Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của Nga được trưng bày tại Triển lãm quân sự quốc tế Army 2020 ở Patriot Park, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 23/8/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo hãng tin TASS, ông Peskov nêu rõ chủ đề kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược là cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Nga và Mỹ mà còn đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, Moskva lấy làm tiếc vì không có các kênh tiếp xúc nghiêm túc, thực chất về vấn đề này giữa hai nước.
Ngày 18/5 vừa qua, nhóm 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trình Quốc hội Mỹ xem xét dự luật kêu gọi chính quyền rút khỏi New START và tăng cường lực lượng hạt nhân.
Trước đó, ngày 21/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva tạm ngừng tham gia hiệp ước New START nhưng không rút khỏi.
Ông nhấn mạnh trước khi quay trở lại thảo luận vấn đề tiếp tục thực hiện hiệp ước, phía Nga cần phải làm rõ hiệp ước sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà còn của các cường quốc hạt nhân trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh và Pháp như thế nào. Ngày 1/3, Tổng thống Putin ký đạo luật về việc Nga tạm dừng tham gia New START.
Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Theo đó, mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tiến công chiến lược của mình để 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số vũ khí của hai nước không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng (TB), 1.550 đầu đạn trên TB, 800 bệ phóng ICBM, SLBM và TB đã triển khai và chưa triển khai.
Hiệp ước có hiệu lực trong vòng 10 năm (đến ngày 5/2/2021) trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. New START cũng có thể được gia hạn không qua 5 năm (đến năm 2026) theo thỏa thuận chung của các bên. Tháng 2/2021, Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước thêm 5 năm.