Nước nhiễm chất độc, dân Nam Đô đối mặt nguy cơ ung thư, hoại tử

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Điều hàng ngàn người Nam Đô lo sợ, là Nitrit tích lũy lâu ngày sẽ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamine-1 hợp chất tiền ung thư đe dọa mạng sống của họ.

>>> Nghịch lý ở Nam Đô Complex: Ở chung cư tiền tỷ vẫn lo mưa dột
>>> Dân cư Nam Đô tố chủ đầu tư GP Invest "chà đạp quyền lợi"

“Nhắc đến nước là... điên cả người”

Liên quan đến các bức xúc về vấn đề nguồn nước tại chung cư Nam Đô mà chúng tôi đã đề cập ở các bài viết trước, phóng viên đã trở lại tòa nhà 609 Trương Định để tìm hiểu kỹ hơn sự việc này.

Ông N.T, cư dân tầng 19CT2A, một thành viên Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi cư dân Nam Đô, gay gắt: “Nhắc đến nước là bà con vừa lo, vừa buồn, vừa giận, điên cả người”. Để minh chứng, ông N.T chia sẻ một loạt hình ảnh khó thể tưởng tượng về một chung cư tiền tỷ giữa lòng Hà Nội mà cư dân tòa nhà ghi lại được.

Sau nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư nhưng vấn đề vẫn không được xử lý triệt để, nhiều hộ dân Nam Đô tỏ ra bức xúc. Để đảm bảo sức khỏe cho mình, nhiều gia đình đã tự lắp đặt máy lọc nước trong nhà để sử dụng.

Anh Trần Anh Quân – cư dân tầng 12A CT2A - cho hay: “Nhiều hộ gia đình ở đây đã phải đầu tư từ 4 - 10 triệu đồng để lắp máy lọc nước. Riêng toàn bộ 8 căn hộ tại tầng 12A đều lắp máy lọc nước, ước tính tổng chi phí lên tới 60 - 70 triệu. Nếu 900 căn hộ trong khu đều đầu tư máy lọc nước thì số tiền người dân bỏ ra cho sự cố này lên đến hàng tỷ đồng.”

Anh Trần Anh Quân cũng cho biết, thay vì 3 - 4 tháng mới phải thay lõi của máy lọc nước như bình thường, các hộ gia đình ở đây thường phải thay lõi mới khi mới sử dụng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời nhằm giải quyết vấn đề nước ăn. Còn nước sinh hoạt như tắm giặt, rửa mặt thì nhiều khi vẫn "dở khóc, dở cười".

Nguồn nước người dân Nam Đô đang sử dụng

Nguồn nước người dân Nam Đô đang sử dụng

Chủ đầu tư thiếu thiện chí, cư dân phẫn nộ

Trước đơn thư kiến nghị của cư dân Nam Đô Complex, ngày 24/4, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước ăn uống, sinh hoạt chuyển Trung tâm y tế dự phòng – Sở Y tế Hà Nội phân tích.

Kết quả thanh tra nước ở Nam Đô Complex ngày 24/4 cho thấy nước bị nhiễm Nitrit gấp 1,6-3,2 lần cho phép.

Kết quả thanh tra nước ở Nam Đô Complex ngày 24/4 cho thấy nước bị nhiễm Nitrit gấp 1,6-3,2 lần cho phép.

Toàn bộ nước khu Nam Đô Complex đều do Nhà máy nước Hoàng Mai cung cấp. Theo các kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng, nước nguồn từ nhà máy nước này đạt tiêu chuẩn TCVN01:2009. Vì vậy, nguyên nhân mẫu nước lấy từ vòi nước các hộ gia đình nhiễm độc được chẩn đoán là do nhiễm bẩn từ bể nước ngầm hoặc từ đường ống dẫn nước nội bộ.

Do đa số các hộ dân mới chuyển đến vì 2 tòa nhà mới đi vào hoạt động từ 6 tháng - 1 năm nay, nên phần lớn các hộ chưa hoàn tất thủ tục hồ sơ mua nước từ nhà máy với giá nước sinh hoạt ( mức giá 4.600 đồng/m3). Do đó, họ vẫn phải đang phải mua nước với mức giá 8.900đồng/m3, cao gần gấp đôi so với mức chung.

Kết quả cho thấy, mặc dù tất cả các mẫu nước tại Nam Đô Complex không bị nhiễm Asen (thạch tín) như nghi ngờ nhưng chỉ tiêu Nitrit/Nitrite đều vượt quá giới hạn cho phép từ 1,6 đến 3,2 lần theo QCVN 01:2009/BYT, không đảm bảo chất lượng.

Ngày 9/5, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với GP Invest về hành vi cung cấp nước ăn uống không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, vi phạm Điểm b, Khoản 3, Điều 14, Nghị định 176/2013/ NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ. Mức xử phạt là 15 triệu đồng và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với GP Invest.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu GP Invest phải tạm dừng cung cấp nước từ các bể ngầm CT1 và CT2, triển khai các biện pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng nước và chỉ được phép cung cấp nước cho các hộ dân khi chất lượng nước đảm bảo theo quy định. GP Invest phải thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ đối với nước ăn uống, sinh hoạt cho các hộ dân tại tòa nhà Nam Đô theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Võ Thanh Sơn - Trưởng ban liên lạc bảo vệ quyền lợi cư dân Nam Đô, chủ đầu tư GP Invest - đã giấu nhẹm đi kết quả thanh tra này, không hề có một văn bản thông báo, thừa nhận nước nhiễm bẩn để hàng nghìn cư dân tạm thời tìm phương án giữ gìn sức khỏe.

Chỉ sau khi nội dung kết luận thanh tra của Phòng cảnh sát môi trường Hà Nội xuất hiện trên một tờ báo, dân Nam Đô mới biết chắc chắn nước ăn nhiễm độc

Chỉ sau khi nội dung kết luận thanh tra của Phòng cảnh sát môi trường Hà Nội xuất hiện trên một tờ báo, dân Nam Đô mới biết chắc chắn nước ăn nhiễm độc

Thay vào đó, Công ty đã cùng với đơn vị lắp đặt đường ống tự tiến hành lấy mẫu vào ngày 12/5, tự gửi đi xét nghiệm. Sau đó đến ngày 26/5, Công văn do Phó TGĐ GP Invest - ông  Nguyễn Tiến Dũng ký gửi đi thông báo các mẫu nước “cho kết quả đạt chuẩn với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02:2009”

Văn bản ngày 26/5 của GP Invest dán lên bảng thông báo của Nam ĐÔ

Văn bản ngày 26/5 của GP Invest dán lên bảng thông báo của Nam Đô

Cụ thể, GP Invest chỉ thông báo kết quả xét nghiệm mẫu nước ngày 12/5 này, đề cập đến việc nước có hàm lượng asen ở mức cho phép, hoặc vô tình, hoặc cố ý lờ đi không nhắc đến hàm lượng Nitrit vượt chuẩn đã bị cơ quan chức năng xử phạt.

Qua tìm hiểu của phóng viên, thực tế văn bản QCVN02:2009 dành cho nước sinh hoạt cũng không phải là quy chuẩn mà chủ đầu tư phải đối chiếu.

Bởi theo quy định, đối với “các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khai thác với mục đích kinh doanh, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung dùng cho mục đích sinh hoạt có công suất từ 1.000m3 nước/ngày trở lên” thì phải áp dụng theo QCVN01/2009 đối với nước ăn, uống". Theo đó, các chỉ tiêu, hàm lượng các hợp chất có trong nước phải đáp ứng các chỉ số nghiêm khắc hơn nhiều so với QCVN02:2009. 


Chất lượng nước tại các chung cư lớn (công suất 1.000m3/ngày phải tuân theo Quy chuẩn Việt Nam 01:2009 dành cho nước ăn 

Chất lượng nước tại các chung cư lớn (công suất 1.000m3/ngày phải tuân theo Quy chuẩn Việt Nam 01:2009. 

“Nước nhiễm bẩn thì ngay từ khi chúng tôi về đây, gần một năm nay, chúng tôi đã kiến nghị. Thế nhưng cứ mỗi lần họ lấy mẫu đem đi xét nghiệm lại trả về các kết quả rất tốt đẹp. Chúng tôi lấy mẫu niêm phong gửi đi lại đem về một kết quả khác. Chúng tôi giờ đã không có niềm tin với họ nữa rồi” – chị Nguyễn H.Quỳnh, cư dân tầng 17 CT2A chia sẻ.

“Họ không chỉ thiếu trách nhiệm, họ thiếu cả lương tâm. Có khó gì chuyện thau một cái bể, sửa một đường ống cho nó sạch sẽ, thậm chí thêm một ít tiền mua cái thiết bị lọc nước cho cả khu cũng là quá rẻ so với giá tiền trên dưới 2 tỷ mà mỗi hộ dân chúng tôi mua nhà của họ.

Thế mà người ta cứ lờ chúng tôi đi, không coi chúng tôi ra gì. Hàng ngàn người dân, hàng trăm trẻ con, hàng chục trẻ sơ sinh phải dùng nước bẩn”, trưởng ban liên lạc ban bảo vệ quyền lợi cư dân Nam Đô Complex, ông Võ Thanh Sơn  buồn bã nói.

Tác hại khi Nitrit vượt chuẩn:

Theo các nhà khoa học, Nitrit (NO2)là ion vô cơ chứa nitơ (N) tự phát sinh trong môi trường và dễ dàng đi vào các nguồn nước, đất… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động, thực vật khi hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép (QCVN).

Nitrit rất độc, với hàm lượng 0,01 mg/l đã có thể gây độc hại cho sức khỏe con người.

Nitrit có tác dụng oxy hóa hemoglobin (huyết sắc tố) chứa trong hồng cầu, biến hemoglobin thành methemoglobin (Sự tạo thành methemoglobin đặc biệt thấy rõ ở trẻ em. Trẻ em mắc chứng bệnh này thường xanh xao và dễ bị đe dọa đến mạng sống, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi). Chất sau này không thể làm nhiệm vụ cố định và chuyên chở oxy hay thán khí giống như hemoglobin.

Khi bị ngộ độc nitrit thì cơ thể sẽ không thể làm tròn chức năng hô hấp, có các biểu hiện như khó thở, ngột ngạt. Với hàm lượng cao hơn có thể gây ức chế oxi dẫn đến hiện tượng thiếu oxi trong máu làm cho cơ thể bị choáng váng và ngất khi đang làm việc hay vui chơi. Trường hợp nhiễm độc trầm trọng nếu không được cứu chữa kịp thời dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, NO2-  trong cơ thể dễ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamine-1 hợp chất tiền ung thư. Hàm lượng nitrosamin cao khiến cơ thể không kịp đào thải, tích lũy lâu ngày trong gan gây ra hiện tượng nhiễm độc, hoại tử, ung thư gan.

 * Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này đến độc giả.

>>> Xem thêm clip:  Chung cư Nam Đô bị nước tràn vào nhà

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại