Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar bị cô lập, Trung Quốc bất an

Hải Võ |

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh có khả năng trở thành "cơn ác mộng" cho sáng kiến Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc - theo SCMP.

Qatar bị cô lập

Ngày 5/6, ba nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cùng Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, một thành viên GCC, với cáo buộc nước này "gây bất ổn cho khu vực" và "tài trợ khủng bố".

Cựu trợ lý ngoại trưởng Ai Cập, ông Hussein Hariedy, trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã cho biết động thái này "diễn ra sau khi mọi nỗ lực hòa giải ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo hồi tháng trước thất bại".

"Những quyết định mới đây về cắt quan hệ ngoại giao sẽ cô lập Qatar tại GCC, cũng như Liên đoàn Ả Rập (AL)," ông Hariedy chỉ ra. "Điều này chắc chắn sẽ làm Qatar thiệt hại rất lớn".

Biện pháp của các nước chống lại Qatar không chỉ nhằm vào chính quyền Doha mà còn tác động lên cả người dân Qatar.

Qatar nhập khẩu phần lớn thực phẩm từ Saudi Arabia, quốc gia duy nhất mà nước này chia sẻ đường biên giới. Theo Hariedy, với các mối hợp tác thương mại ở vùng Vịnh, cuộc khủng hoảng "chắc chắn sẽ tác động đến tất cả việc kinh doanh".

Để đáp trả, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nhấn mạnh những biện pháp cô lập từ các nước sẽ không ảnh hưởng được tới đời sống bình thường của công dân và cư dân ở Qatar. Ông khẳng định chính phủ nước này sẽ tiến hành mọi giải pháp cần thiết để "ngăn chặn ý đồ gây tổn hại đến xã hội và nền kinh tế" Qatar.

Kế hoạch lớn Trung Quốc chịu ảnh hưởng

Hầu hết quốc gia liên quan đến vụ khủng hoảng ngoại giao đang xảy ra ở Trung Đông có liên quan đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013, đi qua 65 nước và trải dài trên ba lục địa Á, Âu, Phi.

Bán đảo Ả Rập là nguồn cung dầu khí hàng đầu cho Trung Quốc - nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Giá dầu thế giới đã tăng trong phiên giao dịch sáng mùng 5.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Pang Zhongying, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học hải dương Trung Quốc, cho biết rạn nứt giữa các nước Trung Đông sẽ khiến Bắc Kinh khó kiểm soát các mối quan hệ trong khu vực.

"Trung Quốc có lợi ích kinh tế khổng lồ ở Trung Đông," ông nói. "Với Vành đai và Con đường, cùng các sáng kiến khác, mà Bắc Kinh đang tiến hành để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực, Trung Quốc có thể cần phải cân nhắc điều chỉnh phương châm ngoại giao 'không can thiệp'."

Zhu Bin, nhà phân tích của Southwest Securities (Mỹ), nói: "Các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đánh dấu sự khởi đầu một vòng hỗn loạn mới, thậm chí là xung đột và chiến tranh ở Trung Đông."

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar bị cô lập, Trung Quốc bất an - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Liên đoàn Ả Rập, kêu gọi hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập (Ảnh: Xinhua)

Thương mại giữa Trung Quốc và Trung Đông

Saudi là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở khu vực này, và Bắc Kinh hiện là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Riyadh.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Saudi sang Trung Quốc đạt 5.61 tỉ USD, nhập khẩu 23.97 tỉ USD. Năm 2016, quy mô thương mại hai chiều đạt 42 tỉ USD.

Qatar xuất khẩu hàng hóa trị giá 5.24 tỉ USD sang Trung Quốc năm 2015, và nhập khẩu 3.7 tỉ USD.

Nhưng đối với phần lớn quốc gia dính líu vào cuộc khủng hoảng ngoại giao mới nhất ở Trung Đông, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu quan trọng hơn là một đối tác xuất khẩu.

Những dự án lớn của Trung Quốc ở Trung Đông

Trung Đông được xem là đối tác trọng yếu trong Con đường tơ lụa thế kỷ 21, nhờ vào vị trí chiến lược nằm giữa châu Á và châu Âu. Nơi này cũng nắm giữ nguồn năng lượng phong phú, với nhiều dự béo bở về xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp khu vực đã lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Vào tháng 5/2015, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) trở thành nhà băng Trung Quốc đầu tiên đặt cơ sở ở Saudi Arabia khi mở chi nhánh tại Riyadh. Trước đó 1 tháng, Bắc Kinh đã lập trung tâm thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ ở Qatar - cơ sở đầu tiên tại Trung Đông.

Trước đó cùng năm, Bắc Kinh và Riyadh ký một bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trị giá 65 tỉ USD, bao gồm các nỗ lực chung trong ngành năng lượng và tài chính. Trung Quốc còn ký một thỏa thuận hợp tác với Saudi để sản xuất máy bay không người lái CH-4.

Năm 2016, công ty Cosco Shipping Ports của Trung Quốc rót 400 triệu USD xây dựng cảng container ở Abu Dhabi, thủ đô UAE.

Bán đảo Ả Rập và sáng kiến Con đường tơ lụa

Theo SCMP, các nước Ả Rập tỏ ra cởi mở với kế hoạch lớn của Trung Quốc. Hồi tháng trước, Bộ trưởng năng lượng Saudi, Khalid Al-Falih khen ngợi sáng kiến này. Ông nói "tiềm năng mà sáng kiến độc đáo này đem lại là rộng lớn và hứa hẹn".

UAE cũng quan tâm đến lợi ích có được từ Con đường - theo lời Thống đốc Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC), ông Essa Kazim.

Hồi năm ngoái, Qatar đã trở thành đối tác chủ chốt để Bắc Kinh phát triển kế hoạch. Doha cam kết sẽ đóng vai trò tích cực.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar bị cô lập, Trung Quốc bất an - Ảnh 2.

Xe khảo sát địa chất của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc thăm dò mỏ dầu al-Ahdab ở Iraq (Ảnh: Reuters/Thaier al-Sudani)

Vai trò của Bắc Kinh

Trung Quốc "có truyền thống" đứng ngoài các vấn đề chính trị của Trung Đông, không chọn phe và duy trì quan hệ tốt với tất cả đối tác. Nhưng chính sách này đang dần thay đổi bởi các liên hệ trong khu vực được tăng cường.

Tháng 4/2015, một tàu tuần dương Trung Quốc đã tham gia sơ tán 225 người nước ngoài khỏi Yemen, đánh dấu lần đầu tiên quân đội Trung Quốc can thiệp sự vụ ở "vùng nguy hiểm" thuộc Trung Đông.

Đến năm ngoái, Bắc Kinh bổ nhiệm đặc phái viên đầu tiên phụ trách vấn đề Syria. Đây được đánh giá là động thái đáng kể để Trung Quốc hiện diện nhiều hơn trong môi trường ngoại giao Trung Đông.

Trong báo cáo chính sách về Ả Rập đầu tiên được Trung Quốc công bố đầu năm 2016, dù vẫn còn mơ hồ, Bắc Kinh đã nhấn mạnh cam kết với hòa bình và ổn định khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại