"Khủng long thép" - Cơn ác mộng kinh hoàng nhất với Trung Quốc trên Biển Đông

QS |

Đó là nhận định của chuyên gia Salvatore Babones khi nói về khả năng sống sót đáng nể của những cỗ máy chiến tranh được ví như "khủng long thép".

Những "con khủng long thép"

Trong Thế chiến II, các siêu thiết giáp hạm Yamato và Musashi của Nhật Bản đều được trang bị pháo cỡ 18.1 inch – loại pháo hạm lớn nhất từng được triển khai, nhưng chúng chưa từng đánh chìm được tàu chiến nào của Mỹ.

Trong cuộc xung đột với lực lượng quyết định là không quân hải quân, hai tàu Yamato và Musashi chỉ được sử dụng chủ yếu làm kỳ hạm và phương tiện vận chuyển binh lính.

Bất chấp các loại vũ khí khổng lồ được trang bị, chúng vẫn chỉ là "những con khủng long thép" từ thời kỳ xa xưa.

Nhưng làm thế nào để đánh chìm được những con "khủng long thép" này? Câu trả lời là "Rất khó". Phải mất tới 11 quả ngư lôi và 6 quả bom mới đánh chìm được Yamato, còn Musashi thì phải mất tới 19 quả ngư lôi và 17 quả bom.

Khủng long thép - Cơn ác mộng kinh hoàng nhất với Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 1.

Thiết giáp hạm Yamato bị trúng bom trong Trận đánh biển Sibuyan ngày 24/10/1944. Vụ đánh bom không gây hư hại nghiêm trọng cho con tàu. Ảnh: Wiki

Cần lưu ý, vào thời điểm bị đánh chìm, cả 2 con tàu mới chỉ được sửa chữa qua loa sau các vụ tấn công bằng ngư lôi trước đó. Vì vậy, mặc dù về mặt chiến lược, chúng có lẽ là những con tàu vô dụng nhưng phải thừa nhận một điều, Yamato và Musashi từng gần như không thể bị hủy diệt.

Công tác chế tạo chúng đòi hỏi xây dựng kế hoạch trước trong nhiều thập kỷ, và các nhà hoạch định hải quân luôn đứng trước nguy cơ đây là cuộc chiến tranh cuối cùng mà họ phải đối đầu.

Khủng long thép - Cơn ác mộng kinh hoàng nhất với Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 2.

Thiết giáp hạm Musashi dưới làn đạn của quân Mỹ trong trận chiến vịnh Leyte. Ảnh: Wiki

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Hải quân Mỹ đã chuyển hướng tập trung cho tàu sân bay. Nhưng chiến tranh không phải lúc nào cũng xảy ra, còn các nhiệm vụ khác thì đầy rẫy.

Trước sự nổi lên của Trung Quốc, một trong những nhiệm vụ thường trực nhất của Hải quân Mỹ là duy trì các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và điều này không đòi hỏi họ phải chiến đấu.

Trong một vài năm trở lại đây, Trung Quốc ngày càng ngang ngược với các tuyên bố phi pháp về hàng hải ở Biển Đông.

Để đáp trả, Mỹ thường tiến hành các hoạt động FONOP, điều tàu khu trục đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc để phản đối tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuy nhiên, tàu khu trục vẫn khá "mong manh". Tháng 6 năm ngoái, tàu USS Fitzgerald đã phải tạm dừng hoạt động sau khi va chạm với một tàu chở hàng, khiến 7 thủy thủ trên chiến hạm Mỹ thiệt mạng.

Tới tháng 8 cùng năm, tàu USS John S. McCain đã gần như bị chìm khi đâm vào tàu chở dầu, khiến 10 thủy thủ thiệt mạng. Trong khi đó, tàu chở dầu lại không hề hấn gì.

Nếu không xét tới yếu tố vận hành kém thì 2 vụ va chạm trên đã cho thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với các tàu hải quân Mỹ hiện nay, đó là "khả năng sống sót thấp".

Trước đây, các tàu hải quân mới là thứ khiến tàu chở dầu "khiếp sợ", chứ không phải theo hướng ngược lại như vậy.

Hải quân Mỹ chắc chắn vẫn cần có hỏa lực của các nhóm tác chiến tàu sân bay và cả những chiếc tàu khu trục "mong manh" trên. Song, trong bối cảnh Trung Quốc đang phát triển khả năng tấn công chính xác thì những con tàu không được bọc giáp của Hải quân Mỹ có thể gặp nguy hiểm khi di chuyển ở Biển Đông.

Tàng hình là một cách để tránh bị tấn công và Mỹ luôn đi đầu trong lĩnh vực phát triển các tàu khu trục tàng hình. Thế nhưng, công nghệ tàng hình lại phá hỏng mục đích thực hiện hoạt động FONOP, bởi chiến hạm Mỹ cần phải hiện diện để Trung Quốc quan sát thấy.

Theo nhà phân tích Salvatore Babones, chuyên ngành Xã hội học và Chính sách xã hội tại Đại học Sydney, trong trường hợp này, một thiết giáp hạm khổng lồ có vẻ là lựa chọn thích hợp. Nhưng Hải quân Mỹ không cần thiết phải chế tạo thiết giáp hạm theo phong cách của thế kỷ 20, họ có thể cách tân nó.

Thiết giáp hạm hiện đại sẽ kết hợp các loại giáp tiên tiến với khả năng tự động kiểm soát thiệt hại để cho ra đời một con tàu gần như không thể đánh chìm.

Vũ khí tấn công trên tàu có thể được trang bị tùy nhiệm vụ cụ thể nhưng điều quan trọng chính là khả năng sống sót của chúng.

"Cơn ác mộng" kinh hoàng nhất với Trung Quốc

Ông Babones cho rằng, "thiết giáp hạm tương lai" có thể đối phó với những thách thức mà chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc đặt ra để "hất cẳng" Mỹ khỏi tây Thái Bình dương.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng và cải tạo mạng lưới cảm biến trên bờ, xa bờ, dưới lòng biển và trong không gian tới một mức độ cho phép họ sớm có thể nắm bắt được mọi động tĩnh xung quanh lục địa Trung Quốc và chuỗi đảo thứ nhất (qua Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines).

Bên cạnh đó, những cải tiến về vũ khí chính xác có thể cho phép Trung Quốc tấn công bất cứ mục tiêu nào trong phạm vi quan sát của mình.

Mỹ đã đưa ra các kế hoạch chiến thuật để đối phó, trong đó đều cho rằng cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công.

Tức là thay vì phòng vệ trước các cuộc tấn công A2/AD của Trung Quốc thì Mỹ nên tấn công trước để tiêu diệt mạng lưới chỉ huy - kiểm soát giữ vai trò kết nối cảm biến với các phương tiện tấn công chính xác của Trung Quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ, điều đó có thể làm tình hình leo thang thành một cuộc tấn công tổng lực.

Trong bối cảnh đó, theo ông Babones, Mỹ cần tới thiết giáp hạm tương lai. Nó sẽ mang lại cho Mỹ lựa chọn phòng vệ trước một cuộc xung đột hạn chế. Chẳng hạn, thiết giáp hạm tương lai có thể đáp trả động thái khiêu khích của Trung Quốc bằng cách vô hiệu hóa các cảm biến ở đáy biển hoặc cắt cáp ngầm của nước này.

Thiết giáp hạm cũng có thể sống sót khi bị tàu chiến đối phương đâm vào, trong khi đây là một trong những chiến thuật ưa thích của Trung Quốc và Triều Tiên.

Khủng long thép - Cơn ác mộng kinh hoàng nhất với Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 3.

Thiết giáp hạm USS Iowa của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Nếu A2/AD leo thang thành một cuộc chiến tranh hỏa lực thì thiết giáp hạm vẫn có thể hoạt động tại khu vực nguy hiểm để Mỹ dùng các hoạt động tấn công đảo ngược tình thế.

Ông Babones nhận định, chắc chắn Hải quân Mỹ sẽ không bao giờ quay lại thời kỳ hạm đội với các thiết giáp hạm trang bị pháo khủng. Tuy nhiên, đây là lúc họ cần xem xét lại vai trò của thiết giáp trong cấu trúc hải quân.

Ngay cả các hoạt động tấn công cũng cần tới những phương tiện bền bỉ, đủ sức chịu tổn hại và duy trì chiến đấu.

Thiết giáp hạm tương lai sẽ mang lại cho Hải quân Mỹ, và rộng hơn là Tổng thống Mỹ, nhiều lựa chọn hơn thay vì hủy diệt hoàn toàn đối phương.

Theo vị chuyên gia, các hoạt động FONOP thường xuyên đã cho thấy sự cần thiết của những lựa chọn này. Mối đe dọa A2/AD sẽ đặt ra nhiều nhiệm vụ thậm chí nguy hiểm hơn mà chỉ có một chiếc thiết giáp hạm vững chắc của tương lai mới có thể thực hiện an toàn.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Salvatore Babones

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại