qua đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng. Hàng trăm công nhân thất nghiệp, nhà máy sản xuất nguồn nguyên liệu cũng buộc phải dừng lại, nợ nần đầm đìa, luôn phải đối mặt với kiện tụng.

Nợ như chúa chổm

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu sẵn có phục vụ nhà máy thép khi đi vào hoạt động, năm 2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho Cty CP gang thép Hà Tĩnh xây dựng nhà máy tuyển quặng sắt đặt tại huyện Vũ Quang, trực thuộc Cty Sắt Vũ Quang.

‘Vợ kêu con khóc’, nợ đầm đìa vì dự án nghìn tỷ
Cũng như nhà máy thép nghìn tỷ bỏ hoang, tại Cty sắt Vũ Quang, khung cảnh đìu hiu, ảm đạm hiện hữu mấy năm nay.

Sau 1 năm thi công, đến 5/2009, nhà máy đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 158 tỷ đồng.

Nhưng rồi, việc nhà máy thép Vạn Lợi bị đình trệ từ cuối năm 2010 cũng đã khiến Cty Sắt Vũ Quang “chết theo”.

Sang năm 2011, nhà máy chính thức ngừng hoạt động vì sản phẩm sản xuất ra không bán được, thiếu vốn lưu động, nợ đọng ngày càng tăng nên phải tạm đóng cửa.

Theo báo cáo của Cty Sắt VQ, thì từ lúc đi vào hoạt động cũng là lúc Cty luôn phải đối mặt với những khoản nợ lớn không có khả năng thanh toán. Tính đến tháng 5/2013, số nợ ngân hàng, nợ khách hàng, lương công nhân, BHXH, thuế lên tới gần 200 tỷ.

Một lãnh đạo Cty cho biết, nợ nần đầm đìa nhưng Cty không biết nhìn vào đâu. Dự án thép thì không biết đến bao giờ mới hoạt động, trong lúc sản xuất ra không tiêu thụ được. Cty luôn phải đối mặt với các vụ kiện vì nợ quá nhiều.

“Vợ kêu con khóc” vì thất nghiệp

Toàn cảnh Cty Sắt Vũ Quang những năm qua và cho đến hiện nay cũng im ắng chẳng khác gì sự hoang hóa của nhà máy thép.

Năm đầu mới ra đời, Cty đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 170 lao động.

Nhưng rồi không khí làm việc hừng hực đã dần biết mất, thay vào đó là khung cảnh đìu hiu, từng đống quặng hàng vạn tấn nằm phơi sương, máy móc thiết bị “đắp chiếu” vì không có việc.

‘Vợ kêu con khóc’, nợ đầm đìa vì dự án nghìn tỷ
Công nhân Võ Đăng Long và Lê Trọng Thái buồn rầu khi cảnh tình thất nghiệp vẫn đeo bám, lương bị nợ quá hạn do không có việc.

Anh Võ Đăng Long (SN 1976, quê Can Lộc) cho biết, theo lời kêu gọi của Cty, năm 2007 anh chuyển từ Cty khoáng sản thương mại để lên đây làm việc. Ban thời gian đầu còn có việc để làm nhưng rồi sang năm 2011 thì nhà máy phải dừng hoạt động, anh cùng hơn 170 công nhân, cán bộ phải thất nghiệp.

“Cty đang còn nợ tôi gần 100 triệu tiền lương mà chưa biết khi nào nhận được. Giờ cuộc sống gia đình, ăn học của 2 con phải trông chờ vào mấy sào ruộng vợ làm, tôi cũng ăn bám vợ. Nhiều lúc vợ than phiền vì thất nghiệp nhưng tôi chẳng biết làm sao”, anh Long tâm sự.

Không riêng gì người công nhân này, mà hơn 170 lao động trong toàn công ty phải chịu cảnh cơ cực khi không có việc làm, lương bị nợ.

“Kể từ khi vào hoạt động đến nay, đây là lần thứ 3 chúng tôi không có việc”, một công nhân nói.

Còn công nhân Lê Trọng Thái (quê Lộc Hà) thì nói, cứ mỗi lần không có việc thì phải về quê, tự kiếm việc để làm thuê chứ không dám bỏ đi xa vì vẫn mong ngày trở lại Cty làm việc, còn vấn đề lương, bảo hiểm trước đó.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo lãnh đạo Cty sắt Vũ Quang, năm 2011 tỉnh có cho phép Cty bán quặng để giải quyết khó khăn, tuy nhiên không tìm được đối tác.

Mãi đến tháng 4/2013, khi bán được lô hàng 4500 tấn quặng cho 1 DN, Cty đã kêu gọi gần 100 công nhân trở lại làm việc với bao nhiêu hy vọng.

‘Vợ kêu con khóc’, nợ đầm đìa vì dự án nghìn tỷ
Trát đòi nợ thuế chất đống. Cty luôn phải đối diện với những vụ kiện tụng liên quan đến nợ...

Thế nhưng việc bán quặng này đã vấp phải sự phản đối của UBND tỉnh, buộc Cty phải bốc dỡ quặng lên bờ khi đã mua đứt bán đoạn, tiền đã bị ngân hàng lấy.

Mặc dù tàu quặng đã trở ra Quảng Ninh tuy nhiên chỉ đạo bốc dỡ quặng (Cty phải mua lại) của tỉnh vẫn còn nguyên, trong lúc Cty đang ở tình thế “bất khả kháng”.

Hiện một bộ phận công nhân vẫn đang khai thác, tuy nhiên với cơ chế này, khi mà tỉnh không cho bán quặng tồn kho, dự án nhà máy thép ngưng trệ, không biết Cty sẽ đi về đâu, công nhân lại thất nghiệp toàn phần.

“Chúng tôi tha thiết mong các cấp quản lý tạo điều kiện để cho Cty ổn định trở lại, có cơ chế xuất bán, công nhân có việc làm cầm chừng mới mong dẫn thu hồi vốn để trả nợ, lao động khỏi bỏ đi nơi khác”, vị lãnh đạo này tha thiết nói.

Trong vản bản trích ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh ngày 18/5/2013 có nói, việc Cty bán quặng ra ngoài là vi phạm mục tiêu ban đầu của dự án, yêu cầu Cty phải bốc dỡ lại. Việc nhà máy này ra đời là để phục vụ nguồn nguyên liệu cho dự án thép Vạn Lợi.

Cái gọi là “mục tiêu dự án” chưa biết bao giờ lộ diện. Hàng vạn tấn quặng công nhân đổ mồ hôi sản xuất ra phải nằm yên để đợi ngày bán. Trong lúc đó dự án thép này đã ngưng trệ 3 năm nay, và trong các văn bản của tỉnh cũng đã có tính đến phương án chấm dứt dự án, rút giấy phép.

Và rồi không biết hàng trăm công nhân với hơn 2 tỷ đồng tiền lương, hơn 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm, không biết rồi sẽ đi về đâu?

Được biết, không chỉ công nhân Cty sắt Vũ Quang chịu khổ vì dự án này, mà hiện đang có hơn 100 công nhân được đưa đi đào tạo để về phục vụ nhà máy này cũng chịu chung cảnh ngộ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại