Không quân máu lửa ở Syria: "Gấu Nga" tái xuất giang hồ -Khủng bố kinh hồn bạt vía

Bình Nguyên |

Hai năm tham chiến ở Syria với cường độ cao, không ngừng nghỉ, Không quân Nga đã chứng minh được uy lực, khiến các nhóm khủng bố kinh hồn bạt vía bởi nhiều đòn hủy diệt chính xác.

Ngày không thể quên

Đúng vào ngày 30/09/2015, Tổng thống Vladimir Putin - Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Nga chính thức ra lệnh phát động chiến dịch tấn công hủy diệt các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với lực lượng chủ công là các máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang.

Các cuộc tập kích đường không ồ ạt đã diễn ra liên tục trong thời gian suốt hơn 2 năm qua, khiến các nhóm khủng bố ở Syria run sợ. Những đòn hủy diệt chính xác đã được thực hiện nhờ tính năng hoàn hảo của các phương tiện chiến đấu mà Nga tung sang chiến trường khốc liệt này.

Hiệu quả của các đòn đánh được Nikita Kovalenko - nhà bình luận quân sự nổi tiếng người Nga nhận xét ngắn gọn: "Kết quả hoạt động của lực lượng Không quân Nga ở Syria quá xuất sắc".

Tần suất xuất kích cao không tưởng

Chỉ số ấn tượng nhất trong chiến dịch kéo dài 2 năm này minh chứng cho hoạt động hiệu quả tuyệt vời của các phi công chiến đấu Nga chính là số phi xuất chiến đấu rất cao trong khi giữ được số thương vong trong tác chiến ở mức tối thiểu.

Về cơ bản mọi người đều hiểu, thương vong trong chiến đấu đối với bất cứ lực lượng nào, bao gồm cả lực lượng không quân là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu chúng ta đánh giá điều gì đã diễn ra đối với Nhóm tác chiến viễn chinh của Không quân Nga ở Syria thì chỉ có thể nhận định đó là những điều không tưởng.

Trong thực tế chiến đấu suốt hơn 2 năm qua, theo các thống kê chính thức thì các máy bay chiến đấu Nga đã thực hiện hơn 28.000 lượt xuất kích, tiến hành khoảng 99.000 phi vụ tấn công vào các vị trí của khủng bố.

Không quân máu lửa ở Syria: Gấu Nga tái xuất giang hồ -Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 1.

Tiêm kích bom đa năng Su-34 của Không quân Nga ở Syria.

Tổn thất của Không quân Nga tính tới hiện tại là 4 máy bay gồm 1 chiếc Su-24 bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, 1 Su-24 bị tai nạn khi cất cánh, 1 Su-33 và 1 MiG-29K thuộc biên chế của tàu sân bay Kuznetsov cùng 5 chiếc trực thăng.

Điều quan trọng phải phân biệt giữa thực tế về tổn thất trong chiến đấu (xảy ra khi tác chiến với quân địch) và tổn thất không do chiến đấu (không phải trong tác chiến với đối phương).

Ví dụ như, các máy bay chiến đấu (Su-33, MiG-29K) bị rơi hoàn toàn không phải do tác động của bên ngoài, tuy nhiên đã có một số máy bay trực thăng Nga vẫn bị bắn hạ bởi các tay súng phiến quân bằng các vũ khí phóng lên từ mặt đất.

Và, có thể nói một cách hết sức thẳng thắn rằng, các tổn thất của Không quân Nga ở Syria có thể được loại trừ khỏi thống kê của chúng tôi (Nikita Kovalenko). Chiếc Su-24 bị bắn hạ bởi tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ không được tính bởi xảy ra trong tình huống không rõ ràng.

Còn đối với các phi đội tiêm kích trên tàu sân bay Kuznetsov, mặc dù thực hiện chỉ vài trăm chuyến xuất kích nhưng lại để xảy ra tới 2 sự cố dẫn tới mất máy bay là một tỷ lệ tai nạn rất cao và đáng buồn với lực lượng không quân hải quân, tuy nhiên điều đó lại chỉ xảy ra có 1 lần (Su-24) đối với nhóm tác chiến viễn trinh của Không quân đồn trú tại căn cứ sân bay Khmeimmim.

Để so sánh, trong hơn 9 năm tham chiến ở Afghanistan, Không quân Nga đã thực hiện hơn 1 triệu phi xuất, tổn thất được ghi nhận là 107 máy bay và 324 trực thăng. Hay nói cách khác, cứ mỗi 100.000 lượt cất cánh ở Afghanistan, Không quân Liên Xô để mất tới 10 máy bay chiến đấu và 30 trực thăng.

Nếu so với tổn thất của lực lượng Không quân Nga ngày nay trong chiến dịch quân sự ở Syria chỉ là 2 hoặc 3 máy bay chiến đấu và khoảng hơn 1 tá trực thăng.

Chúng ta hãy tạm bỏ qua một thực tế quan trọng rằng ở Afghanistan, các máy bay Liên Xô bay trong điều kiện luôn phải đối mặt với nguy hiểm thực sự rình rập từ dưới mặt đất của các vũ khí phòng không hạng nặng, trong khi trên hiện tại ở Syria, các phi công không phải đối mặt với nguy cơ này.

Và nếu ngược thời gian lâu hơn về trước, trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, có tới 60% máy bay Liên Xô bị rơi không phải do chiến đấu - đó là các tai nạn và thực sự là con số thảm họa.

Không quân máu lửa ở Syria: Gấu Nga tái xuất giang hồ -Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 2.

Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 Nga dội bom vào các mục tiêu của IS.

Không quân Nga trở lại lợi hại hơn xưa

Ở Syria, Không quân Nga sử dụng phổ biến các máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M, máy bay tiêm kích bom đa năng Su-34, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, máy bay ném bom chiến lược T-95 và Tu-160, máy bay cường kích Su-25, tiêm kích đa năng Su-27SM, Su-30SM, Su-35, tiêm kích MiG-31.

Ngoài ra còn có các loại trực thăng Mi-8, Mi-24, Mi-28N, Ka-52; máy bay cảnh báo sớm và chỉ hủy trên không A-50, máy bay trinh sát Tu-214R, máy bay trinh sát và chế áp điện tử IL-20M1.

Theo Bộ Tổng tham mưu Nga, số lượng máy bay trong biên chế của nhóm tác chiến viễn trinh ở Syria chưa bao giờ vượt quá 35 chiếc trong suốt chiến dịch. Con số này tương đương với biên chế của 1 trung đoàn không quân.

Có thể nhấn mạnh rằng, các máy bay này không phải thuộc 1 trung đoàn không quân thông thường thuộc Không quân Nga mà nó là "một lực lượng hỗn hợp toàn quốc" - với các phi công tới từ nhiều đơn vị khác nhau trên khắp nước Nga được triệu tập vào nhóm tác chiến viễn trinh.

Chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky bình luận "Đã có một số trường hợp trực thăng của không quân lục quân bị đối phương bắn hạ. Tuy nhiên, đó là những tổn thất không thể tránh khỏi khi mà phiến quân được trang bị nhiều loại tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng tiên tiến.

Ngoài ra chúng còn có nhiều loại súng - pháo phòng không tự hành và súng phòng không cỡ lớn. Nhưng, không thể phủ nhận được là Không quân Nga đã hoạt động hiệu quả ở Syria.

Theo nhiều chuyên gia, có được kết quả đáng khích lệ này là nhờ 3 yếu tố sau đây:

Thứ nhất: Nhân sự tinh nhuệ kèm theo vũ khí hiện đại

Các hoạt động hiệu quả của Lực lượng vũ trang Nga ở Syria, theo ông Andrei Frolov (Tổng biên tập Tạp chí Xuất khẩu vũ khí) là do công nghệ quân sự Nga biến hóa không ngừng, giúp nâng cao chất lượng vũ khí từng ngày từng giờ. "Từ kinh nghiệm thu được từ chiến trường, các cỗ máy chiến tranh được cải tiến liên tục".

Anh hùng Liên bang Nga, cựu Tư lệnh Không quân Vladimir Mikhailov (2002-2007) tin rằng chất lượng tuyệt hảo của máy bay chiến đấu Nga cùng với các phi công được đào tạo bài bản, sáng tạo và rút kinh nghiệm nhanh đã đóng góp quan trọng vào thành công của Không quân Nga.

Ông nhận xét "Công nghệ Nga rất tin cậy, người Mỹ đã sốc khi biết được số phi xuất mà chúng ta đã thực hiện. Họ không hiểu làm cách nào mà người Nga có thể làm được như vậy".

"Nguyên nhân chính dẫn tới thành công là nhờ sự chú trọng đặc biệt của các tướng lĩnh và các cơ quan chính phủ trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của QĐ Nga". Kinh nghiệm tác chiến mà Nga trình diễn ở Syria đã được nâng lên một tầm cao mới.

Không quân máu lửa ở Syria: Gấu Nga tái xuất giang hồ -Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30SM triển khai ở Syria.

Thứ hai: Hoạt động tình báo - trinh sát hiệu quả

Các nhóm tình báo - trinh sát, lực lượng đặc nhiệm cũng như các "chân rết" người địa phương đã cho thấy hiệu quả hoạt động rất cao. "Không có gì phải nghi ngờ, các đòn tập kích đường không sẽ không thể tiến hành nếu thiếu dữ liệu trinh sát", ông Frolov nói thêm. "Cả máy bay không người lái lẫn máy bay trinh sát điện tử và vệ tinh đều đã được sử dụng tối đa".

Những dữ liệu thu được không chỉ cần thiết cho Không quân mà còn cho cả Hải quân. "Để tiến hành phóng tên lửa Kalibr, loại vũ khí có độ chính xác cao, chắc chắn phải có thông tin trinh sát chính xác, phương thức dẫn đường và cập nhật bản đồ địa hình phải thật tốt".

Không quân máu lửa ở Syria: Gấu Nga tái xuất giang hồ -Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 4.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr.

Thứ ba: Tất cả các quân binh chủng đều trong trạng thái sẵn sàng, phản ứng nhanh

Hoạt động hiệu quả của Không quân Nga được đảm bảo bởi họ không hoạt động đơn độc bằng sức mạnh tự thân, thì còn có sự đóng góp rất tích cực với những thành công của nhiều lực lượng khác như trinh sát và hải quân (với tên lửa Kalibr), lực lượng đảm bảo hậu cần kỹ thuật. Tất nhiên, cũng đừng quên công lao của lực lượng trinh sát khí tượng và quân y.

Chuyên gia Anton Mardasov - Trưởng nhóm nghiên cứu về các cuộc xung đột ở Trung Đông thuộc viện Phát triển sáng chế đã đánh giá rất cao vai trò của Hải quân Nga, nếu không có họ cùng với hoạt động hiệu quả của Không quân, thì chắc chắn liên quân Nga-Syria và các đồng minh sẽ không giành được thành công trọn vẹn.

Theo ông Mardasov, với sự cung cấp về vũ khí và hỗ trợ hỏa lực mạnh mẽ của Nga, các đơn vị QĐ Syria đã đóng vai trò là lực lượng chủ công trong thắng lợi. Bên cạnh đó, hoạt động của các chuyên gia Nga huấn luyện binh sĩ Syria sử dụng xe tăng, pháo binh, thông tin,... đã nâng cao sức mạnh chiến đấu.

"Nghệ thuật tác chiến của QĐ Syria đã được nâng lên một tầm cao mới chưa từng có, đó là nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga".

Không quân Nga oanh kích, hủy diệt các mục tiêu của IS ở Syria.

Thành công rực rỡ, nhưng chiến dịch quân sự ở Syria cũng đã để lộ ra những điểm yếu của Không quân Nga.

Đó là mạng lưới thông tin liên lạc quân sự chưa đảm bảo thảo mãn hoàn toàn các yêu cầu của QĐ Nga. Bên cạnh đó, các loại vũ khí có điều khiển chính xác như bom, tên lửa hành trình chưa được sử dụng phổ biến, kèm theo đó là không đủ lượng máy bay trinh sát không người lái để bao quát hết tình hình chiến sự 24/24h.

Tuy nhiên, với sự nhận thức sâu sắc về những thiếu sót kể trên, các tướng lĩnh và công nghiệp quốc phòng Nga đã bắt tay vào khắc phục để sớm cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại vũ khí, trang bị trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại