Trong tuần qua đã có một diễn biến rất đáng chú ý từ phía Quân đội Iran, đó là từng đoàn xe vận tải hạng nặng chở khác thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2 Favorit ra phía eo biển Hormuz nhằm sẵn sàng đối phó trước cuộc tấn công đường không của Mỹ.
Hệ thống S-300PMU-2 khi nằm sát bờ biển được đánh giá có thể phản ứng tức thời trước máy bay hay tên lửa hành trình xâm nhập theo hướng ngoài khơi so với bố trí sâu bên trong nội địa sẽ dễ bị giảm hiệu suất tác chiến vì vướng hạn chế từ điều kiện địa hình địa vật.
Mặc dù vậy động thái chuyển quân này của Iran bị đánh giá là không thực sự hiệu quả bởi tổ hợp S-300 của họ có vẻ như sẽ phải tác chiến đơn độc, trong khi muốn đánh bại cuộc tập kích của Mỹ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều hệ thống với nhau.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 Favorit của Iran thực hành bắn đạn thật
Cần nhắc lại rằng S-300 là một tổ hợp tên lửa phòng không tối ưu hóa cho tác chiến ở tầm cao, mặc dù được quảng cáo là có khả năng đánh thấp nhưng đặc tính này không mạnh. Thực tế cho thấy nơi nào Nga triển khai S-300/400 thì cũng phải có những tổ hợp phòng không tầm thấp như Pantsir-S1 hay Tunguska-M đứng cạnh làm "cận vệ".
Ngoài ra chiến trường Syria cũng cho thấy khi Không quân Israel thực hiện chiến thuật phóng tên lửa hành trình bay thấp bám địa hình để xâm nhập thì gần như các loại radar cảnh giới tầm xa của S-300 đều bị vô hiệu hóa, lúc này vai trò chủ chốt lại thuộc về Pantsir-S1.
Chắc chắn Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm của Israel tại Syria để đưa ra biện pháp đối phó phù hợp nếu phải giao chiến với S-300PMU-2 Iran. Kịch bản được nhắc tới đó là đòn phủ đầu với sự kết hợp giữa máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, hỗ trợ cho các tốp tiêm kích F/A-18E/F đi kèm tên lửa Tomahawk bay thấp sẽ dễ dàng xuyên thủng lưới lửa S-300PMU-2.
Trong trường hợp bị chế áp điện tử nặng nề, nếu tổ hợp Favorit của Iran kịp nhận ra các mối nguy cơ thì có lẽ cự ly cũng là quá gần và không kịp để cho tên lửa 48N6E2 chuyên đánh tầm cao và xa kịp phát huy tác dụng, lúc này Tehran sẽ phải trông chờ vào vũ khí khác đó chính là Tor-M1.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M1 của Quân đội Iran
Khác với S-300PMU-2, Tor-M1 là một tổ hợp tên lửa phòng không được thiết kế chuyên trách cho việc diệt mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình. Vũ khí này có vai trò, nhiệm vụ gần giống Pantsir-S1 nhưng ưu việt hơn ở khả năng khai hỏa liên tiếp với mật độ cao.
Radar kiểm soát hỏa lực Tor-M1 có số lượng "rãnh đạn" lớn, đồng nghĩa nó điều khiển được nhiều tên lửa đánh chặn cùng lúc, đây mới là phương tiện hữu hiệu nhất để chống đòn tập kích bằng máy bay bay thấp và tên lửa hành trình được bắn đi với nhịp độ cấp tập.
Hiện tại mặc dù Mỹ đã điều động máy bay ném chiến lược B-52H tới những căn cứ sát Iran, tuy nhiên vũ khí này có lẽ chỉ được sử dụng ở giai đoạn sau của cuộc chiến khi phòng không Iran đã bị "làm mềm" đi nhiều, lúc đó S-300PMU-2 (nếu còn tồn tại) mới có thể phát huy tác dụng.
Còn trong giai đoạn trước mắt, tổ hợp Favorit của Iran nên tạm nhường lại vị trí "quân tiên phong" cho Tor-M1 để chuyển sang vai trò hỗ trợ, chỉ huy từ xa thì phù hợp hơn, bởi đối tượng tác chiến ban đầu gần như chắc chắn không phải sở trường đối phó của nó.
Lực lượng phòng không Iran bắn thử nghiệm tổ hợp tên lửa tầm xa S-300PMU-2 Favorit