Chênh lệch trong thống kê xuất nhập khẩu Việt - Trung: 20 tỉ USD hàng hóa “nhập lậu” vào Việt Nam?

Đào Tuấn |

Sự chênh lệch trong thống kê xuất nhập khẩu (XNK) và thâm hụt thương mại Việt - Trung trở thành một trong những chủ đề nóng nhất tại phiên Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình KTXH hôm qua (8.6).

20 tỉ USD không qua ghi nhận?

Sự mất cân đối rất lớn trong thống kê giao dịch thương mại Việt Nam - Trung Quốc được ĐBQH Mai Hữu Tín nói công khai trước nghị trường.

Theo ông Tín, chênh lệch số liệu XNK là “vấn đề lớn, nguy hiểm đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Bóc riêng số liệu năm 2014, theo ông Tín, Tổng cục thống kê (TCTK) Trung Quốc thống kê nước này nhập khẩu từ Việt Nam 19,4 tỉ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của TCTK Việt Nam.

Về xuất khẩu, Trung Quốc xuất vào Việt Nam 63,7 tỉ USD cao hơn đến 45% so với con số TCTK Việt Nam công bố.

Có nghĩa là riêng 2014, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 29,8 tỉ USD mà chúng ta công bố.

Giữa 2 nước còn có các hoạt động tiểu ngạch ở biên giới chưa được ghi nhận đầy đủ và chắc chắn cũng chiếm một phần trong khác biệt.

Nhưng phần còn lại là gì? Chỉ có thể giải thích là phần lớn trong số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. “Theo tôi, đó là tài nguyên khoáng sản của Việt Nam” - ông Tín nói.

Đối với số liệu nhập khẩu Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía Trung Quốc vào khoảng 20 tỉ USD, theo ông Tín, tức là có khoảng 20 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng.

Đó là các loạt hàng hóa quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, điện thoại di động. Số lượng hàng hóa nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lên tỉ giá đồng tiền Việt Nam.

“Có vẻ như với Việt Nam chúng ta, chiếc áo giáp bảo vệ nền kinh tế đang rách, nếu như không nói rách càng nhiều trong giao dịch với phía Trung Quốc” - ông Mai Hữu Tín nói.

Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập phố Lương Văn Can (TP.Hà Nội). Ảnh: KỲ ANH 

“Không hoàn toàn như vậy”

Cho biết đã thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh xác nhận có chênh lệch trong thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng cách lý giải như phát biểu của ông Tín là “có vấn đề’”.

Bộ trưởng Vinh khẳng định là có sự quản lý chưa tốt về buôn lậu và gian lận thương mại, nhưng không hoàn toàn như vậy.

Theo ông, sự chênh lệch xuất hiện trong hầu hết các thống kê thương mại với các nước chứ không phải chỉ với Trung Quốc.

Ví dụ trong quan hệ với Nga, Việt Nam thống kê năm 2014 là 3,5 tỉ USD. Trong khi Nga thống kê là 4,3 tỉ USD. Hay như với Bồ Đào Nha, một bên thống kê 340 triệu USD, một bên là 268 triệu, chênh lệch 30%.

Những chênh lệch trong tính toán giao dịch thương mại, theo Bộ trưởng Vinh có nhiều nguyên nhân như giá XNK mỗi nước tính một cách.

Đối với hàng hóa XNK, Trung Quốc cũng không tính hàng hóa qua đường tiểu ngạch dù vẫn làm thủ tục hải quan.

Ví dụ năm 2014, Việt Nam tính xuất khẩu 2,14 tỉ USD hàng hóa qua đường tiểu ngạch, nhưng phía Trung Quốc chỉ ghi nhận 0,7 tỉ USD do họ không tính vào kim ngạch chính thức.

Lấy ví dụ đối với việc XK gạo, theo Bộ trưởng Vinh, trong số 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc nhập 2,5 triệu tấn nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch ở Bát Xát.

“Chúng ta tính được giá trị này nhưng bạn lại không tính” - ông Vinh cho biết.

Cũng theo người đứng đầu Bộ KHĐT: “Không đơn giản chỉ xuất là xuất, nhập là nhập” và “Chúng ta không nên suy diễn toàn bộ hàng hóa sang Trung Quốc toàn là hàng cấm vì gạo, nhiều nông sản vẫn xuất sang.

“Có buôn lậu, có gian lận thương mại nhưng không hoàn toàn như vậy” - ông Vinh nói.

Hành động của Trung Quốc là ngang ngược: Tại phiên thảo luận, rất nhiều ĐBQH lên án mạnh mẽ, bày tỏ sự phản đối, bất bình trước hành động bồi đắp xây dựng của Trung Quốc tại các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa.

ĐBQH đoàn Trà Vinh Trần Quốc Tuấn trước QH yêu cầu TQ phải dừng ngay hành động này lại.

“Trung Quốc hãy có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn” - ông kêu gọi.

Trung Quốc phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác trong một kỷ nguyên hiện đại. Nếu đây là chủ quyền của Trung Quốc tại sao họ không dám giải quyết vấn đề tranh chấp của mình tại cơ quan tài phán quốc tế?.

“Hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, là thách thức các cường quốc khác trên thế giới.

Đẩy các nước vào chuyện đã rồi, để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông theo âm mưu đường lưỡi bò tự họ đã vẽ ra”.

Ông Tuấn cũng cho rằng, toàn thể cử tri và nhân dân cả nước mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội có quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn mà trước mắt là cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa tương tự như những phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du gần đây.

Các cơ quan ở nước ngoài cần thường xuyên tổ chức các chuyên đề hội thảo cung cấp thông tin chứng cứ về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam với quốc tế.

Như vậy, thế giới sẽ không thể đứng ngoài cuộc trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình mà không tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại