Khuynh đảo Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết tiếp “giấc mơ bá chủ” của Đế chế Ottoman?

Mạnh Kiên |

Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở mọi điểm nóng Trung Đông, từ Syria đến Libya, đối mặt với những thế lực Ả Rập “không thể đụng đến”. Phải chăng Ankara đang mơ quay trở lại hào quang của Đế chế Ottoman năm xưa?

Lấy lại vinh quang

Khuynh đảo Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết tiếp “giấc mơ bá chủ” của Đế chế Ottoman? - Ảnh 1.

Trong vài năm qua, chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành mối lo ngại đối với nhiều quốc gia láng giềng. Ankara có mặt ở gần như mọi điểm nóng xung đột và về cơ bản chứng tỏ được vị thế của mình.

Vào tháng 7, sau cuộc đụng độ giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh, Ankara đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với quân đội Azerbaijan, thể hiện rõ ràng lập trường đứng về phía đồng minh.

Vào tháng 5, hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli phản công trước lực lượng của Quân đội Quốc gia Libya do tướng Khalifa Haftar chỉ huy, người được Ai Cập và UAE hậu thuẫn.

Vào tháng 2, sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản nỗ lực của chính quyền Syria và đồng minh của Iran trong việc giành quyền kiểm soát thành trì đối lập cuối cùng ở Idlib, Syria.

Có thể thấy, chính sách đối ngoại ngày nay của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi từ Tây Balkan và Caucasus sang vùng Vịnh và đến tận vùng Sừng châu Phi.

Điều này đã khiến một số nhà phân tích gọi các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ là tham vọng "Ottoman mới" giành lấy quyền bá chủ trong khu vực và làm sống lại hào quang lẫy lừng năm xưa.

Khuynh đảo Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết tiếp “giấc mơ bá chủ” của Đế chế Ottoman? - Ảnh 2.

Tuy nhiên tờ Al Jazeera cho rằng, Ankara thực chất đang có một chính sách đối ngoại khôn khéo và mang tính chất phòng thủ nhiều hơn, được che đậy bởi những tuyên bố khoa trương và những hành động tượng trưng.

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ được xác định bởi ba cân nhắc chính: Ổn định nội bộ và toàn vẹn lãnh thổ; nhận thức mối đe dọa từ các đối thủ trong khu vực đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Trung Đông; và cuối cùng là xây dựng nguồn năng lượng độc lập.

Bảo vệ sự ổn định trong nước

Sự kiện "Mùa xuân Ả Rập" và khoảng trống sau khi Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 là những bối cảnh khách quan buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải xem xét lại cách tiếp cận khu vực của mình. Cùng với đó, cuộc xung đột năm 2015 với đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nỗ lực đảo chính thất bại vào tháng 7/2016 đã càng củng cố thêm suy nghĩ này, khi giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lo ngại về các mối đe dọa từ bên ngoài đối với sự ổn định trong nước.

Vào năm 2017, hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã được sửa đổi để trao cho tổng thống quyền lực sâu rộng trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh, giúp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan theo đuổi một chiến lược khu vực quyết đoán hơn.

Sự thay đổi lớn đầu tiên về chính sách đã được tiến hành ở Syria. Đến năm 2016, Ankara nhận ra rằng họ đã đánh mất cơ hội định hình kết quả của cuộc xung đột Syria.

Mặc dù có đường biên giới dài 900 km với Syria, rõ ràng là nước này đã không đạt được bất kỳ mục tiêu chính sách quan trọng nào, mà nổi bật trong đó là mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và thành lập một chính quyền thân thiện hơn ở Damascus.

Khuynh đảo Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết tiếp “giấc mơ bá chủ” của Đế chế Ottoman? - Ảnh 3.

Ngược lại, Nga và Iran - cả hai đều không có chung biên giới với Syria - đã thành công hơn trong việc đảm bảo lợi ích ở quốc gia này. Cả hai đã nỗ lực giúp cho chính quyền Assad tránh khỏi nguy cơ sụp đổ và ngăn chặn bước tiến của phe đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Sau khi Nga can thiệp quân sự vào tháng 9/2015, khả năng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đến diễn biến của cuộc xung đột đã giảm xuống mức tối thiểu. Sự hỗ trợ của Mỹ đối với người Kurd cũng khiến Ankara phải suy nghĩ lại về chính sách Syria của mình.

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra một mục tiêu khiêm tốn hơn: Ngăn chặn việc thiết lập một khu vực người Kurd dọc theo biên giới phía Nam, được cho là nguy cơ gây mất ổn định đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã từ bỏ mục đích ưu tiên là thay đổi chính quyền Damascus để giành được sự chấp thuận của Nga về việc can thiệp quân sự vào phía Bắc và tây bắc của Syria để theo đuổi mục tiêu mới này.

Do đó, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trở nên giới hạn trong các khu vực tiếp giáp với biên giới và không còn quan tâm đến tương lai của Damascus. Việc kiềm chế tác động bất ổn của cuộc xung đột Syria lên lãnh thổ của mình trở thành mối quan tâm chính đối với Ankara.

Khuynh đảo Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết tiếp “giấc mơ bá chủ” của Đế chế Ottoman? - Ảnh 4.

Mối đe dọa trong khu vực và độc lập về năng lượng

Một trong những động lực quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là an ninh năng lượng. Hiện tại, Nga và Iran cung cấp khoảng 80% nhu cầu năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cạnh tranh với cả hai đặt Ankara vào một vị trí mong manh.

Đó là lý do tại sao trong vài năm qua, Ankara đã theo đuổi đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và tăng cường nỗ lực thăm dò năng lượng ở các vùng biển lân cận, bao gồm cả Địa Trung Hải. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của nước này đối với Libya.

Khi cuộc chiến Libya lần thứ hai vào năm 2014 nổ ra, với việc tướng Haftar tìm cách thống nhất Libya, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không quan tâm đến việc đóng bất kỳ vai trò chính nào trong cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.

Sự chú ý của họ tập trung vào Syria bên cạnh và các mối đe dọa trước mắt khác. Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với GNA chỉ giới hạn ở sự hậu thuẫn về mặt truyền thông và ngoại giao.

Việc thành lập Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) vào đầu năm 2019 bởi Ai Cập, Hy Lạp, Síp, Israel, Italy, Jordan và Chính quyền Palestine đã làm tăng cảm giác bất an của Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này bị loại khỏi một thỏa thuận khu vực nhằm biến đổi Đông Địa Trung Hải thành một trung tâm năng lượng lớn.

Khi đó, Libya nổi lên là cơ hội hứa hẹn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại các nỗ lực bị cô lập. Sự thù địch ngày càng tăng của Ai Cập và UAE cũng thúc đẩy sự thay đổi chính sách này.

Khuynh đảo Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn viết tiếp “giấc mơ bá chủ” của Đế chế Ottoman? - Ảnh 6.

Vào tháng 11/2019, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với GNA về các khu vực tài phán trên biển Địa Trung Hải, điều này đã thay đổi cơ bản ranh giới của các vùng đặc quyền kinh tế ở phía Đông Địa Trung Hải, cho thấy ý định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn bất kỳ dự án xuất khẩu năng lượng nào sang châu Âu mà không có sự đồng ý của nước này.

Do đó, sự tồn tại của chính quyền GNA ở Tripoli trở thành lợi ích cốt lõi của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tướng Haftar tăng cường tấn công vào Tripoli đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thêm hậu thuẫn đối với GNA, làm thay đổi động lực của cuộc xung đột Libya.

Sự cạnh tranh trong khu vực với UAE - mà Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016 - cũng đã thúc đẩy nước này vào năm 2017 chống lại hành động phong tỏa đối với Qatar, đồng minh chính và là nhà cung cấp khí đốt quan trọng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giải thích các hành động của UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập là một nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền ở Doha - một hình thức tiếp nối âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bằng cách hỗ trợ Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế đang tự bảo vệ mình và nâng cao vị thế so với đối thủ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gấp rút phê chuẩn thỏa thuận quân sự với Doha và quân đội đã được điều động đến quốc gia đồng minh để ngăn chặn hành động quân sự có thể xảy ra của Saudi Arabia.

Do đó, đằng sau những gì có vẻ là một chính sách đối ngoại hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ là một chủ nghĩa phòng thủ thực dụng hơn là tham vọng khôi phục lại vinh quang của đế chế Ottoman năm xưa.

Trên thực tế, trong hầu hết các chủ trương thể hiện quyền lực của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ép buộc bởi hoàn cảnh bên ngoài, chứ không phải là một động lực bành trướng từ bên trong. Đây là một trong nhiều hệ quả của việc Mỹ xoay trục ra khỏi Trung Đông.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại