>>> Có thể khởi tố hình sự chủ đầu tư chung cư Nam Đô nếu có sai phạm
>>> Chủ đầu tư GP Invest bị "tố" lạm thu 20 tỷ đồng VAT của cư dân
>>> Nước nhiễm chất độc, dân Nam Đô đối mặt nguy cơ ung thư, hoại tử
>>> Dân cư Nam Đô tố chủ đầu tư GP Invest "chà đạp quyền lợi"
>>> Nghịch lý ở Nam Đô Complex: Ở chung cư tiền tỷ vẫn lo mưa dột
Căng thẳng giữa chủ đầu tư GP Invest và cư dân Nam Đô trong thời gian gần đây liên tục leo thang. Trong văn bản được Ban liên lạc của cư dân Nam Đô gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, cư dân Nam Đô đã đưa ra 16 vấn đề "tố" chủ đầu tư GP Invest.
Xung quanh vấn đề này, PV đã có trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng – P. TGĐ GP Invest, đồng thời là GĐ BQL dự án Nam Đô.
"Sự cố là chuyện không thể tránh khỏi"
Ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Phạm Trí Tú, Trưởng ban Pháp chế GP Invest trong buổi làm việc với PV.
Liên quan đến vấn đề chất lượng căn hộ tại Nam Đô Complex được cư dân phản ánh trong thời gian qua như: vấn đề tường bị thấm nước, nước tràn từ ngoài vào nhà, mưa gió thổi bay trần nhà tắm rồi thang máy không hoạt động khi trời mưa... GP Invest giải thích như thế nào với cư dân Nam Đô?
Thực ra cửa sổ bị thấm có thể là do thanh định dạng. Thanh này không chỉ người Việt Nam dùng mà cả thế giới dùng. Các thao tác có sai sót nhỏ. Tôi ví dụ như cửa có vài cái lỗ to nhỏ, nếu lỗ này không tắc thì nước sẽ chảy ra ngoài. Một số hộ dân bị bụi bặm hay rác bịt mất lỗ này mới dẫn đến nước bị tắc, tràn vào trong nhà. Còn chất lượng cửa hoàn toàn bình thường không có vấn đề gì cả.
Còn các vấn đề như thấm nước mưa bên ngoài vào, trong quá trình xây dựng, chúng tôi đã thử kiểm tra rất nhiều lần, ngâm nước nhiều lần nhưng không vấn đề gì. Đến khi các hộ dân vào sống, lưu lượng nhiều hơn thì nó nảy sinh một số hiện tượng…
Bên Nam Đô chất lượng thoát nước rất tốt, chúng tôi cũng sơn chống thấm rồi, nhưng diện tích lớn như thế, việc xuất hiện một số sự cố là không tránh khỏi được.
Tường nhà bị thấm nước
Nếu ông là người mua nhà tại chung cư Nam Đô, ông sẽ nghĩ như thế nào về trường hợp bỏ tiền tỷ ra nhưng lại nhận về căn nhà gặp sự cố?
Tại Nam Đô có gần 1000 căn hộ. Chính vì vậy, xảy ra sự cố như trên thì tôi nghĩ là chấp nhận được. Nghiêm túc mà nói là so với mặt bằng chung ngành xây dựng thì chung cư này tốt, so với mấy vạn mét trát, mấy vạn mét hoàn thiện thì tỷ lệ này không nhiều. Tỷ lệ sự cố tương tự ở các chung cư khác còn cao hơn.
Ông có thể đưa ra ví dụ về chung cư nào có tỷ lệ sự cố còn nhiều hơn tại Nam Đô?
So sánh thì vô cùng nhưng nói chung các chung cư khác cũng thế thôi.
Vậy ông lý giải nguyên nhân vì sao thang máy của khu chung cư này lại không thể đóng được cửa khi có gió to?
Thang chúng tôi lắp là thang Thysens Hàn Quốc chất lượng cao. Nhiều khi chỉ là do độ nhạy của thang máy thôi. Nhạy quá thì gió to hoặc một cái tàn thuốc vứt ở ngang cửa là nó có thể không khép lại được.
Việc thang không thể đóng cửa chỉ vì gió to khiến người dân phải đi bộ cả chục tầng cũng là chuyện bình thường? Nếu giả sử, người nhà ông gặp sự cố, cần đi cấp cứu thì trong trường hợp này ông làm cách nào?
Tôi nghĩ nó là bình thường cực kỳ luôn, cái thang nó hoạt động từ tháng 5 năm trước đến nay, thi thoảng mới gặp một vài sự cố thôi. Ví dụ một cái máy bay đẹp như thế, đắt như thế, nó vẫn có thể đôi ngày bị hỏng, nếu nó hỏng thường xuyên thì lại khác.
