Những đại gia Việt siêu giàu “dựng cờ” ở Đông Âu

Ngọc Anh |

Những đại gia dưới đây đều khởi nghiệp ở các nước Đông Âu và đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng cuối cùng, họ vẫn quyết định về nước góp phần xây dựng kinh tế nước nhà.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

 - Ảnh 1
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup là cái tên "hót" hơn cả các sao trong giới showbiz.

Quê gốc của ông Phạm Nhật Vượng ở Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Người đàn ông 47 tuổi này bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình khi thi đỗ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và được chọn sang Nga du học.

Năm 1993, ở thời điểm khi Liên bang Xô Viết đã tan rã với rất nhiều hệ lụy và cơ hội mới, Phạm Nhật Vượng sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế địa chất đã không lựa chọn nghề mỏ đã học mà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, thoạt tiên ở chính thủ đô Nga rồi chuyển đến Ukraina, mở nhà hàng và thành lập Công ty Technocom tại cố đô Kharkov.

Cũng theo hồ sơ doanh nhân của Phạm Nhật Vượng, từ năm 1993 tới năm 1999 với vai trò là người đứng đầu công ty, ông đã đưa Technocom từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn hùng mạnh với thương hiệu Mivina danh tiếng (giữ vị trí số 1 trên thị trường thực phẩm ăn nhanh, được phong tặng danh hiệu Nhà sáng lập thị trường và nằm trong top 100 doanh nghiệp hàng đầu Ukraina).

Tiếp đó, sau khi đã đưa tầm ảnh hưởng của thương hiệu Technocom đến khắp châu Âu bằng các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu, Phạm Nhật Vượng đã quyết định đầu tư về quê hương Việt Nam.

Từ năm 2000, với việc tham gia vào thị trường Du lịch và BĐS cao cấp với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom.

Hai thương hiệu này đã nhanh chóng thành công với hàng loạt các dự án danh tiếng như Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center TP.HCM và đặc biệt là Vinpearl Nha Trang.

Từ năm 2010 đến nay Phạm Nhật Vượng đã quyết định dốc toàn tâm, toàn lực vào việc đầu tư tại quê hương bằng việc chuyển hẳn về Việt Nam; định hướng, chỉ đạo các thương hiệu Vincom, Vinpearl phát triển hàng loạt các dự án đô thị và khu du lịch lớn như Vincom Village, Royal City, Times City, Vincom Center TP.HCM (A&B); Vinpearl Đà Nẵng và Vinpearl Nha Trang (hoàn thiện, mở rộng)… đưa các thương hiệu này lên một tầm cao mới.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang nắm giữ 423.233.803 cổ phiếu, tương đương 30,16% cổ phần Vingroup (VIC) (tính đến hết ngày 31/12/2014).

Trong danh sách xếp hạng các tỷ phú năm 2015 được tạp chí Forbes công bố ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, với khối tài sản 1,7 tỷ USD, tăng so với mức 1,6 tỷ USD của năm ngoái.

Với khối tài sản này trong tay, Phạm Nhật Vượng hiện là người giàu thứ 1.118 trên thế giới, so với vị trí 1.092 của năm ngoái.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này.

Lê Viết Lam - Chủ tịch tập đoàn Sun Group

 - Ảnh 2

Lê Viết Lam là một trong những người đã cùng kinh doanh tại Ukraina với ông Phạm Nhật Vượng.

Sau đó, ông tách riêng và thành lập Sun Group hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với dự án bất động sản du lịch như Bà Nà Hill và mới đấy nhất là dự án cáp treo Fansipan - Sapa.

Lê Viết Lam sinh năm 1969 tại Thanh Hóa, đến năm 1987 ông sang Nga theo chương trình đào tạo của nhà nước.

Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ ở Moscow, ông Lam cùng với vài người bạn thành lập mô hình kinh doanh nhỏ tại Kharkov.

Ông khởi nghiệp từ một nhà máy chế biến mì ăn liền và sau này trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 4.000 công nhân và mức doanh thu trên 10 triệu USD mỗi tháng.

Thương hiệu Mivina (mì Việt Nam) đứng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh ở Ukraine.

Đại gia Nguyễn Đăng Quang

 - Ảnh 3

Nói đến Masan là nói đến ông chủ Nguyễn Đăng Quang.

Tên tuổi của đại gia này nổi tiếng trong giới doanh nhân bởi quy mô tài sản hàng tỷ USD cũng như tốc độ tăng trưởng vượt bậc của doanh nghiệp nguồn gốc tư nhân này.

Nếu như ông Phạm Nhật Vượng nổi tiếng với mì tại Ukraina thì ông Nguyễn Đăng Quang - một tiến sĩ Vật lý lại nổi tiếng với mì gói tại Nga.

Những năm đầu thập niên 1990, ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu bán mì ăn liền cho người Việt tại Nga, và xây dựng nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mì, nước tương, nước mắm, tương ớt bán cho người bản xứ.

Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà.

Tại đây, thương hiệu Masan Food liên tục gặt hái thành công khi tham gia vào cả 4 nhóm hàng tiêu dùng đang nổi tại Việt Nam là nước tương, nước nắm, mì ăn liền và hạt nêm, với doanh thu năm 2009 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi (106%) so với năm 2008.

Ông Quang cùng với Masan đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nước chấm và mì ăn liền Việt. Ông cũng được biết đến với vị trí phó chủ tịch thứ nhất tại Ngân hàng Techcombank.

Tuy nhiên, không giống như nhiều ông chủ khác, ông Nguyễn Đăng Quang rất kín tiếng và không có tên trong bất cứ một danh sách giàu có nào. Cá nhân ông trực tiếp sở hữu rất ít cổ phiếu trong các doanh nghiệp đại chúng.

Nguyễn Cảnh Sơn (1967) - Chủ tịch Eurowindow

 - Ảnh 4

Một đại gia về từ Đông Âu rất giàu nhưng không nằm trong bảng xếp hạng nào là ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967) - Chủ tịch Eurowindow Holding. 

Đến năm 1996, ông chính thức tham gia vào hoạt động kinh doanh trong nước với việc trở thành cổ đông của Ngân hàng Quốc tế (VIB) và sau này lập ra Eurowindow Holding để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, tài chính...

Thành công vang dội với cửa nhựa mang tên Eurowindow, sau đó, ông Sơn cùng người em trai làm Tổng giám đốc đã chuyển đầu tư sang BĐS, tài chính, vật liệu xây dựng, phân phối.

Cái tên Eurowindow gắn với anh em nhà ông Sơn đã chuyển dần từ một nhà sản xuất vật liệu xây dựng sang một tập đoàn đầu tư đa ngành đáng nể.

Hiện ông Sơn vẫn là chủ tịch Tập Đoàn T&M Trans tại Moscow, Nga.

Ông là một doanh nhân khá bí ẩn, hiếm khi xuất hiện nhưng sự phát triển dữ dội của các DN ông lập ở Việt Nam như Eurowindow, Melinh Plaza và sự lấn sân sang lĩnh vực tài chính như Techcombank, VIB Bank… cho thấy tiềm lực, và uy danh của đại gia này.

Đại gia  Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Bình Thiên

 - Ảnh 5

Không nổi tiếng bằng ông Vượng và ông Quang, ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Bình Thiên An (BTA) vẫn được biết đến với hàng loạt vụ thâu tóm rùm beng.

Tên tuổi của đại gia này gắn liền với tiền và những thương vụ M&A nhanh chóng như Vinafco, Beton 6, Descon…Trên thực tế, cái tên Trịnh Thanh Huy thực sự đã nổi tiếng từ khá lâu.

Ông là người cùng với Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan tại Nga (sau đó là Masan tại Việt Nam), cạnh tranh khốc liệt với Công ty Rollton của ông Đặng Khắc Vỹ (thành viên HĐQT Ngân hàng VIB) và Technocom của ông Vượng.

Sự cạnh tranh khốc liệt chính giữa các doanh nhân Việt tại Đông Âu đã giúp họ giảm giá sản phẩm cực nhanh và kiểm soát gần như toàn bộ thị trường về mỳ ăn liền tại khu vực.

Ông Huy (sinh năm 1970), từng học tại Học viện kỹ thuật quân sự tại Việt Nam và Nga, gần đây nổi hơn với dự án Đảo Kim Cương (trên 400 triệu USD) và Metropolis Thảo Điền (hơn 600 triệu USD) tại TP.HCM và hàng loạt vụ thâu tóm đình đám nói trên.

Ông Đặng Khắc Vỹ, thành viên Hội đồng quản trị VIB

 - Ảnh 6

Ông Đặng Khắc Vỹ là Tiến sỹ Kinh tế và đã có nhiều năm làm việc tại nhiều nước trên thế giới như Cộng hòa Liên bang Nga, Singapore...

Cũng giống như nhiều doanh nhân nổi tiếng từ Đông Âu, ông Vỹ cũng từng kinh doanh mì gói tại Nga và đã "chiến thắng" sản phẩm mì gói của Masan.

Điều này do chính người tạo lập ra Mansan thừa nhận khi họ “rút” về Việt Nam.

Ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng Quốc tế - VIB.

Hiện ông là thành viên của HĐQT VIB và Chủ tịch Tập đoàn Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, Tây Âu và một số quốc gia Châu Á.

Sản phẩm của tập đoàn đã hiện diện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, ông Vỹ là một trong những doanh nhân Việt Nam thành đạt nhất ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại