Người Việt và sự hao tốn triệu đô

Người Việt Nam đa số vẫn còn nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng lại lãng phí đủ mọi thứ: từ đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng trong gia đình đến tiêu dùng điện.

Vô tư lãng phí

Theo tính toán, mức lãng phí điện năng của Việt Nam cao gấp 1,5-6 lần so với thế giới, còn tổng hợp của Bộ Công Thương cho thấy mức lãng phí của điện của ta rất cao, từ 10-50%. Hiện tượng lãng phí trong sử dụng điện có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, từ hộ gia đình cho đến các cơ quan và DN.

Tại một hộ gia đình ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), nhà có 5 người gồm 2 ông bà già nghỉ hưu, 2 vợ chồng trẻ và 1 đứa cháu. Các thiết bị điện trong gia đình có tivi, bình nước nóng, phích nước nóng sử dụng điện, nồi cơm điện, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, bàn là, quạt, đèn thắp sáng... Nấu ăn sử dụng gas. Vợ chồng trẻ đi làm, cháu đi học mẫu giáo, cả ngày chỉ có 2 ông bà ở nhà, hóa đơn tiền điện hàng tháng đều vượt 1 triệu đồng. Mặc dù luôn than phiền rằng tiền điện sao cao thế nhưng sử dụng thì vẫn vô tư... lãng phí.

Chẳng hạn, vào mùa đông bình nước nóng, phích nước nóng, để mức nhiệt độ cao nhất, cắm điện cả ngày; mùa hè điều hòa chạy liên tục, phòng nào điện cũng bật sáng trưng chỉ trừ lúc đi ngủ, ra khỏi phòng không tắt bất cứ thiết bị nào. Chính thói quen sử dụng này đã gây lãng phí một lượng điện năng lớn, cuối tháng lại mất khoản tiền to.

{keywords}
Đèn đường bật sáng trưng khi trời còn sáng - hình ảnh thường thấy trên các con phố ở Thủ đô

Ngay bên cạnh là một gia đình cũng có 5 người, gồm 3 người lớn, 2 trẻ em, cũng có đủ bình nước nóng, phích nóng, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt, bàn là và còn sử dụng bếp điện để nấu ăn hàng ngày, vậy mà hóa đơn tiền điện tháng cao nhất cũng chỉ hết 700.000 đồng, còn bình thường khoảng trên dưới 600.000 đồng. Hỏi vì sao dùng hết ít vậy, chủ nhà tiết lộ là do thói quen sử dụng điện

Vào mùa lạnh, bình nước nóng chỉ bật trước khi sử dụng 15 phút, khi đủ nhiệt là tắt ngay; phích nước nóng cũng vậy, đun sôi là ngắt nguồn; máy lạnh chỉ chạy khi đi ngủ; cả nhà từ trẻ em đã có thói quen ra khỏi phòng là tắt đèn, tắt quạt; cần ánh sáng thì bật 2 đèn trong phòng, học bài xong không làm gì, chỉ xem ti vi thì dùng 1 đèn.

Chủ nhà - vốn là người đã từng sống ở nước ngoài - cho hay, ở các nước, người dân rất có ý thức tiết kiệm điện bởi năng lượng là sản phẩm ngày càng khan hiếm và chi phí càng đắt đỏ. Buổi tối cả gia đình không làm gì, chỉ ngồi nói chuyện, kể cả có khách đến chơi cũng chỉ thắp 1 ngọn đèn nhỏ vừa đủ chứ không như ta.

Anh cũng cho biết, ở ta, có nhiều nhà 4-5 tầng, tối phòng nào cũng bật đèn sáng trưng. Hỏi sao không tắt bớt đi thì chủ nhà nói sáng thế quen rồi; vả lại nhà rộng, người ít nên trẻ nhỏ, phụ nữ thường sợ ma, phải bật tất cả đèn lên cho sáng, mấy đồng tiền điện ăn thua gì với một bữa nhậu.

Không chỉ vậy, nhiều nhà dân tại các thành phố, dù chất lượng điện rất ổn định nhưng vẫn sử dụng ổn áp với suy nghĩ nhằm bảo vệ thiết bị điện trong nhà. Thói quen và suy nghĩ sai lầm đó đã gây ra tổn thất lớn khi dòng điện qua ổn áp, theo tính toán sẽ tiêu hao thêm từ 10-15% công suất và gây ra lãng phí điện một cách vô ích.

Nhiều hàng quán trên phố cũng thi nhau thắp sáng để thu hút khách. Tại nhiều con phố ở Hà Nội, chỉ mới 3h chiều, các hàng quán đã đua nhau đốt điện thắp sáng gian hàng, với cả chục bóng đèn treo trước lề đường trong buổi chiều nắng nóng; hay biển hiệu quảng cáo đèn sáng choang cả đêm là chuyện thường ngày.

{keywords}
Tiết kiệm mỗi KWh điện trong các giờ cao điểm sẽ làm lợi cho đất nước từ 600 đến 1.000 USD

Tắt một bóng đèn cũng quý

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có tỉ lệ điện dùng cho ánh sáng sinh hoạt chiếm tỉ lệ 41,7%, cao hơn nhiều so với các nước, chẳng hạn như Hàn Quốc là 14,4%, Đài Loan 21,7%, Thái Lan 22%... Điện dùng cho sinh hoạt cao là yếu tố chính gây mất cân đối của hệ thống điện trong giờ cao điểm, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư hệ thống điện.

Nhiều người vẫn có suy nghĩ tắt đi một bóng đèn, một tấm biển quảng cáo hay chiếc quạt cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Tuy nhiên, theo các tính toán, chỉ cần tắt một bóng đèn, rút các thiết bị điện khi không sử dụng, hay dùng các thiết bị trong gia đình đúng cách có thể tiết kiệm điện từ 10 - 15% hàng tháng.

Tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm chi tiêu hàng tháng, mà còn có những lợi ích to lớn khác. Tiết kiệm điện luôn được coi là một giải pháp đem lại hiệu quả cao, nhất là trong hoàn cảnh nguồn cung còn thiếu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1KWh điện tiết kiệm khác với 1KWh sản xuất ở chỗ nó không gây ô nhiễm môi trường, giảm tổn hao do truyền tải và phân phối điện.

Việc tiết kiệm mỗi KWh điện trong các giờ cao điểm sẽ làm lợi cho đất nước từ 600 đến 1.000 USD do không phải đầu tư xây dựng những nhà máy điện mới. Nếu tính tổng công suất điện của Việt Nam hiện nay vào khoảng 30.000 MW, chỉ cần tiết kiệm được 1% điện năng/năm thì tương đương với việc đầu tư một nhà máy điện công suất 300 MW. Tính bình quân chi phí đầu tư 1 MW điện là 1 triệu USD thì số tiền tiết kiệm tương đương 300 triệu USD. Như vậy có thể nói việc tiết kiệm điện càng nhiều thì hiệu quả càng lớn.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điện cung cấp cho mùa khô năm 2014 tới đây sẽ rất khó khăn, việc lãng phí điện như hiện nay sẽ càng làm tăng nguy cơ thiếu điện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại