Tehran đang lo ngại về "tên lửa hạt nhân của Israel nhằm vào Iran", tuyên bố này được đưa ra bởi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. Đồng thời, ông Zarif cáo buộc cả Mỹ, Anh, Đức và Pháp đều làm ngơ trước "kho vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông".
Chương trình tên lửa đạn đạo của Israel
Ngày 6 tháng 12 vừa qua, Quân đội Israel đã tiến hành thử thành công động cơ dành cho tên lửa đạn đạo tại căn cứ quân sự Palmahim của nước này. Việc phát hiện cuộc thử nghiệm không phải là kết quả của Cơ quan tình báo Iran, mà được thông báo công khai bởi cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Israel.
Vụ thử tên lửa tại căn cứ quân sự Palmahim hôm 6 tháng 12.
Tuy nhiên những thông số kỹ thuật động cơ tên lửa không được công khai, giới quân sự thậm chí còn không biết liệu đó là phiên bản hiện đại hóa hay là một động cơ hoàn toàn mới.
Đồng thời, các phương tiện truyền thông Israel đã đưa tin rộng rãi về ý nghĩa của cuộc thử nghiệm này và cho biết động cơ mới có thể được sử dụng cho tên lửa đạn đạo tầm xa.
Cùng thời điểm, Israel cũng thông báo việc họ thử thành công tên lửa đánh chặn tầm cao Arrow-3, đây là loại tên lửa phòng không được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa tầm trung ở giai đoạn ngoài tầm khí quyển, phiên bản mới nhất của hệ thống phòng không Arrow-3 có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao tới 100 km.
Tổ hợp này được thiết kế chủ yếu để chống lại tên lửa Shahab và Sajil của Iran. Mặc dù đây là vũ khí phòng thủ nhưng rõ ràng Teheran không hài lòng về sự thành công của Israel.
Sơ đồ ước tính tầm bao phủ tên lửa tầm xa của Israel.
Việc cải tiến thành công động cơ cho loại tên lửa đạn đạo Jericho mới chính là nguồn cơn mà Teheran đã phẫn nộ, vì tên lửa Jericho là vũ khí tấn công, sẵn sàng dùng cho mục đích trả đũa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Iran; hiện nay thông tin về tên lửa Jericho vẫn ở trong vòng bí mật.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, mục đích chế tạo tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân của Israel nhằm đối phó với những mối đe dọa xóa sổ nhà nước Do Thái và Iran hiện nay luôn kêu gọi xóa sổ Israel, đó là điều hợp logic.
Tên lửa đạn đạo Jericho có 3 phiên bản, phiên bản đầu tiên xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1970, là loại tên lửa đạn đạo một tầng, tầm ngắn và mang được một đầu đạn nặng 450 kg.
Phiên bản thứ hai, được đưa vào biên chế giữa những năm 1980, đây là loại tên lửa hiện đại hơn, với 2 tầng nhiên liệu, tầm bắn tăng lên 3.500 km, và có thể mang một đầu đạn tới một tấn.
Và phiên bản thứ ba, ra đời vào đầu thập niên 2000, tin tức về nó rất khác nhau, có tài liệu cho rằng Jer-3 có tầm bắn 4.000 km, 5.000 km và 6.500 km. Thậm chí còn có những cáo buộc cho rằng đây là tên lửa liên lục địa, có tầm bắn tối đa đạt tới 11.500 km.
Đồng thời, mọi tài liệu đều thống nhất phiên bản thứ ba có thể mang theo 2-4 đầu đạn phân hướng và hoàn toàn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Có bằng chứng cho thấy, Israel hiện đang phát triển phiên bản Jericho-4 mạnh hơn, rất có thể động cơ mới sẽ giành cho phiên bản Jericho-4.
Điều khó hiểu là tại sao Israel lại có ý định chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa, trong khi đó, để đối phó với các quốc gia trong khu vực, họ chỉ cần tên lửa tầm trung là đủ. Nhưng cũng có giả thiết cho rằng đây là vũ khí để Israel gây áp lực lên Nga và Trung Quốc, hai quốc gia luôn đứng ra bảo vệ Iran.
Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn khi cho rằng, mục đích của việc thử thành công loại động cơ tên lửa mới không phải là tăng tầm bắn mà là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của tên lửa. Điều này là cần thiết để tên lửa tăng khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Những kỹ thuật mới này bao gồm: rút ngắn thời gian giai đoạn phóng, tăng cự ly giai đoạn giữa; tên lửa có thể mang theo mục tiêu giả và thậm chí là các pod tác chiến điện tử.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Israel
Việc Israel có vũ khí hạt nhân, Tel Aviv không bác bỏ nhưng cũng không xác nhận, mà chỉ giữ thái độ im lặng. Nên nhớ Israel chưa ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Người sáng lập nhà nước Israel Ben-Gurion đã nhiều lần tuyên bố rằng, chỉ có vũ khí hạt nhân mới cho phép Israel duy trì nền độc lập, chống lại sự bao vây bởi các quốc gia thù địch. Đây cũng là chương trình phát triển vũ khí quan trọng nhất của Israel và không được công bố chính thức.
Việc chế tạo vũ khí hạt nhân thực sự bắt đầu bằng việc lắp đặt lò phản ứng hạt nhân của Pháp có công suất 28 MW vào năm 1957 tại sa mạc Negev gần thành phố Dimon. Với lò phản ứng này, Israel sẽ thu được 3 kg plutonium, có thể dùng chế tạo bom hạt nhân. Sau đó, lò phản ứng đã được nâng cấp và đạt sản lượng 10 kg/năm.
Tất nhiên, Israel không thể một mình tự chế tạo bom, trong chương trình hạt nhân của Israel có sự giúp sức của các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ và Nam Phi, cũng như sự giúp đỡ của những người Do Thái trước đó làm việc trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Mỹ nhưng đã chuyển về Israel theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại sa mạc Negev
Những bằng chứng Israel có vũ khí hạt nhân
Nhà vật lý người Mỹ Edward Teller, cha đẻ của bom hydro, đã cố vấn cho các đồng nghiệp hạt nhân của Israel trong một thời gian dài kể từ đầu thập niên 1960. Ông đã thăm Israel 6 lần, nơi ông không chỉ giảng bài tại Đại học Tel Aviv, mà còn đến thăm các cơ sở hạt nhân của Israel.
Năm 1976, sĩ quan CIA Carl Duckett, làm chứng trước Quốc hội Mỹ, tuyên bố sự tồn tại của vũ khí hạt nhân ở Israel. Đồng thời, ông đề cập đến độ tin cậy của thông tin nhận được từ "một nhà khoa học người Mỹ". Vào năm 1990, Edward Teller thừa nhận rằng chính ông là người cung cấp thông tin cho CIA về chương trình hạt nhân của Israel.
Vào năm 1985, Mordechai Vanunu, một kỹ thuật viên tại trung tâm hạt nhân Moson-2 đã bỏ trốn khỏi Israel, và đã trao hơn 60 bức ảnh các cơ sở hạt nhân của Israel cho tờ Thời báo của Anh, cung cấp cho họ những bình luận chi tiết. Tài liệu này đã hoàn toàn xác nhận chương trình vũ khí hạt nhân của Israel.
Israel phóng thử tên lửa Jericho-3
Ngoài hai chứng cứ trên, số lượng bằng chứng gián tiếp về chương trình vũ khí hạt nhân của Israel đang lên tới gần 30 như: Việc Israel mua cả chục tấn vật liệu nước nặng và hàng trăm tấn quặng uranium, việc chuyển ngòi nổ thành phẩm cho bom hạt nhân….
Nhưng Mỹ và Israel luôn giữ sự im lặng tuyệt đối, bởi vì đó là các thỏa thuận bí mật, trong đó lợi ích của Mỹ được tính đến có tầm quan trọng hơn nhiều so với các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế.
Ngay sau khi có sự luận tội của Quốc hội Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Israel, Thủ tướng Israel khi đó là bà Golda Meir đã bay tới Washington. Các cuộc đàm phán kín đã diễn ra với Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Kết quả cuộc đàm phán sau đó được tiết lộ bởi Giám đốc Viện Chính sách Trung Đông Washington Robert Setlof: "Về bản chất, thỏa thuận giữa Mỹ và Israel về chương trình hạt nhân đó là, Israel sẽ giữ mức răn đe hạt nhân ở mức tối thiểu và Washington sẽ giữ thái độ im lặng".
Một đầu đạn hạt nhân có sức công phá ít nhất phải là 5 kiloton thì mới được tính là một vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Các chuyên gia Mỹ đánh giá về năng lực sản xuất và dự trữ đầu đạn hạt nhân của Israel cho rằng, vào giữa những năm 1970, Israel có 15 đầu đạn hạt nhân; năm 1982 là 35; khi bắt đầu Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là 55. Có bằng chứng cho thấy năm 2004 việc sản xuất đầu đạn đã bị đóng băng, thời điểm đó Israel có khoảng 80 đầu đạn hạt nhân.
Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga, trên cơ sở thông tin có được từ những con số khác nhau cho rằng, hiện Israel có thể sở hữu từ 100 đến 200 đầu đạn hạt nhân.
Năm 2013, Bản tin nghiên cứu hạt nhân, ấn phẩm chuyên ngành của Anh, cho biết Israel có khoảng 80 đầu đạn hạt nhân. Đồng thời, Israel đã tích lũy đủ số nhiên liệu mà từ đó có thể sản xuất tới 190 đầu đạn hạt nhân.
Và bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, hành động này vẫn tiếp diễn, như cố Thủ tướng Golda Meir từng phát biểu: Chúng ta không có vũ khí hạt nhân, nhưng nếu cần, chúng ta sẽ sử dụng chúng.