Theo nguồn tin này, các chương trình với tên gọi NGAD - Next Generation Air Dominance (tạm dịch: Máy bay giành ưu thế trên không thế hệ kế tiếp) và PCA - Penetrating Counter Air (tạm dịch: Xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương) đang trong quá trình đánh giá yêu cầu và lựa chọn các giải pháp kỹ chiến thuật tối ưu.
Các vấn đề trên đã được đưa ra thảo luận trong khuôn khổ hội thảo Air Superiority 2030 ECCT diễn ra tại căn cứ không quân Wright-Patterson, bang Ohio. Các chuyên gia tham dự hội thảo đánh giá, với các yêu cầu kỹ thuật được công bố, máy bay tiêm kích thế hệ mới dành cho Không quân Mỹ sẽ xuất hiện không sớm hơn năm 2040.
Tuy nhiên, giới chức Không quân Mỹ cho rằng, tiến trình này có thể được rút ngắn nhờ việc áp dụng công nghệ thử nghiệm trong thực tế ảo kết hợp với thử nghiệm trên các nguyên mẫu thực địa.
“Chúng tôi nhận định rằng, máy bay tiêm kích mới có thể xuất hiện vào năm 2028 với điều kiện PCA được phân bổ đủ nguồn kinh phí theo từng năm”, Chuẩn tướng Alexis Grinkevich, người lãnh đạo nhóm phát triển máy bay tiêm kích thế hệ mới, cho biết.
Hình ảnh mô phỏng của chương trình NGAD. Ảnh: nationalinterest.org
Theo lời ông A. Grinkevich, Không quân Mỹ đang cố gắng tránh dùng những thuật ngữ như: Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 hay máy bay tiêm kích thế hệ kế tiếp khi nói về chương trình máy bay tiêm kích mới.
Thực tế, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì để nói về nền tảng kỹ thuật hàng không mới này. Tuy nhiên, có thể chỉ ra một số điểm là máy bay tiêm kích mới sẽ là bước tiến công nghệ hoàn toàn khác so với các dòng máy bay tiêm kích trước đây và nó là một phần trong mạng chiến đấu tích hợp.
Ông A. Grinkevich đánh giá, máy bay tiêm kích mới ngoài yêu cầu về khả năng đánh chặn hay xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương để thực hiện các nhiệm vụ đột kích, còn là một hệ thống điện tử trong hệ thống tích hợp.
“Đó thực sự không phải là một chiếc máy bay chiến đấu đơn thuần”, ông A. Grinkevich nói. Chuyên gia này giải thích, máy bay chiến đấu mới có thể là một biến thể không người lái tự động hóa với khả năng chịu gia tải trọng trường tới 9G, kết cấu thân cánh và hệ thống chiến đấu.
Trước đây, NGAD thường được biết tới với tên gọi khác của dự án máy bay chiến đấu tương lai F/A-XX. Nó được dự định sẽ thay thế các đơn vị máy bay F/A-18 của Hải quân Mỹ. Sau này, khi nhận ra tiềm năng của dự án, Không quân Mỹ cũng muốn tham gia dự án.
Trong năm 2013, hãng chế tạo Boeing đã giới thiệu thiết kế máy bay F/A-XX của hãng và khẳng định đã có đủ công nghệ cần thiết để bắt tay vào phát triển nó. Tuy nhiên, từ đó tới nay, không hề có thêm thông tin nào về dự án này.