"Có nền kinh tế ngầm là vì còn tham nhũng và lợi ích nhóm"

Kiều Linh |

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, không thể phủ nhận 20 tỷ USD là “kinh tế ngầm”. Lượng hàng hóa nhập lậu làm lũng đoạn thị trường, gây thất thu thuế, tạo sức ép lên tỷ giá.

20 tỷ USD - độ chênh lệch "đột biến"

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK) Trung Quốc, năm 2014, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn so với con số 29,8 tỷ USD mà TCTK Việt Nam công bố (chênh lệch gần 15 tỷ USD).

Tính ra, nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm tới gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chứ không chỉ là 30% theo con số công bố của Việt Nam.

Để biết rõ hơn sự chênh lệch "bất thường" trong tính toán giao dịch thương mại này ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.

Ông Bùi Trinh phân tích: “Số liệu về xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia, bất kỳ là quốc gia nào cũng luôn luôn có sự vênh nhau.

Số liệu xuất nhập khẩu giữa Trung quốc và Hoa Kỳ có những năm chênh lệch còn lớn hơn nhiều nhưng theo xu hướng ngược lại (báo cáo: của Trung Quốc nói thấp, phía Hoa kỳ nói cao hơn nhiều đến 75 tỷ USD).

Ngay cả số liệu GDP của Trung Quốc cũng luôn luôn có 2 con số là GDPe (GDP tính theo phương pháp chi tiêu) và GDPp (GDP tính theo phương pháp sản xuất).

Như vậy nếu coi con số của phía Trung Quốc là hoàn toàn chính xác cũng không hẳn đúng.

Sự chênh lệch này chủ yếu là do số liệu từ Trung Quốc công bố cao hơn của Việt Nam. Cao nhất là 2 năm 2010 (6 tỷ USD) và 2011 (4,7 tỷ USD).

Nhưng năm 2014 chênh lệch giữa báo cáo của Trung Quốc và Việt Nam lên đến gần 15 tỷ USD là một hiện tượng “đột biến” cần được lý giải”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng sự chênh lệch trong thống kê giao dịch thương mại bất thường

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng sự chênh lệch trong thống kê giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là "bất thường".

Sự chênh lệch “đột biến” này theo chuyên gia Bùi Trinh, không hoàn toàn do xuất nhập lậu mà còn do nguyên tắc xác định C/O (xuất xứ hàng hóa) của mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả là do sự áp giá của mỗi nước khác nhau.

“Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa 2 nước cần có một nhóm công tác giữa 2 nước để xem xét kỹ vì từ những số liệu này có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về nền kinh tế thực sự của mỗi nước.

Chẳng hạn, nếu năm 2014 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc thêm 15 tỷ thì năm đó Việt Nam không thể có xuất siêu và cũng không thể có tăng trưởng và như vậy bức tranh về kinh tế vĩ mô hoàn toàn khác" - chuyên gia Bùi Trinh nói.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cũng cho rằng, 10 năm nay số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn chênh nhau như vậy.

Con số Việt Nam đưa ra cả về xuất lẫn nhập khẩu đều thấp hơn rất nhiều so với thống kê của Trung Quốc.

Tuy nhiên, TS Thiên cũng khẳng định chưa năm nào độ vênh về nhập khẩu lại lớn như năm 2014.

Có nền "kinh tế ngầm"?

Liên quan đến số liệu nhập khẩu, Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía Trung Quốc vào khoảng 20 tỷ USD. Không ít câu hỏi đặt ra, liệu số liệu thống kê từ TCTK Trung Quốc có đáng tin không? Và nếu có thì số tiền này đang nằm ở đâu?

Ông Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, điện thoại di động...

Doanh nhân Mai Hữu Tín nêu chính kiến của mình: “Tôi không cho rằng, chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối vào số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc.

Nhưng rõ ràng là ở mặt nào đó họ đã tính giùm chúng ta giá trị của phần kinh tế ngầm với họ. Và không thể không tính đến giá trị của phần ngầm này khi thiết kế các chính sách của Việt Nam".

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: “20 tỷ USD không phải hoàn toàn là nhập lậu, nó có nhiều nguyên nhân nhưng cũng không thể phủ nhận có phần là “kinh tế ngầm”.

Lượng hàng hóa này làm lũng đoạn thị trường Việt Nam. Việt Nam vừa thất thu thuế mà nó lại tao sức ép lên tỷ giá. Nói chung là cực kỳ nguy hiểm.

Có nền "kinh tế ngầm" là vì còn tham nhũng và lợi ích nhóm.

Nói như đại biểu Tín là chiếc áo giáp bảo vệ của Việt Nam ngày càng rách nhiều trong giao dịch với phía Trung Quốc.

Vậy để chiếc áo giáp không rách thì cái cần làm ngay là chống tham nhũng và lợi ích nhóm. Tất cả mọi thứ đều từ đó mà ra" - chuyên gia Bùi Trinh khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư
Bùi Quang Vinh
Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phía bạn tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên, do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O). Không phải xuất là xuất, nhập là nhập. Xuất xứ và thống kê hàng hoá hiện đang rất phức tạp. Đúng là có số liệu chênh lệch giữa thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chênh lệch số liệu là do ngành hải quan quản lý chưa tốt về ngăn chặn gian lận thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại