Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012, công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chi thưởng cho ban lãnh đạo gồm HĐQT và ban kiểm soát khoảng 1,6 tỷ đồng. So với năm ngoái, cả kế hoạch chi thưởng và kết quả kinh doanh của HAG đều giảm mạnh, với mức lãi ròng giảm khoảng 70%.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Trọng Sơn, cho biết số tiền 1,6 tỷ là phần thưởng cho ban điều hành dựa trên kết quả kinh doanh, tương đương khoảng 0,4% lợi nhuận ròng, và nằm ngoài tiền lương cố định mà bầu Đức được nhận.
Thực tế, mức lương cứng mà ông chủ Hoàng Anh Gia Lai ký hợp đồng với công ty này để giữ vị trí chủ tịch HĐQT là 240 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,88 tỷ đồng mỗi năm. Bầu Đức từng chia sẻ, bản thân hài lòng với mức lương này, nhưng đây chỉ là thu nhập tượng trưng, không nhận không được.
Khác với HAG, công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lại trả thưởng dựa trên mức vượt kế hoạch kinh doanh. Theo nghị quyết HĐQT, ban lãnh đạo của REE được thưởng 30% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch, tương ứng với mức 19,44 tỷ đồng.
Tính chung cả lương của ban điều hành và tổng giám đốc, riêng trong năm 2012, REE đã phải chi khoảng 23 tỷ đồng để trả lương, thưởng. Con số này cao hơn hẳn so với mức sếp REE được nhận vào năm 2011. Khi đó, tỷ lệ thưởng của REE chỉ là 20%, với giá trị chỉ gần 5 tỷ đồng.
Cũng nhận mức thưởng hàng tỷ đồng là CEO của Vinacafe Biên Hòa (VCF). Theo đó, ngoài mức lương khoảng 1,5 tỷ dồng/năm và nhận cổ tức 566 triệu đồng, ông Phạm Quang Vũ còn được nhận 1 tỷ đồng tiền phụ cấp và thưởng. Với thu nhập hơn 3 tỷ đồng, Chủ tịch kiêm CEO của VCF là một trong những lãnh đạo hưởng lương cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Giống như REE, HAG và VCF, hàng loạt công ty khác cũng áp dụng mức lương, thưởng theo kết quả hoạt động, với yêu cầu “có lãi thì mới có thù lao, thưởng”. Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn mới đây đã bỏ điều khoản hạn chế tiền thưởng ban điều hành.
Theo đó, việc trích thưởng sẽ do HĐQT quyết định, dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, thay vì áp mức tối đa 500 triệu đồng như trong báo cáo thường niên công bố trước đó.
Ngược lại, một số doanh nghiệp thậm chí cắt thù lao của ban điều hành do kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong nửa đầu năm 2012, HĐQT và ban kiểm soát của công ty cổ phần chứng khoán Sacombank (SBS) nhận lương hơn 1,2 tỷ đồng nhưng đến 6 tháng cuối năm, sếp của công ty này không được nhận bất cứ thù lao nào.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn chịu chi cả tỷ đồng lương, thưởng cho ban lãnh đạo dù kết quả kinh doanh không khởi sắc, thậm chí thua lỗ. Năm 2012, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) trả lương cho CEO ở mức 322 triệu đồng/tháng, tương đương với thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm, trong khi lãi cả năm của doanh nghiệp chỉ ở mức 33 tỷ đồng, bằng một nửa kế hoạch đề ra.
Công ty chứng khoán Saigon Tourist cũng chi lương cho ban quản lý hơn 1,34 tỷ đồng doanh nghiệp này lỗ trên 15 tỷ đồng năm 2012. Trước đó, năm 2011, công ty này trả cho HĐQT, ban giám đốc 2,11 tỷ đồng thù lao, và đạt mức lợi nhuận sau thuế là 38 tỷ đồng.