Trần hầm H1 bị nứt vỡ
Thiếu quy trình bảo trì vẫn hoạt động bình thường
Hầm H1 nhà CT2 mới đi vào sử dụng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt. Hai cột thép chữ I được gia cố chống ngay phía dưới của vết nứt này. Điều này sẽ làm tăng khả năng chịu lực của hầm?
Những cái cột này chỉ là để gia cố chống rung. Bên trên hầm là đường nội bộ, lối xe cộ đi lại trong tổ hợp. Trước kia, chỉ cần xe tải lao rầm rầm bên trên đường là ở dưới rung bần bật; nhưng kể từ ngày thêm cột chống này vào thì sự cố này được khống chế.
Còn thực tế các chi tiết bê tông rất hay nứt, cái chính là vết nứt nào là nguy hiểm, vết nứt nào không nguy hiểm. Riêng cái vết nứt đang nói đến không phải là vết nứt nguy hiểm. Nó chỉ là một ô sàn con con, nó là cấu kiện độc lập, ví như mình ở nhà đất vẫn có thể đục cái cầu thang ra xây lại được, không ảnh hưởng gì cả.
Sáng ngày 17/6, người dân có phản ánh là thấy phía chủ đầu tư cho thợ dùng gạch xây vây quanh cái cột thép thành một cột trụ Việc này có tác dụng gì đối với vết nứt?
Cái này xây chỉ để xử lý về mặt mỹ quan, thẩm mỹ kiến trúc là chính thôi. Còn việc mình xây thành cái cột trụ cho nó trông to tương đối thì để nhìn cho nó trông cân đối xung quanh thôi chứ không có tác dụng gì khác cả.
Cột chữ I được "gia cố"
Liên quan đến việc các hộ dân yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản sao Giấy chứng nhận an toàn kết cấu chịu lực và Giấy chứng nhận phù hợp chất lượng công trình, trong công văn số 89 gửi cư dân và báo chí truyền thông cuối tháng 5, GP Invest có cho biết công ty vẫn đang tiền hành làm việc với các cơ quan chức năng để xin cấp các loại giấy tờ này. Nên hiểu vấn đề này như thế nào thưa ông?
Tất cả các chứng chỉ khác chúng tôi đã được cấp rồi, tuy nhiên các loại giấy này chúng tôi vẫn chưa được cấp, vẫn đang trong quá trình xin cấp. Chúng tôi còn thiếu quy trình bảo trì nên chưa được cấp.
Theo quy định thì lẽ ra chủ đầu tư phải có trong tay các loại giấy tờ này thì các tòa nhà chung cư mới được phép đưa vào sử dụng. Thế nhưng vì sao Nam Đô Complex không cần hoàn tất giấy tờ mà vẫn được phép bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm ngoái đến nay?
Không phải không cần. Mà chúng tôi chỉ nghĩ mình làm xong rồi, tất cả các cơ quan đã giám sát từ đầu rồi thì họ sẽ cấp cho mình. Ngày đầu chúng tôi bàn giao cho dân, chúng tôi nghĩ bàn giao tháng 8 thì tháng 9 chúng tôi sẽ xong được. Hồ sơ để chứng nhận là an toàn hay chưa thì chúng tôi cũng gần đủ rồi.
Nói đúng ra là vì quy định thủ tục mới thôi. Nếu chúng tôi bàn giao trước tháng 7/2013 thì chúng tôi đã không phải nộp các hồ sơ bổ sung, nhưng công trình chuẩn bị bàn giao thì 1/7/2013 lại áp dụng Nghị định 15, đổi cơ quan cấp giấy chứng nhận đó nên chúng tôi lại phải làm lại toàn bộ quy trình, trước đây làm với Sở gần xong thì nay lại bắt đầu từ đầu với Bộ.
Nôm na là chúng tôi đã học hết chương trình học, nhưng chưa bảo vệ tốt nghiệp nên chưa được coi là tốt nghiệp, ra trường thôi. Trong tuần sau chúng tôi sẽ cố gắng bổ sung hồ sơ để hoàn tất.
Vậy tại sao phía GP Invest lại chưa nhận được những giấy tờ đó? Phải chăng còn có vấn đề gì khúc mắc?
Chúng tôi chỉ thiếu quy trình bảo trì thôi. Luật mới yêu cầu quy trình bảo trì rất chặt vì sợ chủ đầu tư bán nhà xong thì bỏ rơi công trình. Ngày xưa chúng tôi chỉ cần quy trình bảo trì dài khoảng 50 trang, thế nhưng hiện giờ thì chúng tôi viết đến 300 trang rồi vẫn chưa được chấp nhận. Chúng tôi sẽ sớm hoàn tất trong tuần tới để lấy được giấy chứng nhận này.
Cảm ơn ông về những trao đổi này.
>>> Chung cư Nam Đô bị dột
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA