Không có "phép màu" cho cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng Nga vẫn "cầm cờ" chiến thắng?

Mạnh Kiên |

Sự thúc đẩy của Tổng thống Macron để xua tan bầu không khí thù địch với Nga ở phương Tây đã phục vụ lợi ích rất nhiều cho Moscow.

Bệnh tim ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm suy yếu các chức năng của cơ thể. Chắc chắn, phép ẩn dụ mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sử dụng để nói về cuộc xung đột khủng hoảng Ukraine – "một vết thương ở trung tâm lục địa châu Âu" - là lời mô tả thích hợp tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy vừa tổ chức ở Paris hôm 9/12.

Cũng giống như bệnh tim, cuộc xung đột Ukraine không có biện pháp nào "chữa khỏi" dứt điểm ngay lập tức.

Cuộc xung đột Ukraine đã ràng buộc mối quan hệ của phương Tây với Nga thành những nút thắt khó mở. Nút thắt này kích hoạt các lệnh trừng phạt chống lại Nga và biến hình ảnh của Moscow trở thành kẻ thù, bình luận viên MK Bhadrakumar của tờ Asia Times nhận định.

Có thể thấy rằng, cuộc xung đột Ukraine đã củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu trong một thời gian dài, nhưng chỉ đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện và làm hỏng "bữa tiệc", người châu Âu cảm thấy họ không được tôn trọng và bắt đầu suy nghĩ lại về bước đi của mình.

Chia rẽ

Những tiếng nói bất đồng đã xuất hiện ở châu Âu thời gian qua và ngày càng có nhiều quốc gia đang cân nhắc lại việc xa lánh Nga có phải là một lựa chọn hợp lý đối với họ hay không.

Tuy nhiên, bất chấp việc đã có những suy nghĩ nối lại quan hệ, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vẫn đang hiện hữu và Châu Âu hiện đang thiếu một cách tiếp cận đồng nhất trong vấn đề quan hệ với Moscow.

Trong khi đó, Washington bắt đầu coi Nga và Trung Quốc là đối thủ chính và đưa điều này vào chương trình nghị sự của NATO. Không ai khác, chính Pháp – quốc gia vốn có quan hệ lịch sử với Nga và là một trong những trụ cột ảnh hưởng của "lục địa già" đã lên tiếng phản đối.

Trong một cuộc phỏng vấn được vào tháng trước, Tổng thống Emmanuel Macron than thở rằng NATO đang trải qua tình trạng "chết não" và Washington đang có dấu hiệu quay lưng lại với liên minh.

Ông Macron cảm thấy rằng lợi ích của Pháp chỉ đến từ việc cân bằng mối quan hệ với phương Tây và Nga – hay "đưa nước Nga trở lại châu Âu" – như lời ông nói.

Pháp, Đức hiểu rằng, một cuộc xung đột băng giá ở Ukraine chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ, các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây ở Trung Âu và Baltic không muốn gắn kết với Nga , bên cạnh những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ukraine, chống lại bất kỳ sự hòa giải nào với Nga.

Một trong những vấn đề gây bất đồng khác đó là sự sáp nhập Crimea – điều mà Moscow sẽ không bao giờ đồng ý lùi bước và được coi là nguyên nhân thúc đẩy các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Tích cực

Không có phép màu cho cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng Nga vẫn cầm cờ chiến thắng? - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận có những yếu tố tích cực đang đến. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang nghiêm túc trong các nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Donbas và cải thiện quan hệ với Nga, trong khi Liên minh châu Âu và NATO cũng không thúc giục sự gia nhập của Ukraine trong thời gian gần đây; và chính sách của Tổng thống Trump không giống như người tiền nhiệm Barack Obama.

Điều này tạo không gian làm việc cho Bộ tứ Normandy - Pháp, Đức, Nga và Ukraine - đưa ra các sáng kiến ​ theo hiệp định Minsk, dự kiến ​​một lệnh ngừng bắn ở Donbass, cải cách hiến pháp ở Kiev để trao quyền tự trị cho các khu vực ly khai, tiếp theo là bầu cử dưới sự giám sát của quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy hồi đầu tuần đã tạo ra một khởi đầu khiêm tốn nhưng có ý nghĩa để vực dậy tiến trình hòa bình từ khủng hoảng Ukraine.

Có sự đồng thuận trên ba vấn đề cốt lõi: Trao đổi tù nhân và ngừng bắn vĩnh viễn vào cuối năm nay. Bên cạnh việc tái khẳng định các thỏa thuận Minsk 2015 và đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác sau bốn tháng.

Sự khác biệt vẫn còn - chủ yếu liên quan đến quá trình thực hiện, các điều kiện an ninh và chính trị để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Nhưng Tổng thống Macron có vẻ lạc quan khi cho rằng bốn tháng tới có thể cải thiện bầu không khí nói chung và thu hẹp sự khác biệt giữa Ukraine và Nga.

"Ngày hôm nay chúng tôi chứng kiến sự khác biệt. Chúng tôi đã không tìm thấy giải pháp kỳ diệu, nhưng chúng tôi đã có tiến bộ", nhà lãnh đạo Pháp thẳng thắn tuyên bố.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh Paris cũng có thể được tính là một sự phát triển tích cực. Moscow coi mong muốn hòa bình của Zelensky là thái độ chân thật.

Ngoài ra, Moscow đã giành được một chiến thắng mang tính biểu tượng trong hội nghị thượng đỉnh Paris khi nói đến vấn đề sáp nhập Crimea. Quan trọng nhất, sự thúc đẩy của Tổng thống Macron để xua tan bầu không khí thù địch với Nga ở phương Tây đã phục vụ lợi ích rất nhiều cho Moscow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại