Lãnh đạo đảng PVV ở Hà Lan Geert Wilders. Ảnh: AP
Theo tờ Pravda châu Âu của Ukraine ngày 26/11, đảng Tự do PVV dân túy cánh hữu do Geert Wilders lãnh đạo đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Hà Lan. Ukraine biết đến đảng này chủ yếu vì lập trường hoài nghi châu Âu, vai trò của đảng này trong cuộc trưng cầu dân ý nổi tiếng về Thỏa thuận liên kết Ukraine với EU, kêu gọi ngừng hỗ trợ quân sự cho Kiev và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.
Nhà phân tích người Ukraine Hleb Volosky của Quỹ "Come Back Alive", tổ chức kêu gọi từ thiện hỗ trợ quân đội Ukraine, đã mô tả 4 kịch bản có thể xảy ra đối với những diễn biến chính trị trong tương lai tại Hà Lan và giải thích về việc liệu chính phủ mới ở nước này có ngừng hỗ trợ cho Ukraine hay không.
Theo kết quả, PVV có thể được 37 ghế trong Quốc hội Hà Lan. Con số này cao hơn đáng kể so với kết quả từ các cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, bất chấp kết quả, ông Wilders sẽ không thể thành lập chính phủ một cách độc lập vì ông cần ít nhất 76 ghế trong tổng số 150 ghế. Như vậy, PVV hiện thiếu 39 ghế để chiếm đa số.
Xếp thứ hai là liên minh Công đảng và đảng Xanh (GroenLinks–PvdA) - 25 ghế và đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) với 24 ghế. kết quả dẫn đầu, ông Wilders là người đầu tiên được giao trọng trách đàm phán tìm kiếm đối tác liên minh, ít nhất là 2-3 đảng, trong đó các đảng VVD và đảng Khế ước xã hội mới (NSC - giành được 20 ghế) là những đối tác tiềm năng nhất hiện nay.
Do đó, tình hình chính trị tiếp theo ở Hà Lan có thể diễn biến theo 4 kịch bản:
Kịch bản 1 : PVV nỗ lực thành lập chính phủ với các đảng hàng đầu khác: GroenLinks–PvdA, VVD và NSC. Trong kịch bản này, các cuộc đàm phán sẽ cực kỳ khó khăn vì các đảng trên đã loại trừ khả năng liên minh với ông Wilders. Trong trường hợp này, ông Wilders sẽ cần phải thực hiện nhiều thỏa hiệp.
Kịch bản 2 : GroenLinks–PvdA, VVD và NSC có thể hợp nhất và cùng với một số đảng nhỏ hơn tạo thành đa số. Bất chấp những khác biệt về hệ tư tưởng, đặc biệt là vấn đề di cư, họ có chung quan điểm ôn hòa và không sẵn sàng hợp tác với PVV.
Kịch bản 3 : Quốc hội Hà Lan có thể đồng ý thành lập cái gọi là chính phủ thiểu số khi một liên minh tạm thời của một số đảng sẽ thành phần nội các, nhưng mỗi đảng sẽ độc lập quyết định xem có ủng hộ các sáng kiến của chính phủ trong từng trường hợp hay không.
Kịch bản 4 : Nếu việc thành lập liên minh không thành công và quốc hội không thể thống nhất về thiểu số, các cuộc bầu cử sớm mới có thể được tổ chức ở Hà Lan.
Tình hình chính trị ở Hà Lan có thể biến động trong vài tháng tới và trong thời gian này, Nội các hiện tại dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mark Rutte sẽ tiếp tục điều hành đất nước. Bất chấp kết quả bầu cử, Hà Lan đã công bố gói viện trợ trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine vào năm tới.
Khả năng sẽ có những cuộc đàm phán kéo dài về một liên minh mới trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lập trường chính trị của Hà Lan đối với Ukraine khi đó khó có thể thay đổi. Kịch bản tốt nhất là liên minh giữa GroenLinks-PvDa, PVVD và NSC, những đảng có thể cung cấp các điều kiện tốt nhất để Ukraine tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Hà Lan.
Trường hợp xấu nhất là khi PVV thành lập được liên minh, nhưng PVV sẽ phải thỏa hiệp với ít nhất hai đảng ủng hộ Ukraine tích cực, qua đó làm dịu đi quan điểm của ông Wilders.
Tóm lại, theo nhà phân tích Volosky, dù PVV giành chiến thắng nhưng hầu hết các đảng trong quốc hội mới ở Hà Lan vẫn ủng hộ Ukraine. Do đó, kết quả bầu cử không nên được coi là việc Hà Lan quay lưng lại với Ukraine trong khi đa số người dân Hà Lan vẫn tiếp tục ủng hộ việc hỗ trợ cả viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.