(Ảnh minh họa)
"Không có loại tương tự"
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat mới nhất của Nga là tên lửa ‘độc nhất vô nhị’, không có loại tương tự trên thế giới – Thượng tướng Sergei Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga cho biết.
Phát biểu trên kênh truyền hình Zvezda, ông Karakaev nhấn mạnh thêm rằng đây là hệ thống tên lửa do tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga tạo ra, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì.
"Trong tương lai, công tác vận hành, bảo trì và sửa đổi tên lửa này do chúng tôi kiểm soát" – ông Karakaev nói.
Trước đó, vào đầu tháng này, ông Karakaev cho biết tên lửa Sarmat có thể bay qua Bắc Cực và Nam Cực, cũng như theo một số quỹ đạo khác. Các đối thủ của Moscow sẽ khó có thể tạo ra phương tiện đánh chặn Sarmat trong những thập kỷ tới.
Một trong những lý do khiến Sarmat rất khó bị đánh chặn là do mặc dù sử dụng nhiên liệu lỏng nhưng tên lửa này có thể tăng tốc nhanh ngang với các tên lửa sử dụng motor rocket nhiên liệu rắn hạng nhẹ.
"Do tỷ lệ công suất trên trọng lượng (PWR) của hệ thống tên lửa mới có sự thay đổi nên quỹ đạo của tên lửa có khả năng thay đổi. Từ quỹ đạo băng qua Bắc Cực, nếu cần, có thể thiết lập quỹ đạo bay qua Nam Cực. Ngoài ra, tên lửa cũng có khả năng đi theo các quỹ đạo khác xét theo khả năng phóng vào không gian" – Ông Karakaev cho hay.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat. Ảnh: ICBM
Theo ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos, Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa Sarmat trong năm nay, và quân đội Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận tên lửa vào mùa thu năm 2022.
Roscosmos có kế hoạch chế tạo tổng cộng 46 tên lửa Sarmat để phục vụ nhu cầu của quân đội Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Sarmat có khả năng tấn công mục tiêu tầm xa bằng nhiều quỹ đạo bay khác nhau, và có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Vụ phóng thử đầu tiên của tên lửa Sarmat được thực hiện vào ngày 20/4. Theo Phó Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Poroskun, Sarmat sẽ phục vụ quân đội Nga trong 50 năm.
Sarmat là hệ thống tên lửa hạng nặng bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu lỏng nặng hơn 200 tấn. Hệ thống này được thiết kế nhằm thay thế tên lửa Voevoda (còn được gọi là Satan) trong lực lượng tên lửa chiến lược của Nga. Nó được kỳ vọng sẽ củng cố năng lực chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.
Mỹ dự đoán chính xác
Trong phiên điều trần xác nhận trước quốc hội vào tháng 7/2020, Đại diện đặc biệt về kiểm soát vũ khí của Mỹ Marshall Billingslea cho biết Washington cần tăng tốc thử nghiệm các công nghệ siêu thanh mới để có thể cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.
"Chúng ta đang có nhu cầu cấp thiết là phải thử nghiệm tích cực một số công nghệ phương tiện siêu thanh mới cho Lục quân, Hải quân, và có thể cả Không quân" – Ông Billingslea nói, đồng thời cho biết Mỹ hiện đang đi sau Nga và Trung Quốc trong việc thử nghiệm, cũng như triển khai các công nghệ siêu thanh.
"Nga thực sự đã triển khai vũ khí hạt nhân siêu thanh trên ICBM. Dự kiến nhiều điều hơn nữa sẽ đến khi họ ra mắt một ICBM thậm chí có kích cỡ lớn hơn, gọi là Sarmat" – Ông Billingslea cho hay.
Vị quan chức nhấn mạnh thêm rằng công nghệ siêu thanh sẽ mang lại nhiều lợi thế, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phương tiện siêu vượt âm Avangard. Ảnh: CNBC
Đã có một số báo cáo cho rằng tên lửa Sarmat của Nga có thể mang theo các phương tiện tác chiến siêu thanh thế hệ mới.
Trả lời phỏng vấn Krasnaya Zvezda, ông Karakaev cho biết, tổ hợp tên lửa hạng nặng Sarmat sẽ ngang bằng với các tổ hợp tên lửa tiền nhiệm của Nga, thậm chí có nhiều đặc điểm vượt trội đáng kể.
Ông Karakaev cũng tuyên bố tên lửa Sarmat có thể được trang bị các phương tiện tác chiến siêu thanh mới nhất, ví dụ như Avangard. Theo Thượng tướng Nga, sự phát triển của Avangard đã mở ra một kỷ nguyên mới của vũ khí siêu thanh. Hiện không có quốc gia nào khác trên thế giới ngoại trừ Nga có loại vũ khí này đang trực chiến.