Trong thông báo được đưa ra vào ngày 7/9/2015, ban quản lý khu chung cư Đại Dương ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có đoạn:
"Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cuộc sống bình thường của người dân, tất cả các cư dân và doanh nghiệp trong khu chung cư Đại Dương không được phép nuôi chó, bất kể thuộc giống loài nào (cho dù đã có giấy chứng nhận tiêm phòng hay chưa).
Từ nay cho đến trước mùng 10 tháng này, các hộ gia đình tự xử lý chó của nhà mình, nếu không cơ quan chức năng sẽ đến tận nơi bắt giết hết chó.
Đề nghị các hộ dân và doanh nghiệp tự giám sát lẫn nhau, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành quy định."
Thông báo này của ban quản lý khu chung cư đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều người yêu động vật. Họ kịch kiệt phản đối lệnh cấm hết sức vô lý và vô nhân đạo nói trên.
Tuy nhiên, theo một nhân viên làm việc trong khu chung cư, đây là "ý muốn của hơn 1.000 người dân", bởi họ quá bực bội khi các gia đình nuôi chó không tự giác giữ gìn vệ sinh chung, để chó phóng uế bừa bãi, nửa đêm còn để chó sủa ăng ẳng làm ảnh hưởng đến khoảng thời gian nghỉ ngơi của người khác.
Hơn nữa, các hộ dân nuôi chó thường không chịu buộc dây hay rọ mõm chó mỗi khi đưa chúng đi dạo, dẫn đến những vụ chó dữ tấn công người, đặc biệt là khi trong khu chung cư còn có một ngôi trường tiểu học và đã từng có học sinh bị chó cắn.
Khu chung cư Đại Dương không phải là nơi đầu tiên xuất hiện những rắc rối về chó tại Trung Quốc.
Trước đây, tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, các quan chức tỉnh cũng đưa ra luật cấm người dân nuôi 22 loại chó, bao gồm cả chó ngao Tây Tạng và chó chăn cừu Đức.
Tỉnh Tứ Xuyên cũng từng có huyện cấm dắt chó đến những nơi công cộng, và đưa ra cảnh báo cảnh sát sẽ giết bất cứ chú chó nào mà họ nhìn thấy trên đường.
Các cư dân mạng Trung Quốc từng đăng tải trên mạng xã hội những hình ảnh cảnh sát Tứ Xuyên đập chết chó.
Tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc cũng từng xảy ra vụ việc dân thường và cảnh sát hùa nhau đánh đuổi 2 chú chó ngao Tây Tạng đến chết.
Được biết, 2 chú chó này là của 1 người dân địa phương nuôi để chăn cừu.
Tuy Trung Quốc đã có lệnh bảo tồn các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng chưa đưa ra luật cấm đối xử tàn ác với thú nuôi hay những quy định về thú nuôi ở nơi công cộng, chẳng hạn như vật nuôi muốn ra đường phải bị xích hoặc bị rọ mõm, hay phạt tiền chủ nếu không chịu dọn dẹp khi vật nuôi tiểu tiện bừa bãi...