'Kiếm sĩ' Su-24 Ukraine tái xuất chiến đấu, trang bị tên lửa laser dẫn đường

Thu Hằng |

Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một chiếc Su-24 của Không quân Ukraine mang theo một loại vũ khí chính xác trên bầu trời kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng phát.

Theo trang Warzone, các máy bay cường kích Su-24 Fencer của Ukraine chịu tổn thất nặng nề nhưng một số ít vẫn tiếp tục tham chiến.

Tuy tương đối hiếm xuất hiện trong các cuộc không chiến ở Ukraine, một số cường kích Sukhoi Su-24M Fencer (Kiếm sĩ) của Kiev vẫn đang hoạt động rất tích cực. Một video được công bố gần đây đã cho thấy điều này.

Sukhoi Su-24M cũng là loại máy bay đã được Nga tung ra trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chiếc chiến đấu cơ cánh xoay này cung cấp cho Ukraine năng lực tấn công chính xác nhanh, vốn thiếu vắng trong dòng máy bay chiến đấu được thấy nhiều hơn là MiG-29 Fulcrum và Su-27 Flanker.

Bằng chứng là sự xuất hiện của các tên lửa đất đối không trang bị trên chiếc Su-24 được thấy trong video nói trên. Đây rõ ràng là lần đầu tiên một chiếc Su-24 của Không quân Ukraine mang theo một loại vũ khí chính xác kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu gần nửa năm trước.

Xem video Su-24 Ukraine mang theo tên lửa dẫn đường chính xác, lần đầu tiên xuất hiện kể từ khi xung đột bùng phát (Nguồn: Twitter)

Đoạn video về chiếc Su-24M Fencer-D bắt đầu được lan truyền rộng rãi từ ngày 9/8. Chiếc máy bay xuất hiện với nước sơn màu vàng, xanh lam, bình nhiên liệu khổng lồ dung tích 3.000 lít bên ngoài và phần bụng của thân máy bay.

Các dấu hiệu nhận biết tương tự được cho là nhằm mục đích ngăn ngừa các sự cố hỏa lực thân thiện, đặc biệt khi bay ở tầm thấp như thấy trong video.

Tuy nhiên, thú vị nhất là hai tên lửa không đối đất được mang trên các giá treo ngoài có thể xoay đặt trên phần chuyển động của cánh. Các loại vũ khí này thuộc serie tên lửa Kh-25, một dòng vũ khí mô-đun từ thời Liên Xô, có thể tích hợp với nhiều loại đầu dò khác nhau.

Số tên lửa này dường như là Kh-25ML, được phương Tây định danh là AS-10 Karen, sử dụng thiết bị dò laser bán chủ động.

Kiếm sĩ Su-24 Ukraine tái xuất chiến đấu, trang bị tên lửa laser dẫn đường - Ảnh 2.

Cận cảnh đầu dò 24N1 gắn ở mũi tên lửa Kh-25ML do Nga sản xuất. Ảnh: Wikimedia Commons

Một số nhà bình luận cho rằng tên lửa này dựa trên mẫu Kh-25MR, vốn sử dụng thiết bị dẫn đường chỉ huy vô tuyến sơ khai ở phía sau tên lửa.

Tuy nhiên Kh-25ML được sử dụng phổ biến hơn nhiều và cũng triển khai thực tế nhiều hơn trong chiến đấu. Trên ảnh chụp màn hình từ video mới nhất, dường như cho thấy đầu dò tia laser của Kh-25ML.

Số tên lửa trên gần như chắc chắn không có phạm vi hoạt động xa như Kh-25MP (phương Tây định danh là AS-12 Kegler), là một tên lửa chống bức xạ với đầu dò radar chủ động để nhắm mục tiêu vào các hệ thống tên lửa đất đối không của đối phương.

Chỉ dài 3,6 mét, Kh-25ML có tầm bay tối đa 10km, trọng lượng phóng 300kg, trong đó đầu đạn nổ nặng 90kg.

Kiếm sĩ Su-24 Ukraine tái xuất chiến đấu, trang bị tên lửa laser dẫn đường - Ảnh 3.

Tên lửa Kh-25ML trên Su-24 tại Bảo tàng Không quân Ukraine ở Vinnytsia. Ảnh: Wikimedia Commons


Các tên lửa dòng Kh-25, cho đến nay đã khá lỗi thời. Những chiếc đầu tiên được chuyển giao vào năm 1982 và sau khi Liên Xô sụp đổ, chỉ còn những lô nhỏ được xuất xưởng trước khi bị ngừng sản xuất hoàn toàn vào năm 1997.

Tuy nhiên, với tổng số khoảng 25.000 tên lửa Kh-25M được báo cáo đã sản xuất, một lượng dự trữ đáng kể vẫn còn, bao gồm ở Ukraine.

Kh-35ML cũng thỉnh thoảng được nhìn thấy trên các máy bay Su-24M của Nga, nhưng không phải ở Ukraine. Tuy nhiên, những chiếc Su-24 Fencer của Nga đã từng mang theo Kh-35ML tại Syria.

Ukraine sở hữu nhiều loại vũ khí dẫn được chính xác hơn cho phi đội Su-24 của mình. Số này bao gồm bom KAB—1500l laser dẫn đường và tên lửa laser dẫn đường Kh-29L (NATO định danh là AS-14 Kedge), cũng như bom KAB-500Kr dẫn đường truyền hình và Kh-29T.

Các tên lửa chống bức xạ, dùng để phá hủy các hệ thống phòng không đối phương, cũng sẵn có trong kho vũ khí Ukraine trước đây, bao gồm Kh-58 (hay AS-12 Kilter) và Kh-31P (AS-17 Krypton) có khả năng bay ở tốc độ Mach 3.5 (gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh).

Kiếm sĩ Su-24 Ukraine tái xuất chiến đấu, trang bị tên lửa laser dẫn đường - Ảnh 4.

Su-24 đã được cải tiến nhiều lần và có các phiên bản nâng cấp khác nhau. Ảnh: Militarytoday


Nhưng trong sứ mạng xuất hiện ở video mới nhất, không rõ tại sao tên lửa Kh-25ML lại được chọn. Giới quan sát cho rằng điều đó có thể phản ánh tình trạng cạn kiệt vũ khí dẫn đường chính xác trong kho của Ukraine, hoặc so thể là một loại vũ khí kích cỡ nhỏ hơn được lựa chọn, dựa trên mục tiêu mà nó định nhắm tới. Có thể đây là một mục tiêu di động, cần sử dụng hệ thống dẫn đường laser để nhắm trúng.

Không quân Ukraine cũng đã có kinh nghiệm huấn luyện bắn đạn thật gần đây với Kh-25ML, dựa trên video trong buồng lái này được báo cáo từ tháng 10 năm ngoái.

Sukhoi Su-24 là một máy bay cường kích, ném bom của Liên Xô ra đời vào giữa những năm 1970. Nó có thể bay trong mọi loại hình thời tiết, có 2 chỗ, 2 động cơ, và là chiếc máy bay Liên Xô đầu tiên được trang bị hệ thống tích hợp số dẫn đường/tấn công.

Tới năm 2010, nó dần bị thay thế trong Không quân Nga bởi loại Su-34 tiên tiến hơn, nhưng vẫn hoạt động tích cực trong không quân nhiều quốc gia trên thế giới.

Kiếm sĩ Su-24 Ukraine tái xuất chiến đấu, trang bị tên lửa laser dẫn đường - Ảnh 6.

Sukhoi Su-24 ra đời từ thập niên 1970 và đã ngừng sản xuất từ năm 1997.


Vũ khí trang bị của Su-24 là một pháo đơn bắn nhanh GSh-6-23 với 500 viên đạn, gắn ở dưới bụng. Không giống như MiG-27 đặt pháo ở bên ngoài, Su-24 có một cửa chớp để khi không sử dụng súng thì đóng lại.

Nó có 8 điểm treo vũ khí (2 dưới phần khớp quay cánh, 2 dưới cánh ngoài và 4 dưới thân máy bay) có thể mang đến 8.000 kg vũ khí, bao gồm các vũ khí hạt nhân khác nhau.

Do được thiết kế là máy bay cường kích nên khả năng không chiến của Su-24 là tương đối yếu, nó thường được máy bay tiêm kích bay kèm để hộ tống.

Trong trường hợp không có tiêm kích hộ tống, Su-24 có thể mang theo 2 hoặc 4 tên lửa dẫn đường hồng ngoại tầm ngắn R-60 (hay AA-8) để tự vệ. Tuy nhiên do tầm bắn của AA-8 khá ngắn nên Su-24 được khuyến cáo chỉ nên giao chiến với máy bay vận tải, cường kích hoặc trực thăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại