Chân dung hai vị thân sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Soha.vn) - "Ông Võ Quang Nghiêm đã đặt cho con trai cả cái tên Giáp, hẳn là một cái tên nhiều ý nghĩa. Còn cái tên dòng họ Võ có nghĩa là sức mạnh, là võ lực, còn Giáp có nghĩa là

Cuốn sách Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá do Công ty sách Thái Hà phát hành đã tái hiện chi tiết cuộc đời vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam. Tác giả của cuốn sách - giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey - đã dành nhiều năm dày công nghiên cứu và trò chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp để có được những tư liệu quý giá, chân thực nhất về ông. Chúng tôi xin được gửi tới quý độc giả một số trích đoạn đặc sắc từ cuốn Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá!

"Ở An Xá trừ một số ít nhà lợp ngói đa số là nhà mái gianh, tường bằng phên đan trát bùn. Mỗi nhà có một mảnh đất phía sau và một sân hẹp phía trước làm chỗ phơi thóc và khoai lang.

Ông Võ Quang Nghiêm, thân sinh ra Võ Nguyên Giáp là một trong số ít gia đình sung túc có đủ ruộng cày cấy, có nhà gác khá tiện nghi theo tiêu chí địa phương. Ngôi nhà của ông dễ nhận ra vì trước sân có một cây chè dại mà ông sửa sang, tỉa tót theo dáng một con hổ khổng lồ.

Ban ngày bọn con trai, con gái đi qua trước sân chỉ thấy một cây to có hình dáng khác lạ, nhưng lúc sẩm tối hay ban đêm hình dáng con vật bằng cây trở nên sinh động như thật đến mức các cô, các cậu phải rảo bước khi lượn qua hay đi đường vòng xa hơn để tránh né.

Ông Nghiêm là người sùng đạo Khổng nên rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Gian giữa nhà để bàn thờ hai bên bày các bài vị có hình ảnh các cụ nội ngoại. Gần nhất là chiếc mâm bằng gỗ có khắc tên ông bà tổ tiên. Hai bên có lọ lộc bình cắm hoa và trên cao hơn cả là một lư hương bằng đồng đựng cát cắm hương thắp hàng ngày lấy từ trong các ống đựng các thẻ hương ở bên cạnh. Mùi hương thơm trong không khí trầm lắng toả khắp gian thờ. Hai trái đầu hồi dành cho bếp và buồng ngủ.

Ông Võ Quang Nghiêm (chữ Hán có nghĩa là nghiêm túc, đứng đắn) thuộc tầng lớp trung lưu ở An Xá ít tiêu biểu. Đó là một nông dân bậc trung tự mình cày cấy và thuê thêm một mảnh ruộng nhỏ nữa nhưng từ nhiều năm này đã dùng thời gian nông nhàn để hành nghề thuốc Nam cổ truyền.

Sau khi không chữa được cho con gái bị bệnh kiết lỵ, ông bỏ nghề bốc thuốc và chọn nghề dạy học cho lũ trẻ trong làng. Nhờ sự chỉ bảo của ông, chúng học cách nhận mặt chữ Nho (chữ Hán đọc theo âm Việt). Các tập sách ông dạy chúng phần lớn là tác phẩm văn học, là lịch sử dân tộc, ngoài ra là học vần quốc ngữ tức là tiếng Việt viết theo mẫu la-tinh do cố đạo Alexandre de Rhodes nghĩ ra rất có lợi cho việc truyền bá văn hóa của người Pháp.

Từ nhỏ ông Nghiêm đã được giáo dục theo khuôn mẫu đạo Nho. Ông được dân làng An Xá kính trọng coi ông như một người lỗi lạc. Bởi đó là một sĩ phu, một người có học vấn uyên thâm, một bậc túc nho luôn luôn có nhiều ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam truyền thống.

	Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dân làng khi nói đến ông thường gọi là Cửu Nghiêm - ông Nghiêm ở hàng thứ chín trong hàng ngũ quan chức bậc thấp (cửu phẩm). Ông đã làm thư lại trong quan dinh tuần phủ tỉnh Quảng Bình và do đó ông có dịp qua lại nhiều lần Đồng Hới là thủ phủ của tỉnh Quảng Bình. Chức trách của ông là tổng thư văn, chỉ là một viên chức cấp dưới, giải quyết các công việc sự vụ, gửi các văn thư, nhưng đã tạo cho ông một sự khác biệt so với người dân làng An Xá.

Ông Cửu Nghiêm cũng là một nhà yêu nước đáng tự hào. Ông đã khá già, khi nhớ lại thời Trung kỳ còn chưa bị người Pháp cai trị. Cụ thân sinh ra ông đã từng chiến đấu trong phong trào Cần Vương chống Pháp bắt đầu từ tháng 7 năm 1885 lúc vua Hàm Nghi xuất bôn rời bỏ kinh thành Huế thoát khỏi sự kiểm soát của người Pháp để kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nền quân chủ khỏi sự kiềm chế của Pháp. Tuy nhiên do thiếu vũ khí, không có sự liên kết với các nơi nên phong trào tan rã năm 1896. Cửu Nghiêm nhớ lại cuộc nổi dậy đó và rất sung sướng tự hào rằng gia đình ông đã tham gia vào cuộc kháng chiến đầu tiên chống lại cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân.

Trong lúc ông Cửu Nghiêm lo hoàn thành bổn phận của một viên chức thì chính bà Nguyễn Thị Kiên phải đảm nhiệm thêm một phần công việc đồng áng ngoài công việc nội trợ của một phụ nữ trong gia đình.

Thân sinh bà cũng là một thủ lĩnh trong phong trào Cần vương đứng đầu một tỉnh. Cũng như chồng, bà luôn luôn nhớ lại cuộc đấu tranh chống Pháp và bà thường hay kể lại trước hết là cho các con, sau đó là các cháu về chuyện cha bà chiến đấu như thế nào chống lại bọn cướp nước.

Rất say mê quá khứ hào hùng của cha ông, của đất nước, bà Kiên có một trí nhớ rất chắc và tuy không biết chữ nhưng bà có thể kể vanh vách, đọc thuộc lòng những bài thơ và những truyện rất nổi tiếng bằng văn vần của Việt Nam như Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Tống Trân Cúc Hoa và nhiều truyện khác.

Giáp đã nhận xét: “Bà cụ thân sinh ra tôi nhớ như in những chuyện kháng chiến chống xâm lăng. Buổi tối dưới ánh đèn dầu, bà thường kể cho tôi các vụ án rất tàn bạo xử các nghĩa quân Cần Vương trong đó có ông ngoại, ông nội tôi”. Tiếp đó Giáp nhắc lại thời thơ ấu của ông đã được tắm mình trong những tình cảm yêu mến sâu sắc như thế nào. Nhiều đêm những bài thơ yêu nước như vè Thất thủ kinh đô nói về việc người Pháp đã triệt hạ kinh thành Huế như thế nào sau khi vua Hàm Nghi rời vào rừng kêu gọi sĩ phu cả nước cùng toàn dân đứng lên chống Pháp năm 1885. Như vậy ngay từ tấm bé Giáp đã tắm mình trong tinh thần yêu nước sục sôi của cả gia đình với một cảm xúc không bao giờ xa rời ông cho đến sau này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại