LTS: Kết quả khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" vừa được GfK công bố khẳng định có... 8% người dùng phản đối tăng giá cước 3G, như vậy 92% còn lại là đồng ý.
Dã có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với kết quả này. Một trong những ý kiến đó là của tác giả Anomie Hà. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ bài viết. Mời độc giả cùng theo dõi:
Lỗi nghiệp vụ sơ đẳng của điều tra xã hội
Câu hỏi của GFK: "Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?".
Các phương án trả lời GFK đưa ra cho người được hỏi lựa chọn:
1. Không chấp nhận tăng giá.
2. Dưới 5%.
3. Từ 5 - dưới 10%.
4. Từ 10 - dưới 20%.
5. Từ 20 - dưới 30%.
6. Từ 30 - dưới 50%.
7. Từ 50% trở lên.
Hỏi như vậy là đã loại trừ tình huống "không tăng giá", từ đó đặt người được hỏi vào tình huống "chắc chắn sẽ tăng giá", "không có chuyện không tăng giá".
Và trạng thái phản ứng "không thể không đồng ý với việc tăng giá", "đằng nào cũng chịu thiệt nhưng vẫn còn quyền tỏ thái độ trước việc tăng giá chắc chắn sẽ diễn ra".
Hỏi như vậy thì không cần có phương án trả lời "không đồng ý tăng giá" vì tình huống "không tăng giá" đã bị loại trừ ở câu hỏi. Phương án trả lời này là thừa đối với câu hỏi như trên. Đưa phương án này vào câu hỏi như trên là không khách quan.
Mấy ai đi phản đối một việc chắc chắn sẽ diễn ra, một việc nằm ngoài quyền kiểm soát của mình? Chỉ có những người rất bức xúc mới tỏ ý phản đối một chủ trương mà họ biết dù họ có phản đối thì chủ trương đó vẫn sẽ được ban hành.
Còn lại tâm lý số đông thường là chấp nhận theo kiểu chuyện đã rồi, nhưng đỡ được phần nào hay phần đấy.
Thế nên với 8% người được hỏi đã trả lời phản đối việc nhà mạng tăng giá cước 3G thì con số 8% là con số rất lớn.
Bởi cứ 100 người được hỏi thì có tới 8 người sẽ "bất-chấp-tất-cả để phản-đối-đến-cùng" việc tăng giá cước 3G của nhà mạng.
8 người này dù bị đặt vào thế tăng cước là "chuyện không thể khác" thì trong thâm tâm họ, đây vẫn là "chuyện-không-thể-chấp-nhận-được!"
Ở góc độ khác, câu hỏi của GFK là câu hỏi định lượng nên các phương án trả lời cũng phải mang tính định lượng và được lượng hoá bởi một đơn vị đo lường thống nhất. Cụ thể ở đây, GFK đã chọn đơn vị đo lường là "tỉ lệ tăng giá" (% tăng giá).
Tuy nhiên, trong 7 phương án trả lời của GFK, có 6 phương án cùng được đo bằng "% tăng giá", riêng phương án thứ nhất ("Không chấp nhận tăng giá") lại không tuân theo đơn vị đo này.
Đối với điều tra Xã hội học, đây là lỗi nghiệp vụ sơ đẳng trong việc lập bảng hỏi mà một sinh viên bình thường cũng khó phạm phải.
Vì thế khi chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà kia" xảy ra ở bảng hỏi của GFK, một đơn vị khảo sát thị trường chuyên nghiệp, dư luận có quyền nghi ngờ về động cơ dẫn tới cái sai của GFK.
Đến câu hỏi cô gái bị sàm sỡ
Còn ở góc độ tiếu lâm, dựa trên cách hỏi của GFK, có thể đưa ra câu hỏi giả tưởng khác như sau để hỏi một cô gái xinh đẹp nhưng yếu ớt:
"Giả sử thằng kia nó trói em lại để sàm sỡ em thì em chấp nhận cho nó sàm sỡ trong bao nhiêu phút?
1. Em không chấp nhận cho nó sàm sỡ
2. Dưới 5 phút.
3. Từ 5 - dưới 10 phút.
4. Từ 10 - dưới 20 phút.
5. Từ 20 - dưới 30 phút.
6. Từ 30 - dưới 50 phút.
7. Từ 50 phút trở lên."
Nếu ai đặt ra câu hỏi này một cách nghiêm túc (không phải tiếu lâm), hẳn là người đó sẽ bị "ném đá" chảy máu miệng vì: Sao mà hỏi ngu thế? Bị trói rồi thì không chấp nhận liệu có được không? Bị trói rồi thì còn quyền đồng ý bao nhiêu phút không?...
Chiều 23/4, Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam công bố kết quả khảo sát “Nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014”.
Khảo sát này do báo Bưu Điện Việt Nam và GfK tổ chức thực hiện với 576 người ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Theo kết quả khảo sát, chỉ có 8% không chấp nhận tăng giá, 82% vẫn duy trì dịch vụ nếu mức tăng dưới 5%. Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người tiêu dùng sẽ đổi qua nhà cung cấp khác.
Như vậy, 92% người dùng "đồng ý" với giả định nhà mạng sẽ tăng cước 3G do GfK đưa ra.
Phát biểu trước báo giới về kết quả khảo sát của GfK, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đồng tình rằng, việc hãng nghiên cứu khảo sát ở 3 Thành phố lớn chưa đại diện cho tất cả vùng miền khác.
Còn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, hiện nay chúng ta có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao cố định, 130 thuê bao di động.
Chính vì vậy, việc chỉ tiến hành khảo sát với hơn 500 người sử dụng dịch vụ 3G là rất nhỏ so với tổng số, nên kết quả sẽ không được chính xác.