Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị anh hùng của dân tộc Việt Nam đã ra đi. Báo chí quốc tế cũng như báo chí trong nước đã dành những mỹ từ đẹp nhất để ngợi cơ về nhân vật kiệt xuất này.
Bên cạnh các tướng lĩnh, nhà sử học, nhà giáo,… các doanh nhân Việt Nam cũng bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn đối với người được coi là "tư lệnh của tư lệnh, chính uỷ của chính uỷ", một huyền thoại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại.
Mong ước nhà Đại tướng thành bảo tàng
“Ân tình, gần gũi đến kỳ lạ. Giản dị và tình người đến khó quên. Trí tuệ và tình yêu dân tộc, yêu con người đến khó tả” – đó là những cảm nhận của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Sách Thái Hà về Đại tướng vĩ đại của chúng ta.
Ông Hùng cho biết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng duy nhất trong lòng ông. Ông cũng đã học được rất nhiều từ đại tướng, nhiều nhất là chữ nhẫn. Trong tâm thức của ông, tướng Giáp như một người thân, một tình thân.
“Chúng tôi chỉ là những người rất bình thường nhưng mỗi lần có cơ hội được gần Đại tướng, tôi luôn được đón nhận sự quan tâm đặc biệt. Tôi cũng không hiểu hay nói đúng hơn là chưa hiểu, tình yêu thương của Đại tướng từ đâu mà mênh mông thế. Hình như Đại tướng yêu thương tất cả mọi người” – ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng có may mắn thân thiết với gia đình và văn phòng Đại tướng. Các anh chị con bác rất tình cảm và hình như học được từ Đại tướng rất nhiều. Thái Hà Books cũng may mắn đã xuất bản 2 cuốn sách về Đại tướng mà trong quá trình biên tập, trình bày nhận được sự giúp đỡ tận tình đến khó tả. “Tôi và mỗi đồng nghiệp thấy khó quên những lần đến ngôi nhà thân quen 30 Hoàng Diệu. Ấm cúng và thấm đẫm tình người. Tôi mơ ước rằng ngôi nhà này sẽ thành bảo tàng hay nhà lưu niệm Đại tướng mãi mãi” – ông Hùng nói.
Từng làm việc tại FPT 12 năm từ 1995 đến 2007, ông Hùng thường tìm cơ hội để được đến thăm, để được gần gũi, để nghe và để học tướng Giáp. Một năm ở FPT thường có 3 dịp (Chiến thắng Điện Biên, sinh nhật và ngày Quân đội nhân dân VN), lãnh đạo FPT và công đoàn FPT đến thăm và chúc mừng Đại tướng. Ông Hùng cũng từng đến chúc mừng Đại tướng tại nhà riêng, 30 Hoàng Diệu, cùng các đồng nghiệp
“Tôi nhận được nhắn tin lúc hơn 7h tối. Tôi không tin. Nhấc máy gọi cho thư ký Đại tướng thì máy bận. Tôi nhấc máy gọi cho anh Võ Điện Biên (một trong 5 người con của tướng Giáp – pv) và anh Biên xác nhận. Tôi bàng hoàng. Tôi quyết định ra võng ngoài ban công nằm và nhớ về 1 con người. Đêm qua tôi đọc lại 2 cuốn sách "Võ Nguyên Giáp" và "Chiến thắng bằng mọi giá" cũng như mang những bức ảnh Đại tướng ra ngắm. Đêm qua, ngủ rất ít. Sáng nay tôi tỉnh dạy rất sớm, ngồi thiền và lễ Phật nguyện mong Đại tướng siêu thoát. Cả ngày nay hầu như không làm việc gì khác ngoài liên lạc, đọc, viết, trả lời xung quanh Đai tướng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong tương lai khó có một ai tài năng, đức độ như Đại tướng
Ông Hùng cũng cho rằng: Việt Nam trong tương lai sẽ rất khó có một ai tài năng và đức độ như Đại tướng, mà nếu có chắc cả ngàn năm nữa. Đức hạnh và tài năng của Đại tướng làm biết bao người khâm phục! “Tài năng thì có thể có người thậm chí hơn đại tướng, nhưng đức độ thì khó lắm. Thường khi danh, tài và sắc lớn thì cái tôi lại lớn theo. Thế nên mới xót. Mới thấy bâng khuâng” – ông Hùng nói.
Với một nhân vật vĩ đại, tầm cỡ như đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là "Đại tướng 5 sao",William Westmoreland gọi ông là "Tướng huyền thoại" (Legendary Giap), còn trong Bách Khoa Toàn Thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. “Tôi nghĩ cần có quốc tang cấp quốc tế, chứ không chỉ cấp quốc gia ở Việt Nam ta” – ông Hùng đánh giá.
Với riêng ông Hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là 1 vị Phật, 1 vị bồ tát bởi Cụ có cả 2: trí tuệ và từ bi. Ông Hùng muốn mỗi chúng ta hãy từ tâm mình suy tôn Đại tướng như một con người “rất người”.
“Tôi vẫn nhớ câu cụ nói đại loại là "Nếu mà bác biết đến thiền sớm hơn thì đã có ích lợi cho chính bác và dân tộc nhiều hơn". Nhờ câu nói này mà tôi quyết học thiền. Bác cũng căn dặn chúng tôi "áp dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân vào quản trị kinh doanh" và bao năm nay tôi luôn tâm niệm và làm theo lời dạy này”.
TIN MỚI NHẤT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP