Chuyển hướng
Sau hơn 4 tháng đóng cửa để tái cấu trúc, giữa tháng 12/2014, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, bồ chồng kiều nữ Tăng Thanh Hà đã mở cửa trở lại với rất nhiều thay đổi đầy bất ngờ.
Cùng với diện mạo mới, thay đổi lớn nhất trong lần quay trở lại lần này của Tràng Tiền Plaza chính là đối tượng khách hàng mà trung tâm sang trọng bậc nhất này hướng tới là khách hàng có thu nhập trung bình, thay vì chỉ tập trung vào nhóm có thu nhập cao hay giới siêu giàu trước đó.
Đây hẳn là một bước chuyển hướng của đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn; khác hoàn toàn so với kỳ vọng cách đây hai năm khi mà ông Hạnh Nguyễn ra thị trường Hà Nội.
Khi đó, Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPP) của ông đã phải ra khoảng 20 triệu USD để cải tạo Tràng Tiền Plaza.
Bên cạnh đó, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của IPP và các đối tác tại trung tâm này đã lên đến 150 triệu USD.
Khó khăn bước đầu trong thương vụ ngàn tỷ đã buộc đại gia này thay đổi.
Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Kinh Đô ra mắt sản phẩm mì ăn liền mới Đại Gia Đình.
Đây là bước đi hiện thực hóa chiến lược chuyển hướng tham gia vào các ngành hàng thiết yếu sau khi ký MOU bán phần vốn mảng bánh bánh kẹo có truyền thống 20 năm cho một tập đoàn nước ngoài thu giá 370 triệu USD.
Cho dù đã biết trước định hướng của hai anh em lãnh đạo Kinh Đô là Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên nhưng nhiều người không khỏi giật mình về sự chuyển hướng lại diễn ra mạnh đến như vậy.
Alphanam của ông Nguyễn Tuấn Hải cũng chọn 2014 là năm tập trung đầu tư vào Alphanam Food, thực hiện chuỗi liên hoàn từ trồng trọt đến chế biến và sản phẩm thực phẩm và nước giải khát.
Một vài trung tâm phân phối thực phẩm và đồ uống cũng sẽ được tính toán, mở cửa ngay trong năm 2014 trước khi chính thức bùng nổ vào năm 2015.
Trong năm 2014 là Đức Long Gia Lai (DLG). DN này vừa nhận sáp nhập công ty ngoại, thâm nhập lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với quyết định phát hành thêm 20,4 triệu cổ phiếu để hoán đổi với 29,16 cổ phiếu của Mass Noble trong tháng 11 vừa qua.
Một mặt, trong lần tái cấu trúc mạnh mẽ về ngành nghề này, DLG cũng chuyển hướng vào nông nghiệp, tập trung chủ lực vào lĩnh vực trồng và chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Hiện DLG đang trong giai đoạn chuẩn bị chuồng trại và dự kiến quý I-II/2015, DLG sẽ chăn nuôi 125.000 con bò tại khu vực Tây Nguyên với tổng mức đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng.
Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bỏ BĐS, bán thủy điện đi chuyển sang trồng mía, trồng cao su và nuôi bò.
Hay Gemadept bán cao ốc cho thuê chuyển sang trồng cao su; Vingroup mở rộng sang bán lẻ, y tế và giáo dục...
Xoay vần với thị trường
Có thể thấy, trong khó khăn bão tố những năm vừa qua, không ít các DN đã rơi vào tình cảnh thua lỗ, nợ nần, thậm chí phá sản.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng không ít các DN nổi lên như vũ bão, xác lập vị thế mới trên thương trường. Tất cả có lẽ nằm ở tài xoay xở của các những doanh nhân lèo lái các DN này.
Bài toán đầu tư vào Tràng Tiền Plaza của ông Hạnh Nguyễn trước đó đã được xem là khá mạo hiểm bởi Trung tâm này mặc dù nằm ở vị trí đắc địa có một không hai ở Hà Nội nhưng trong cả chục năm, qua các đời chủ đều không mấy thành công.
Trong trường hợp Kinh Đô, mảng bánh kẹo đã mang đến cho tập đoàn này những bước tăng trưởng đột biến.
Tuy nhiên, lĩnh vực này được đánh giá đang chậm lại, tăng trưởng trung bình của ngành 5 - 8%.
Do vậy, để có thể lớn mạnh, ông Trần Kim Thành đã thuyết phục cổ đông chấp nhận chuyển hướng sang lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.
Thực tế cho thấy, quy mô của thị trường này rất lớn, tới gần 10 tỷ USD/năm, gấp 12 lần nguồn thu của bánh kẹo. Yếu tố tiềm năng này là cơ sở để KDC có một quyết định mang tính chất bước ngoặt nói trên.
Đây cũng là cơ sở để Kinh Đô cam kết cổ tức cho cổ đông tối thiểu 20% như những năm qua.
Với Đức Long, quyết định chuyển hướng vào nông nghiệp cũng không ngoài mục tiêu nhắm tới thế mạnh của DN nằm ở khu vực Tây Nguyên này.
Việc trở thành đối tác chiến lược đối của Vinamilk trên lĩnh vực nhập con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kỹ sư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm là tiền đề cho cú chuyển hướng đầy ngoạn mục này.
Mỗi sản phẩm đều có vòng đời, các lĩnh vực cũng có chu kỳ phát triển của nó. Do vậy, những thay đổi và những quyết định chuyển hướng kinh doanh đôi khi là cần thiết để DN có thể phát triển lâu dài.
Với các DN chuyên sâu vào một lĩnh vực, thì sự thay đổi về công nghệ, về quy trình, về cách thức... lại là yếu tố giúp DN vượt qua khó khăn.
Có lẽ những điều chỉnh theo hơi hướng thị trường, nhu cầu tại mỗi thị trường là những điều chỉnh thông minh nhất của các DN.