>>> Vinaphone lại bị người dùng tố ‘gian lận’ cước
Smartphone là “thủ phạm” tăng phí khủng?
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (số nhà 48 Bờ Vi,TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã khiếu nại lên VinaPhone khi nhận được thông báo thanh toán cước viễn thông của 2 kỳ cước (tháng 11.2013 và tháng 1.2014) với số tiền lên tới trên 1,5 triệu đồng.
Điều đặc biệt, trong bảng kê của chị cho thấy: Chị đã sử dụng 24/24, từ 00 giờ đến 23 giờ và liên tục trong suốt 30 ngày của tháng, đồng nghĩa với việc chị sử dụng điện thoại, truy cập mạng không ngừng nghỉ, suốt ngày, suốt đêm.
Theo lý giải của phía nhà mạng thì khách hàng đã sử dụng máy có phần mềm smartphone, sau mỗi lần truy cập giữ liệu khách hàng quên không tắt 3G nên đã đẩy cước phí phát sinh tăng vọt. Điều này dấy lên sự lo ngại của không ít khách hàng sử dụng điện thoại di động thông minh hiện nay.
Tuy nhiên, khi trao đổi với các nhà mạng, “thủ phạm” làm tăng phí khủng của khách hàng lại chính là sự hiện đại của smartphone và thói quen bất cẩn của người dùng.
Bởi tính năng kết nối của smartphone luôn là "con dao hai lưỡi", có thể làm tăng tiền hóa đơn điện thoại hàng tháng vì dù không có nhu cầu, thiết bị vẫn âm thầm kết nối qua sóng GPRS và 3G.
Tính năng kết nối của smartphone luôn là "con dao hai lưỡi", có thể làm tăng tiền hóa đơn điện thoại hàng tháng vì dù không có nhu cầu, thiết bị vẫn âm thầm kết nối qua sóng GPRS và 3G. (Ảnh minh họa)
Trước đó, đã có không ít người người phàn nàn từ khi chuyển sang dùng điện thoại thông minh, số tiền đóng cho nhà mạng bỗng dưng tăng bất thường trong khi nhu cầu và tần suất sử dụng không khác so với các tháng trước. Nguyên nhân, lý do chính cho việc tăng phí bất ngờ chính là cước dữ liệu truy cập mạng GPRS/3G.
“Điểm mạnh nhưng cũng là điểm hao tiền của smartphone là máy có nhiều chương trình và dịch vụ luôn cố gắng kết nối Internet để tải dữ liệu lên/xuống như e-mail, danh bạ (đồng bộ hóa với hệ thống), dịch vụ định vị… Nếu không để ý, máy sẽ sử dụng kết nối GPRS/3G có sẵn để tải dữ liệu một cách đều đặn. Những chương trình chạy ngầm này rất khó quản lý đối với người dùng thông thường và cách giải quyết tốt nhất mà các nhà mạng chúng tôi vẫn thường xuyên khuyến cáo với khách hàng đó là ngắt GPRS/3G khi không sử dụng hoặc không cần thiết” – đại diện một nhà mạng lớn tại Việt Nam lưu ý.
Mất tiền oan vì thiếu hiểu biết
Ngoài ra, trong rất nhiều trường hợp, các khách hàng mất tiền oan chỉ vì chưa biết đăng ký sử dụng gói cước 3G đúng với mức sử dụng của bản thân.
Trong trường hợp của chị Hiền ở trên, chị sử dụng gói M0 được tính với giá là 75đồng/50Kb. Chị đặt dấu hỏi về cách tính cước “lạ lùng” của VinaPhone bởi cùng 1 ngày, cùng 1 thời điểm gọi (trùng giờ, trùng phút, trùng giây) mà hồ sơ tính cước của VinaPhone lại tính cho chị Hiền 2 - 3 lần tiền cước truy cập dữ liệu. Đơn cử như ngày 11.12.2013, vào lúc 10 giờ 17 phút 40 giây, hồ sơ tính cước thể hiện chị Hiền truy cập giữ liệu hết 2174 Kb, tiền cước hết 3.000,008 đồng; lặp lại lần 2, cũng ngày, giờ, phút, giây nói trên hệ thống tính cước ghi thêm thời gian truy cập là 40Kb với tiền cước là 68,182 đồng; và lặp lại lần 3 – cũng ngày, giờ, phút, giây ấy, hệ thống tính cước ghi thêm thời gian truy cập là 142Kb, với số tiền cước là 204,246 đồng.
“Tôi nghĩ cách tính cước này không sai, nó cũng giống như cách tính cước cuộc gọi theo block. Dù chị Hiền chỉ vào mạng khoảng 5 giây cũng phải trả số tiền 75 đồng giống như khi chị dùng hết 50Kb. Vượt quá dung lượng 50Kb cho phép, chị sẽ phải trả tiếp 75 đồng tiếp theo” – một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này thì vấn đề ở đây nằm ở cách tư vấn không đúng của VinaPhone dành cho khách hàng. Bởi gói MO, chỉ dùng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng 1 lần, sau đó hủy, còn đối với người dùng nhiều và ngày nào cũng dùng thì không bao giờ nên tư vấn cho họ dùng MO vì gói này chỉ được 50Kb dữ liệu.
“Nếu dùng gói M0 mà ngày nào cũng sử dụng internet thì tiền triệu là chính xác” – vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Trong quá khứ, một du khách Đức đã nhận hóa đơn 46.000 euro (gần 1,2 tỉ đồng) sau khi xem chương trình truyền hình qua điện thoại di động trong lúc ở Pháp, một sinh viên Anh cũng bị tính tới 9.000 euro cho một tháng dùng điện thoại di động để tải tài liệu khi đang học ở nước ngoài.
Để ngăn chặn tình trạng trên, EU đã ra quy định buộc các mạng di động phải áp dụng giới hạn cước sử dụng internet qua điện thoại di động trong các nước thành viên.
Theo đó, khách hàng phải đăng ký mức cước truy cập internet tối đa trong một tháng và những người không đăng ký được chỉ định sử dụng gói cước tối đa là 50 euro mỗi tháng.
Tại Việt Nam, sự cố bị thông báo giá cước khiến người dùng di động hoảng hốt đã không còn là chuyện hiếm. Các nhà mạng khuyên: Với mức sử dụng thường xuyên như chị Hiền, nên đăng ký gói không giới hạn như Dmax (của Viettel), M120 (của Mobifone), Max100 (của VinaPhone) sẽ chỉ phải trả từ 100-120.000đ/tháng và sẽ được sử dụng từ 1,2-1,5 GB lưu lượng tốc độ cao miễn phí.
Thêm vào đó, theo lời nhắc nhở của các chuyên gia trong ngành viễn thông: Để tiết kiệm và tránh hiện tượng mất tiền cước 3G không rõ lý do, người dùng nên đăng ký một gói cước 3G cụ thể (theo tuần, tháng hoặc trọn gói) tùy theo nhu cầu sử dụng. Nên đăng ký các gói cước trọn gói, không giới hạn dung lượng của nhà mạng, thường xuyên kiểm tra tài khoản (nếu gói cước trả trước) trên điện thoại, khi không sử dụng 3G thì nên tắt đi.